Hỗ trợ cây ăn quả, cây công nghiệp ở Mường Nhé nhìn từ thực tế
Điện Biên TV - Trong những qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân các dân tộc của huyện Mường Nhé đã được thụ hưởng khá nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Hỗ trợ giống cây ăn quả, cây công nghiệp là một trong hợp phần nhỏ của các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc của huyện. Vậy sau nhiều năm triển khai việc hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả gì?
Khu vườn trồng cà phê từ năm 2013 của gia đình anh Giàng A Lự, bản Co Lót, xã Mường Nhé, chỉ nhìn lướt nhanh là chúng tôi có thể thấy được cây cà phê được gia đình chăm sóc ở mức độ nào. Quả thực, để có thể tìm những cây cà phê đã trồng được hơn một năm chúng tôi đã phải đi vạch từng bụi cây, bới từng cây cỏ. Còi cọc, vàng úa, cằn cỗi - đó là thực trạng vườn cà phê nhà anh Giàng A Lự, và qua tìm hiểu của chúng tôi thì đây cũng là tình trạng chung của những diện tích cà phê của huyện được triển khai hỗ trợ trồng trong năm 2013.
Cũng tại nhà anh Lự, những bao phân bón gồm đạm, ka li, phân lân tổng hợp được cấp cùng khi gia đình nhận trồng 2.000 cây cà phê theo hợp phần hỗ trợ giống cây một lần của dự án 30a về xóa đói giảm nghèo bền vững, tất cả vẫn còn nằm im và đang bị phân hủy. Trao đổi với chúng tôi anh Giàng A Lự cho biết: Do không có thời gian nên từ khi trồng đến nay gia đình chưa thể tiến hành chăm sóc, bón cho vườn cà phê.
Nhiều diện tích cà phê trồng tại Mường Nhé không phát triển được, do người dân không biết cách cũng như không có sự đầu tư chăm sóc. |
Vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh Khoàng Lòng Xe, bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn - vườn chuối tiêu hồng hiếm hoi còn sót lại trong tổng số 50 ha được trồng từ năm 2010 tại các xã Leng Su Sìn, Chung Chải, Sen Thượng và Sín Thầu theo hợp phần hỗ trợ giống cây ăn quả của dự án 30a. Theo cán bộ của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, thì dự án hỗ trợ chuối tiêu hồng được triển khai sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, do không hợp khí hậu, người dân không biết cách chăm sóc và không thể tự nhân giống. Do vậy, đến thời điểm này sau 4 năm triển khai, diện tích chuối tiêu hồng chỉ còn lại ít ỏi. Theo anh Khoàng Lòng Xe, cũng vì nghe cán bộ trồng chuối tiêu hồng mà gia đình ông đang rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở vì chuối trồng lên ra quả không bán được và nó cũng không làm được gì khác là bỏ đi.
Chưa hết, vườn cam vinh hơn một năm tuổi của gia đình ông Quàng Văn Phánh, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé khi mới trồng tỏ ra khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, chỉ sau một thời gian trồng, cây cam sinh trưởng và phát triển bình thường. Tuy nhiên, do không biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây ra lộc chỉ sau một thời gian lá bị xoắn lại và không phát triển được. "Gia đình cũng không biết cây cam bị bệnh gì, lúc mới trồng thì cây phát triển rất tốt, tuy nhiên càng về sau lá cây cứ bị xoắn lại. Bên triển khai dự án có cấp thuốc cho gia đình phun trừ bệnh cho cây, nhưng sau khi phun vẫn không thấy hiệu quả, có lẽ chỉ còn biện pháp là cắt bỏ những cành lá bị sâu" - ông Quàng Văn Phánh, cho biết.
Là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới Mường Nhé thuộc một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Để giúp đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc của huyện có điều kiện thoát nghèo. Một trong những chính sách để giúp người dân thêm nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo có hợp phần hỗ trợ giống cây, con. Đây là một trong các hợp phần nhỏ của dự án 30a của Chính Phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ nguồn vốn đó, huyện Mường Nhé đã tiến hành lựa chọn các loại giống phù hợp để giúp người dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2010 đến nay huyện Mường Nhé đã hỗ trợ các loại giống cây ăn quả cho bà con nông dân gồm: cam, chanh, xoài, vải, chuối tiêu hồng và từ năm 2013 tiến hành hỗ trợ giống cây cà phê. Đến thời điểm này, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã trồng được khoảng hơn 100 ha cây ăn quả các loại. Để giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện - đơn vị thực hiện các hợp phần hỗ trợ đã tiến hành cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc.
Để có một hiệu quả thiết thực mà các dự án luôn hướng tới là để làm sao việc cấp giống cây sẽ giúp cho người nông dân nghèo của huyện Mường Nhé có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo thì chưa thật sự rõ ràng. |
Đến thời điểm này huyện Mường Nhé chưa có những đánh giá về tính hiệu quả của việc cấp các loại giống cây ăn quả. Tuy nhiên, nhìn thực tế thì việc hỗ trợ các giống cây ăn quả, cây công nghiệp bước đầu giúp cho đồng bào dần tộc của huyện được tiếp cận với các loại giống mới, thay thế các cây bản địa cũ, chất lượng và hiệu quả kinh tế không cao. Đồng thời, hợp phần giúp cho người dân xóa bỏ việc độc canh cây lúa, cây ngô; đang dạng hóa các loại cây trồng, chuyển từ lối canh tác tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, để có một hiệu quả thiết thực mà các dự án luôn hướng tới là để làm sao việc cấp giống cây sẽ giúp cho người nông dân nghèo của huyện có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo thì chưa thật sự rõ ràng.
Trên thực tế, sau nhiều năm triển khai cấp giống cây ăn quả vẫn chưa người nông dân nào có thu nhập từ các giống cây được hỗ trợ. Nhiều giống cây trồng không phù hợp với điều kiện thổ những, khí hậu và điều kiện chăm sóc đã dẫn tới tỷ lệ cây bị chết sau khi trồng cao. Riêng mô hình trồng chuối tiêu hồng tại các xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sin và Sen Thượng gần như bị xóa sổ; các giống cây như: vải, cam, chanh, cà phê sinh trưởng và phát triển kém, ít có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế.
Trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn của huyện Mường Nhé về hiệu quả các các dự án cấp giống cây ăn quả trên địa bàn được biết: Việc cấp giống cây ăn quả theo hợp phần 30a đã được huyện triển khai khá tích cực. Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân lạc hậu, chưa nắm rõ được quy trình chăm sóc hay người dân chưa có ý thức bảo vệ, để cho trâu, bò vào phá hại vườn cây nên đã dẫn đến tình trạng việc triển khai các dự án hỗ trợ cây ăn quả trên địa bàn huyện không thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi.
Việc trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả đối với một huyện miền núi vẫn là một bài toán khó và chưa có lời giải. Hầu hết những giống cây ăn quả, ngoài yếu tố lâu năm thì đòi hỏi phải hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh đó, việc chăm sóc phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Vì vậy, để triển khai các dự án hỗ trợ cây ăn quả cho người dân Mường Nhé, cần xem xét các yếu tố cơ bản mang tính đặc thù và đầu ra các các loại sản phẩm nông sản. Từ đó, việc triển khai các dự án hỗ trợ giống cây ăn quả trên địa huyện mới mang lại hiệu quả, góp phần tạo lòng tin của đồng bào dân tộc đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Duy Linh – Anh Tuấn