Bao giờ nước mắt thôi rơi?
Điện Biên TV - Có tới gần 200 hộ dân góp đất trồng cà phê với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng (gọi tắt là Công ty) với tổng diện tích trên 400ha tại 5 xã: Búng Lao, Mường Đăng, Mường Lạn, Xuân Lao, Nặm Lịch. Điều đáng nói là việc góp đất thật nhưng hưởng cổ phần ảo đã khiến nhiều hộ dân lao đao thì vì thiếu đất sản xuất, không có thu nhập nhất là khi Công ty phá sản.
Chúng tôi trở lại Búng Lao vào một ngày trung tuần tháng 9 - xã có nhiều hộ dân góp đất trồng cà phê nhất với doanh nghiệp (hơn 250ha). Con đường dẫn vào bản Xuân Tre 2 của xã ngoài gần 2km đã được bê tông hóa, còn lại là đường lên bãi trồng cà phê lầy lội, trơn như đổ mỡ sau trận mưa đêm trước. 9 giờ sáng, bản Xuân Tre 2 vắng tanh, hỏi ra mới biết nhiều hộ dân từ ngày góp đất trồng cà phê đã không còn đất làm nương, không có thu nhập nên phải đi làm thuê kiếm sống. Cả bản Xuân Tre 2 có 12 hộ góp đất cổ phần trồng cà phê với 12,5ha, nhưng riêng hộ anh Tòng Văn Nhân, công an viên của xã đã góp tới 4,3ha. Anh Nhân kể: Năm 2008, gia đình anh góp đất với Công ty, từ đó đến nay mới nhận được cả thảy trên 6 triệu đồng tiền hỗ trợ từ 2,3ha (3 triệu đồng/ha), còn lại 2ha chưa được hỗ trợ gì.
Ông Tòng Văn Nhân với đống giấy tờ và bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng. |
Vừa qua, huyện Mường Ảng có đoàn công tác xuống thẩm định lại vườn cà phê để giao trả lại cho dân, gia đình anh Nhân có 2,3ha cà phê là có thể khôi phục được. Nhưng vấn đề đặt ra là với số tiền đầu tư lớn hàng trăm triệu gia đình anh Nhân chưa biết xoay sở ra sao để đầu tư. Còn lại 2ha đã góp với Công ty, gia đình anh sẽ phá bỏ để trồng cây lương thực. Anh Nhân dẫn chúng tôi lên đồi cà phê trên 6ha cỏ mọc um tùm. Đây là diện tích đất của một số hộ trong bản Xuân Tre 2 góp đất trồng cà phê với Công ty. Nhìn kỹ lắm chúng tôi mới thấy cây cà phê còi cọc, bé tẹo; phần lớn diện tích cà phê đã chết quá nửa. Anh Nhân chỉ tay về phía vạt đồi rộng và nói: Trước đây, diện tích này người dân trồng sắn, ngô và đậu tương quanh năm. Đất đai màu mỡ, gieo trồng chẳng cần phân bón mà vẫn được thu hoạch. Vậy mà từ ngày góp đất trồng cà phê với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng, bà con chẳng những không có thu nhập từ tiền góp đất còn chẳng có đất để làm nương. Có không ít hộ có mỗi mảnh đất sản xuất đem góp cổ phần giờ không có nguồn thu nhập, phải đi làm thuê sống lay lắt qua ngày.
Chúng tôi có mặt tại nhà bà Quàng Thị Son, bản Xuân Tre 2, trong ngôi nhà lụp sụp, nóng hầm hập; nước mắt cứ tuôn dài trên gò má sạm đen, bà Son kể: Năm 2008, theo sự vận động của chính quyền xã Búng Lao, gia đình tôi có 3.700m2 đất nương góp với Công ty. Sổ đỏ - tài sản của gia đình bà hiện Công ty vẫn cầm, chưa biết bao giờ đòi lại được. Điều bà Son mong mỏi là sớm được giải quyết trả lại sổ đỏ, giao lại đất để làm ăn sinh sống. Cứ như bây giờ, gia đình 7 miệng ăn không có đất sản xuất thì chẳng biết trông vào đâu mà sống!
Đồi cà phê ở bản Xuân Tre 2 giờ bỏ hoang cỏ mọc. |
Tương tự, gia đình ông Cà Văn Sương, bản Xuân Tre 2 có gần 7.000m2 đất đóng góp cổ phần trồng cà phê với Công ty. Ông Sương bức xúc nói: Gia đình tôi chỉ nhận được từ Công ty trả một lần tiền hỗ trợ góp đất 640.000 đồng mà thôi. Cuộc sống hiện tại của gia đình vô cùng khó khăn. Lúc vận động nhân dân góp đất, chính quyền xã vận động, thúc giục người dân tham gia. Chủ tịch UBND xã Búng Lao lúc đó - người vận động nhân dân góp đất giờ đã nghỉ chế độ. Người khác lên thay nên không giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc chúng tôi kiến nghị. Nhiều lần lên xã nhưng ông Sương cũng như nhân dân trong bản cũng chưa tìm được lời giải thích thỏa đáng từ cấp chính quyền xã. Nguyện vọng của ông Sương là được trả lại sổ đỏ phía Công ty đang giữ và huyện giải quyết dứt điểm giao lại đất đã góp cổ phần để các hộ dân còn sản xuất lương thực. Tìm hiểu tại cơ sở, chúng tôi được biết, riêng bản Xuân Tre 2, xã Búng Lao có 14 hộ hiện chưa lấy được sổ đỏ cổ phần đất từ Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng.
Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Qua tổ chức thẩm định lại tổng diện tích cà phê mà Công ty đầu tư trồng, thì đến nửa diện tích (khoảng 200ha) chưa được đầu tư, nên quan điểm giải quyết của huyện là phục hồi lại vườn cà phê đối với những diện tích có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo các bên liên quan sớm giải quyết hoàn tất các thủ pháp lý giao lại đất cho dân để sản xuất. Tuy nhiên, do khi làm thủ tục giao sổ đỏ cho Công ty, nhiều hộ đứng ra ký đơn phương (thiếu chồng hoặc thiếu vợ trong vấn để chuyển nhượng đất) dẫn đến việc trả sổ đỏ lại cho người dân gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, huyện đã làm việc với các cơ quan trợ giúp pháp lý để được tư vấn, hỗ trợ về thủ tục pháp lý giúp người dân sớm được trả sổ đỏ, lấy lại đất để canh tác.
Thu Phương