Trăn trở với cây chuối hàng hóa ở Tân Quang
Điện Biên TV - Đã 5 năm nay, bà con dân tộc Thái ở bản Tân Quang, xã Thanh Minh, Thành phố Điện Biên Phủ đã gắn bó với cây chuối và phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, việc trồng chuối ở Tân Quang đều là tự phát nên việc tiêu thụ đã gặp phải những khó khăn nhất định. Do đó, người dân nơi đây vẫn còn nhiều trăn trở trong việc phát huy hiệu quả của việc trồng chuối theo hướng hàng hóa ở địa phương.
Hiện cả bản Tân Quang, xã Thanh Minh, TP.Điện Biên Phủ trồng khoảng 10ha chuối tây |
Những đồi chuối đã và đang được bà con ở bản Tân Quang nhân rộng. Nhà nào cũng trồng chuối, hộ nhiều nhất có khoảng 2ha, ít cũng trồng từ 1 đến 2 nghìn mét vuông. Hiện cả bản có khoảng 10ha chuối với loại giống duy nhất là chuối tây. Trung bình mỗi ha trồng được khoảng 100 gốc, sau 1 năm, bà con sẽ thu hoạch. Đó là chưa kể loại cây trồng này có ưu điểm giữ đất, giữ nước, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm. Hơn nữa, bà con hầu như không phải đầu tư gì về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như công chăm sóc cho cây chuối. Ông Lò Văn Mấng, bản Tân Quang, xã Thanh Minh, Thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: "Nhà tôi trồng khoảng hơn 2.000m2 chuối, 1 tháng thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng bán chuối. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng chuối."
Tuy là tự phát nhưng việc đưa cây chuối thay thế cho một số cây màu khác trồng trên đất dốc như ở Tân Quang đã thể hiện được sự mạnh dạn, nhạy bén của bà con trong chuyển đổi giống cây trồng. Hiệu quả kinh tế từ cây chuối tây ở Tân Quang cũng đã thấy rõ. Anh Lò Văn Việt, Phó Trưởng bản Tân Quang, xã Thanh Minh cho biết: "Trước kia, bà con trong bản đều trồng cây sắn và hoa màu nhưng giờ đất đã bạc màu rồi bà con đã chuyển sang trồng chuối. Nói chung là trồng chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác."
Người trồng chuối ở Tân Quang vẫn chưa có thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định |
Tuy nhiên, để tiếp tục nhân rộng diện tích và phát huy hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này, rất cần có thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá bán ổn định. Thêm nữa là đầu tư kinh phí để bê tông hóa đường vào bản, tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc đi lại cũng như vận chuyển chuối ra thị trường. Ông Lò Văn Mấng, bản Tân Quang, xã Thanh Minh chia sẻ thêm: "Bây giờ, bà con trồng chuối rất nhiều nhưng không có đầu ra, bán ở chợ thì không được giá. Tôi mong muốn là sau này có nhà máy chế biến và có người đi thu mua chuối cho bà con."
Bà con ở đây vẫn chưa biết làm cách nào để đưa chuối nơi đây thực sự trở thành hàng hóa một cách bền vững. Bởi nhu cầu thị trường hiện nay đối với loại quả này chỉ ở mức tiêu dùng hàng ngày, chưa được tiêu thụ với tính chất là nguyên liệu chế biến thực phẩm. Đó cũng là lý do khiến bà con lo ngại việc nhân rộng diện tích chuối. Vì nhân rộng diện tích, sản lượng chuối tăng mà nhu cầu thị trường không tăng thì chuối ở Tân Quang rất dễ bị rớt giá, thậm chí là không thể tiêu thụ hết. Những trăn trở của người dân Tân Quang về phát huy hiệu quả của việc trồng chuối theo hướng hàng hóa chỉ có thể được giải khi bán sản lượng chuối tăng mà vẫn giữ được giá và dễ tiêu thụ./.
Lê Dung - Đức Bình