Sữa nội mới đáp ứng được 27-28% nhu cầu tiêu dùng trong nước

Thứ Tư, 10/09/2014, 17:14 [GMT+7]

Phần còn lại, các công ty nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số ít các quốc gia tại Châu Á xuất khẩu sữa.
 

Theo nghiên cứu của công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, thì các sản phẩm sữa nước giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12 % ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15 %... là những mặt hàng sản xuất chủ yếu trong nước.

Riêng mặt hàng sữa bột, theo thống kê của Bộ Công Thương thì 5 tháng đầu năm 2014 sản lượng  sản xuất tăng 5,52 % so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy mặt hàng này đã dần chiếm thị trường trong nước với sản lượng ngày càng tăng. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại Châu Á có xuất khẩu sữa.  Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm sữa trị giá hơn 230 triệu USD trong đó chủ yếu là công ty Vinamilk với giá trị hơn 210 triệu USD . Vinamilk cũng được công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2013 theo QĐ số 4603/QĐ-BCT của Bộ Công thương.  Đây là một minh chứng cho sản phẩm sữa trong nước sản xuất không chỉ đáp ứng  niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam mà còn vươn tầm ra thị trường sữa thế giới.

Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng sữa, với tư cách là một chuyên gia dinh dưỡng, bà Phan Thị Kim – nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đưa ra quan điểm sau khi đọc các thành phần trong một hộp sữa nước: Một sản phẩm sữa có 10% đường cho vào, chưa kể lượng ngọt có sẵn trong sữa, là quá cao. Nếu ở mức này thì hậu quả sẽ là 30-40% béo phì trong tương lai, chưa kể đến tiểu đường, tim mạch… do ăn quá nhiều đường. Bên cạnh đó, còn có các phụ gia, phẩm màu… cho vào sữa là không tốt. Sản xuất sữa phải theo yêu cầu của y tế về sức khỏe, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo bà Kim, chiều cao trung bình của người Việt Nam 30 năm mới tăng được 4 cm là quá ít. Chúng ta sản xuất sữa, nhập khẩu sữa nhưng chất lượng sữa tác dụng vào thể trạng người Việt Nam có được bao nhiêu đâu? Quay trở lại, đấy chính là thước đo chất lượng ngành sản xuất sữa. “Ca ngợi canxi trong sữa cao… nhưng sản phẩm quá đắt thì không phải ai cũng có thể mua được, không thể cung cấp cho cơ thể mỗi ngày một ly sữa. Một hộp sữa chua cũng có giá 6.000-7000 đồng. Để cải thiện chiều cao thì ngoài nâng cao chất lượng bữa ăn, sữa tươi, sữa chua phải ăn hàng ngày. Trẻ em ở các nước uống sữa tươi như nước lọc. Mình học tập các nước nhưng phải trong hoàn cảnh của Việt Nam. Nhà nước xem xét giảm thuế cho DN sản xuất sữa, cụ thể với mặt hàng sữa tươi và sữa chua có mức giá được nhiều người chấp nhận. Phải hạ giá thì người dân mới mua được sữa chứ không thể cho mãi.

Ngoài ra, theo ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì các thông tin về chất lượng, sản phẩm sữa đến với người tiêu dùng hiện nay còn rất hạn chế. Các bà mẹ biết đến các hãng sữa từ chính các doanh nghiệp hoặc sự trao đổi thông tin giữa các bà mẹ nuôi con nhỏ với nhau. Trong “ma trận” các nhãn hàng sữa như hiện nay, ông Tuấn cho rằng, người tiêu dùng nên chọn những DN có uy tín, thương hiệu trên thị trường; có sản phẩm đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý, đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới…

Nhu cầu sữa của người Việt Nam tiếp tục tăng

Ông Nguyễn Đăng Vang – Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, theo các dự báo, đến năm 2045, dân số Việt Nam đạt 113 triệu người. Nếu thu nhập hiện nay là 1960 USD/người năm, đến năm 2045 Việt Nam có sức mua sữa vẫn chưa bằng Hàn Quốc và Đài Loan hiện nay.

Nhật Bản tiêu dùng năm 2013 qui đổi 81,4 kg sữa/người, trong đó tự sản xuất 72,3%, nhập khẩu 26,8%, trong đó 31,1 lít cho uống, số còn lại chế biến để tiêu thụ và nhập khẩu.

Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa qui đổi khoảng 18 lít/người. Trong đó, tự sản xuất 456,4 ngàn tấn sữa tưới, 5,1 lít/người/năm, chiếm 28%, số còn lại là nhập khẩu. Nếu năm 2045 Việt Nam tiêu thụ/người bằng 60% của Nhật Bản ngày nay thì cần 50kg sửa qui đổi/người/năm. Nếu tự túc 60%, nhập khẩu 40% thì Việt Nam cần sản xuất 3.400.000 tấn sửa; 5.650.000 tấn sữa tươi, nhập khẩu 2.250.000 tấn sữa qui đổi. Giá trị nhập khẩu 3,6 tỷ USD/năm.

Về giá sữa ở Việt Nam hiện nay thu mua khoảng 13.600 đồng/kg (Việt Nam 0,63 USD/kg, Nhật 0,88 USD/kg, Canada 0,6 USD/kg, Mỹ 0,45 USD/kg… Riêng Đài Loan, giá bán sữa tại cổng trại là 0,75 – 1,01 USD/kg). Với giá thu mua 13.600 đồng/kg, người chăn nuôi Việt Nam có lợi nhuận khoảng 20%.

Người Việt Nam đang sở hữu chiều cao trung bình ở mức thấp nhất Đông Nam Á, trong khi đó mức tiêu thụ sữa vẫn thấp. Cụ thể, năm 2012, theo khảo sát của Nielsen, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 15lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (34lít/năm), Trung Quốc (25/lít/năm) và Anh (112 lít/năm). Cục chăn nuôi Việt Nam ước tính, người dân sẽ tiêu thụ gấp đôi mức hiện nay, lên đến 28lít/năm vào năm 2020.

Tổng đàn bò sữa của Việt Nam năm 2014 (số liệu thống kê 01/04/2014) là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang  và có kế hoạch tham gia đầu tư  vào ngành chăn nuôi bò sữa. Đây là bước phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam (khi các trang trai quy mô công nghiệp hiện đại ra đời bên cạnh những trang trại quy mô gia đình). Điều này chứng minh sự phát triển gắn kết giữa ngành chế biến sữa và ngành chăn nuôi bò sữa, và là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như các nước đang phát triển ngành sữa là ngành chế biến sữa phát triển đi trước tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển đáp ứng cho nhu cầu nguyên liệu./.

 

Theo VOV
 

.