Hai điểm sáng trong phát triển nông nghiệp ở Mường Ảng
Điện Biên TV - Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án cùng với những bước tiến trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Mường Ảng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật trong phát triển cây cà phê và phát triển diện tích lúa 2 vụ theo hướng hàng hóa.
Huyện Mường Ảng gồm có 10 xã, thị trấn với gần 9.400 hộ, trên 44 nghìn khẩu. Đời sống của đại bộ phận nhân dân vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Chính vì vậy, trong những năm qua, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và từng bước phát triển theo hướng hàng hóa. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ đặc thù của Đảng, Nhà nước, huyện Mường Ảng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó phải kể đến kết quả trong phát triển lúa ruộng - cây lương thực truyền thống và phát triển cây cà phê - cây công nghiệp mũi nhọn của huyện.
Trước tiên về phát triển lúa ruộng. Khi mới thành lập, huyện Mường Ảng có diện tích canh tác lúa khá khiêm tốn. Năng suất và sản lượng cũng thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh và một số huyện, thị khác. Năm 2007, diện tích lúa 2 vụ của huyện khi mới thành lập mới chỉ có khoảng 560 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích lúa 2 vụ của huyện Mường ảng đã tăng lên trên 860 ha. Năng suất lúa bình quân tăng từ 48 tạ/ha lên trên 60 tạ/ha. Năm 2013, tổng sản lượng lúa đạt trên 13.200 tấn góp phần tăng tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện lên gần 18.400 tấn, lương thực bình quân đạt 420 kg/người/năm.
Mở rộng diện tích canh tác lúa ruộng... |
Không chỉ tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi như Ẳng Tở, Ẳng Nưa hay Búng Lao tại những xã có điều kiện khó khăn hơn về quỹ đất, về nguồn nước tưới tiêu như Mường Lạn, Ngối Cáy việc phát triển lúa ruộng cũng đã có những biến chuyển tích cực. Tại xã Ngối Cáy, một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện, việc chuyển dần từ sản xuất trên nương xuống sản xuất dưới ruộng đã được quan tâm đẩy mạnh. Ngoài việc được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, mương phai dẫn nước, xã cũng tích cực vận động nhân dân khai hoang ruộng mới, chuyển các diện tích thuận lợi về nguồn nước sang sản xuất 2 vụ. Đến nay, diện tích lúa 2 vụ của xã tăng lên trên 60 ha, lúa 1 vụ trên 110 ha. Diện tích lúa ruộng tăng cộng với năng suất và sản lượng tăng đã góp phần nâng tổng sản lượng lương thực cây có hạt của xã tăng lên trên 1.300 tấn, lương thực bình quân đầu người đã đạt 431 kg/năm.
Đạt được kết quả trên, ngoài việc đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi của Nhà nước, phải kể đến hiệu quả của chính sách hỗ trợ khai hoang và hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa. Một yếu tố quan trọng nữa là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Mường Ảng trong việc khuyến cáo bà con nhân dân không gieo cấy các giống lúa địa phương đã thoái hóa, đặc biệt là giống lúa bao thai và CR203. Song song với đó là việc đưa các giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất đại trà. Đặc biệt, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện, Trạm Khuyến nông xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa tập trung, chuyển giao khoa học kỹ thuật từ cách ngâm ủ giống, làm đất đến phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lúa cả vụ chiêm và vụ mùa. Qua đó, đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang thâm canh, tăng vụ nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
... và cây cà phê hiện đang là 2 mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở Mường Ảng. |
Trong số những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, kết quả phát triển cây cà phê và hiệu quả kinh tế của cây công nghiệp này là một trong hai thế mạnh của huyện Mường Ảng. Cây cà phê được đưa vào trồng tại thị trấn Mường Ảng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, cây cà phê luôn cho năng suất, sản lượng cao và chất lượng thơm ngon. Vì vậy, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện vẫn tăng đều đặn. Theo số liệu thống kê, năm 2013, huyện đã trồng mới được trên 200 ha nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên khoảng 3.100 ha, trong đó có khoảng 1.700 ha đang cho thu hoạch. Có thể nói cây cà phê đã góp phần thay đổi diện mạo về kinh tế của nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Mường Ảng. Hiện nay, trên địa bàn huyện sẽ không khó để liệt kê những trang trại, những hộ gia đình trồng cà phê có mức thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Mặc dù trong 3 năm trở lại đây, giá cà phê có bấp bênh nhưng về cơ bản phát triển cà phê vẫn mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người dân, trong đó có một số lượng lớn lao động nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Trong định hướng phát triển lâu dài, huyện Mường Ảng vẫn xác định cây cà phê vẫn là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Trong cơ cấu kinh tế của huyện Mường Ảng, lĩnh vực nông - lâm nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Vì vậy, mặc dù mục tiêu là giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng xây dựng, dịch vụ nhưng huyện Mường Ảng vẫn xác định phát triển nông - lâm nghiệp vẫn là hướng đi chủ đạo trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới. Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc canh tác các loại cây lương thực, đặc biệt là cây lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ, kiên cố hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất; đẩy mạnh khai hoang phục hóa, tăng diện tích ruộng 2 vụ; tiếp tục đưa vào canh tác các giống lúa mới năng suất cao nhằm tăng sản lượng và thu nhập từ trồng lúa... Từ đó, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra là đến năm 2015 nâng tổng sản lượng lương thực cây có hạt của huyện lên trên 19.300 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 418 kg/người/năm.
Đối với cây cà phê, bên cạnh các chính sách khuyến khích người dân phát triển cà phê, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, huyện Mường Ảng đã và đang thúc đẩy việc thí điểm trồng xen các loại cây vừa có tác dụng che bóng vừa cho giá trị kinh tế cao như cây bơ, cây mắc ca nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và đảm bảo phát triển diện tích cà phê hiệu quả, bền vững. Có như vậy mới thực sự khẳng định hiệu quả của cây mũi nhọn trong việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Đồng thời đạt mục tiêu tăng diện tích cà phê lên 3800 ha vào năm 2015 và 4200 ha vào năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra.
Chu Linh - Ngọc Bích