Tăng lương tối thiểu vùng: Các phương án đều chưa chặt chẽ

Thứ Ba, 05/08/2014, 17:36 [GMT+7]

Nếu chỉ dựa vào một đề án mà phải thực hiện bằng được việc tăng lương trong điều kiện kinh tế như hiện nay thì dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy khi nói về câu chuyện tăng lương tối thiểu.

Trước đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp để thảo luận mức lương tối thiểu vùng năm 2015. Ba phương án về mức lương tối thiểu vùng được đưa ra trong buổi thảo luận:

Đại diện Tổ chức sử dụng người lao động (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI) đề xuất mức lương tối thiểu vùng 1 là: 3.000.000 đồng/người/tháng.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh- Xã hội đưa ra mức 3.050.000 đồng/người/tháng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức 3.400.000 đồng/người/tháng.

1
Bài toán về lương đang khiến các nhà quản lý đau đầu (ảnh Internet)

 

Trao đổi với VOV.VN về 3 phương án này, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Các phương án đưa ra không đảm bảo căn cứ gì mà chỉ dựa vào Đề án trước đây là đảm bảo đến 2017 lương sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng đâu phải chỉ có một phía là đời sống. Bởi ngay cả cái “gốc” là đề án cũng chưa ai kiểm soát một cách chặt chẽ. Nếu chỉ dựa vào một đề án như vậy mà phải thực hiện bằng được trong điều kiện kinh tế như hiện nay thì dễ dẫn đến nhiều hệ lụy: thu hẹp sản xuất, công ăn việc làm không có, người có thì lương lại cao… thì lại trở thành vấn đề phức tạp”.

PV: Theo ông, ngoài các vấn đề nêu trên, còn gì “lỏng lẻo” trong việc đưa ra các phương án về lương lần này?

Ông Đặng Như Lợi: Còn nhiều thứ chưa đảm bảo, không sát thực tế, không đúng, không có mối tương quan chung, không nhìn nhận toàn diện vấn đề với tư cách là một chính sách kinh tế ở đầu vào với DN.

Cách nhìn nhận của cơ quan nghiên cứu mới là một phía. Đã điều tra, xác định đối tượng thì phải đi nghiên cứu đúng đối tượng ấy. Năm 1990-1991, tôi đã đi điều tra đối tượng. Điều tra nhóm thấp nhất, làm công việc giản đơn nhất và hệ thống họ. Phải khảo sát, tính toán, thống kê được sống lượng người lao động trong nhóm đó, rồi mới tính cho các vùng, miền như thế nào theo các cách tính khác nhau thì nó ra kết quả như thế nào và mới có mức lương. Bây giờ, tôi đặt câu hỏi, liệu hai cơ quan tính toán có cùng đối tượng không hay mỗi cơ quan một nhóm. Nếu cứ đưa ra các mức lương một cách võ đoán thì không bao giờ làm được.

PV: Vậy có nghĩa là lúc này không nên đặt vấn đề tăng lương, thưa ông?

Ông Đặng Như Lợi: Không phải là không đặt mà phải đặt cho đúng. Lương là giá cả sức lao động trong thị trường thì phải để thị trường định đoạt. Chủ quan định đoạt sẽ không đúng. Chưa có nước nào trong cơ chế thị trường Chính phủ lại qui định lương tối thiếu. Việc qui định mức lương tối thiểu chung của xã hội để làm những chức năng khác chứ không phải làm chức năng của tiền lương.

PV: Mức lương tối thiểu ấy sử dụng để tránh tình trạng DN không trả lương đúng với giá trị sức lao động của người lao động, thưa ông?

Ông Đặng Như Lợi: Đó không phải là mức lương tối thiểu. Đó là sàn lương tối thiểu. Trong một vùng, với các DN điều kiện tổ chức, công nghệ khác nhau, tổ chức lao động khác nhau, năng suất lao động khác nhau, hiệu quả khác nhau… mà qui định chung cho một vùng như vậy thì áp dụng cho DN nào? Hao phí lao động ở mỗi người có mức lương thấp nhất ở mỗi DN là hoàn toàn khác nhau. Bởi năng suất lao động, chất lượng lao động của họ khác nhau và hao phí lao động , giá trị lao động mang đến tương ứng với đó là khác nhau. Như vậy, định ra mức lương tối thiểu cho một vùng là định cho ai?

PV: Phía Tổng LĐ đưa ra ý kiến là mức lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu 30-35%. Lộ trình đến 2017 thì mỗi năm phải tăng bình quân 17%.  Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Như Lợi: Ở đây phải trở lại câu chuyện là mức lương tối thiểu hay sàn lương tối thiểu. Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Mức lương tối thiểu mang tính ấn định nhưng sàn thì lại không phải.

Thứ hai, anh điều tra cho ai, ở đâu? Trong khi tất cả các DN ở trên một vùng là khác nhau, điều kiện của họ khác nhau thì anh điều tra thế nào, nhóm ấy có bao nhiêu người. Cả 3 cơ quan có điều tra cùng một nhóm lao động ấy không hay mỗi ông một kiểu. Hay lại tính toán bình quân rồi tính giật lùi.

Hai nữa là tiền lương trong quan hệ giữa làm và ăn. Không làm được thì lấy gì để ăn? Người lao động bên ngoài cũng trên địa bàn ấy, không phải DN thì họ sống thế nào khi thu nhập của họ chỉ 2,5-3 triệu đồng/tháng?... những nội dung này khi khảo sát phải trả lời hết.
PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo VOV

.