Phát triển chăn nuôi, hướng xóa đói ở huyện nghèo

Chủ Nhật, 31/08/2014, 10:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên Đông là huyện vùng cao, thuộc diện nghèo nhất cả nước theo tinh thần Nghị quyết 30a. Đây là huyện thuần nông, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, trình độ thâm canh còn hạn chế nên trong những năm qua, người dân ở đây vẫn đang loay hoay tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Một trong những thế mạnh của huyện vùng cao là có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc nên trong những năm gần đây, huyện đã xác định phát triển chăn nuôi là hướng đi đúng đắn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, hướng đi này bước đầu đã mang lại những bước tiến khả quan trên hành trình xoá đói ở huyện nghèo nhất cả nước này.

vb
Điện Biên Đông đã rà soát quy hoạch các vùng trọng điểm chăn nuôi hàng hóa như các cụm xã: Pú Hồng, Phình Giàng, Mường Luân, Luân Giói và Chiềng Sơ

Cho đến tận bây giờ thì bản thân ông Lường Văn Pánh ở thị trấn Điện Biên Đông cũng như mọi người trong gia đình, không ngỡ lại có được con trâu để kéo cày như ngày hôm nay. Với ông Pánh thì đây quả thực là một tài sản lớn, nó đến như một giấc mơ. Suốt thời gian 16 năm đằng đẵng, từ năm 1996 - khi mà con trâu duy nhất của gia đình bỗng dưng đổ bệnh rồi chết, gia đình mất đi sức kéo trong sản xuất nông nghiệp. Không có tiền để mua trâu thay thế, không có điều kiện để thuê cày, không còn cách nào khác, vợ chồng con cái trong nhà phải thay nhau dùng sức người cuốc hơn ba nghìn mét vuông đất để cấy lúa nước. Mãi đến năm 2012, khi Đảng, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ đời sống, sản xuất cho nông dân nghèo thông qua chương trình 30a/CP, gia đình ông Lường Văn Pánh được hỗ trợ 1 con trâu giống để làm sức kéo. Bây giờ con trâu của gia đình ông cũng đã có thể cày ruộng.

Điện Biên Đông là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế. Trước đây, bà con chủ yếu nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa để làm sức cày kéo; nuôi lợn, gà cũng chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chứ chưa có ý thức phát triển chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập. Đồng chí Nguyễn Trọng Huế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên Đông cho biết: "Do đặc thù của huyện miền núi, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nguồn vốn của các hộ gia đình còn eo hẹp không thể đầu tư lớn để hình thành các trang trại, các vùng chăn nuôi tập trung mà chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình."

Khó khăn là vậy, huyện Điện Biên Đông xác định để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc phải kết hợp vừa tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: "Huyện đã rà soát quy hoạch các vùng trọng điểm chăn nuôi hàng hóa như các cụm xã: Pú Hồng, Phình Giàng, Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ. Một số xã có lợi thế về chăn nuôi thì chúng tôi tập trung đầu tư các nguồn lực để phát triển chăn nuôi cho bà con nông dân. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vấn đề chăn nuôi đến với bà con nông dân. Trong những năm qua, bằng các cơ quan chuyển giao khoa học kỹ thuật của huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư và Trạm Thú y đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trong vấn đề chăn nuôi và tập trung quy hoạch bãi chăn thả cho bà con nhằm hạn chế mức thấp nhất đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn của huyện."

