Phát triển nghề nuôi ong ở Núa Ngam
Điện Biên TV - Với điều kiện thuận lợi về tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, vài năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đang ngày càng phát triển. Nhiều hộ sau khi mạnh dạn đầu tư mô hình này đã thu được hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã nói riêng, toàn huyện nói chung.
Ông Nguyễn Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, cho biết: Trước đây, việc trồng ngô, khoai, sắn và các cây nông nghiệp ngắn ngày ở địa phương cho hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù tập trung đầu tư vốn, như: phân bón, giống cây trồng, thuốc trừ sâu… vào phát triển nông nghiệp nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi sang mô hình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.
Là chủ nhiệm hợp tác xã nuôi ong, cũng là người gắn bó với nghề nuôi ong và có số lượng đàn ong lớn nhất ở Núa Ngam với trên 250 đàn, anh Đỗ Xuân Đoàn, bộc bạch: Bấy lâu, khi nghề nuôi ong ở Núa Ngam chưa phát triển mạnh như hiện nay, người dân trong xã thường bắt ong từ rừng về làm giống và tự nhân đàn. Dù thùng nuôi và kỹ thuật chăm sóc còn đơn giản, nhưng do ong dễ chăm sóc nên nhiều hộ gia đình đã duy trì việc nuôi ong theo các hình thức rất đơn giản. Có hộ thì dùng thùng xốp để nuôi ong, có hộ thì dùng gốc cây, khoét rỗng ruột bịt 2 đầu treo ngoài vườn duy trì đàn ong. Khi ấy, mọi sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong gia đình.
Nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Bắc ở bán Pú Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. |
Tuy nhiên, đến năm 2004, nhận thấy tiềm năng cũng như lợi thế của địa phương thích hợp phát triển nghề nuôi ong, anh Đỗ Xuân Đoàn cùng một một số hộ nuôi nhiều ong mật ở xã đứng ra thành lập Hợp tác xã nuôi ong, lấy tên là Lâm Ong. Trong quá trình hoạt động, anh Đoàn đã chủ động tìm tòi về kỹ thuật chăm sóc ong cũng như cách nuôi ong đạt hiệu quả rồi truyền đạt kiến thức cho các thành viên. Với nỗ lực trong việc tìm nơi tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm mật ong làm ra đảm bảo chất lượng, thơm ngon, sản phẩm mật ong của hợp tác xã nuôi ong do anh Đoàn làm Chủ nhiệm đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là khách nước ngoài như: Đan Mạch, Anh, Pháp… đặt hàng mua, mang lại thu nhập cao cho người nuôi ong.
Đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình anh Nguyễn Văn Bắc ở bản Pú Ngam, cũng là một trong những hộ gia đình nuôi ong lâu năm của xã với gần 200 đàn ong. Trước đây, gia đình anh Bắc không có tài sản gì lớn ngoài 1 con trâu và mấy sào ruộng thường xuyên mất mùa. Quanh năm vất vả là thế nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 2000, nhân dịp anh về quê ở Thái Bình thăm người thân, thấy nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi về, anh Bắc cũng bắt tay vào việc nuôi ong. Ban đầu anh vay tiền bạn bè, người thân đầu tư nuôi 10 đàn ong. Sau một năm, mỗi đàn ong cho thu hoạch 6 lít mật. Hiệu quả kinh tế và dễ chăm sóc, các năm sau, gia đình anh Bắc tiếp tục phát triển thêm vài chục đàn ong mới. Đến nay, số đàn ong của gia đình đã gần 200 đàn. Trừ chi phí, hàng năm đàn ong của anh Bắc cho thu lời trên 100 triệu. Với số tiền đó, gia đình anh đã xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố, khang trang, đầy đủ các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt.
Ngoài lợi ích về kinh tế từ sản phẩm mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, nuôi ong còn giúp cho vườn cây ăn quả phát triển tốt nhờ được thụ phấn đều đặn. Bởi thế, nhiều gia đình ở xã Núa Ngam đã kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả có quy mô rộng, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Hiện, toàn xã có trên 2.000 đàn ong mật.
Mặc dù đây không phải nghề mới xuất hiện trên địa bàn nhưng những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đang trở thành hướng phát triển kinh tế cho người dân trong xã. Nghề nuôi ong ở Núa Ngam mấy năm gần đây đã cho thấy được hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, giúp nhiều hộ dân bước đầu định hình được hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, tin rằng nghề nuôi ong ở Núa Ngam sẽ là hướng đi đúng để người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Văn Quyết