Mấy năm trở lại đây, huyện Điện Biên Đông cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi giúp nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ hỗ trợ người dân về mọi mặt, từ con giống, thức ăn đến hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ thuốc, vắc xin tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc. Từ năm 2010 đến nay, huyện Điện Biên Đông đã triển khai hỗ trợ được gần 900 con gia súc, trong đó có gần 800 con bò sinh sản, hơn 100 con trâu cho hàng trăm hộ gia đình nông dân nghèo thuộc các xã: Keo Lôm, Luân Giói, Mường Luân, Háng Lìa, Tìa Dình, Nong U, Pú Hồng, Phình Giàng, Sa Dung thuộc chương trình Nghị quyết 30a/CP. Tổng số vốn đầu tư mua gia súc hỗ trợ nông dân nghèo lên đến xấp xỉ 15 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2010, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư Điện Biên Đông đã triển khai hỗ trợ trên 200 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Về cơ bản số bò hỗ trợ vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, một số con đã sinh sản và đang trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh diễn biến khó lường trong khi công tác phòng, trừ dịch bệnh còn hạn chế nên đã có gần 20 con bị chết do dịch bệnh. Mặc dù vậy nhưng nhìn chung, công tác hỗ trợ từ chương trình 30a đã phần nào đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, từ dự án hỗ trợ gia súc cùng với những dự án khác đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo ở huyện vùng cao nghèo Điện Biên Đông dần ổn định  kinh tế, xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông cho biết: "Theo đánh giá, số gia súc được hỗ trợ trên địa bàn huyện tương đối phù hợp với tập tục chăn thả của bà con nông dân. Tính đến thời điểm này, đàn trâu bò mà trạm tiến hành hỗ trợ đã sinh sản được trên 50%, số con sống đạt trên 90%; đàn lợn, dê đã sinh sản và phát triển khá tốt, từng bước góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện."

vb
Tính đến nay, huyện Điện Biên Đông hiện có khoảng 18.500 con trâu, trên 10.000 con bò, 48.400 con lợn và gần 10.000 con dê, đàn gia súc đều tăng từ 4 - 5% so với cùng kỳ năm ngoái

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Điện Biên Đông đã có những giải pháp cụ thể nhằm xây dựng một nền móng vững chắc cho phát triển chăn nuôi. Cùng với hỗ trợ về vốn, giống thì việc trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân cũng được chú trọng. Xác định đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, huyện Điện Biên Đông đã tích cực phối hợp, liên kết với các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho hàng nghìn nông dân về phòng, chữa bệnh cho lợn.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc bảo vệ đàn gia súc được huyện chú trọng. Đội ngũ cán bộ thú y viên ở các xã cũng được củng cố với 100% số xã, thị trấn có 2 thú y viên được hưởng lương theo chế độ của Nhà nước. UBND huyện phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn cho cán bộ thú y xã, bản về cách bảo quản các loại vắc xin, cách nhận biết từng loại bệnh và tiêm vắc xin đúng kỹ thuật; hướng dẫn nhân dân cách chẩn đoán bệnh, sử dụng thuốc và chăm sóc gia súc bị mắc bệnh. Nhờ đó mà dịch bệnh trên địa bàn huyện đều được khống chế, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, huyện Điện Biên Đông hiện có khoảng 18.500 con trâu, trên 10.000 con bò, 48.400 con lợn, gần 10.000 con dê và 325.000 con gia cầm. Về cơ bản đàn gia súc đều tăng từ 4 - 5% và đàn gia cầm tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, về cơ bản có thể khẳng định, ngành chăn nuôi của Điện Biên Đông đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế huyện. Đàn gia súc, gia cầm tăng cả số lượng và chất lượng. Sản phẩm chăn nuôi đã từng bước trở thành hàng hoá, góp phần nâng cao nguồn thu nhập của bà con.

Mặc dù vậy thì để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa thực sự bền vững, có tính chuyên nghiệp thì Điện Biên Đông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết thêm: "Về lâu dài vấn đề phát triển chăn nuôi của bà con vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Thứ hai nữa là tình hình dịch bệnh nhỏ lẻ vẫn xảy ra như: Bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Thứ ba là chuồng trại để chăn nuôi vẫn chưa được người dân quan tâm đầu tư... "

Hiệu quả và giá trị kinh tế từ việc phát triển chăn nuôi thì đã nhìn thấy rõ. Ở điều kiện của một huyện còn nhiều khó khăn như Điện Biên Đông thì người dân sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, để chăn nuôi thực sự là một nghề giúp người dân thoát nghèo bền vững thì vẫn  là vấn đề cần bàn./.

 

Minh Thịnh
 

.