Chè cây cao - Cây làm giàu ở bản Lung Chính
Điện Biên TV - Khoảng hơn 10 năm trước đây, có lẽ không một người dân nào ở bản vùng cao Lung Chính, huyện Phong Sa Ly, tỉnh Phong Sa Ly (nước CHDCND Lào) có thể nghĩ, chè cây cao có thể mang lại cuộc sống khấm khá hơn như bây giờ. Bởi kinh tế thị trường mở cửa, nguồn thu từ chè đã làm cho diện mạo của bản chuyển mình mạnh mẽ.
Bản Lung Chính, nằm bên đỉnh núi Phu Phá, có 86 hộ gia đình với hơn 800 nhân khẩu là người dân tộc Pu Nọi sinh sống. Chè cây cao đã bén rễ trên đất nương ở Lung Chính đã hơn 400 năm nay. Ngay tại mỗi gia đình trong bản, hộ nào cũng có vài cây chè cây cao để thu hái hàng ngày pha nước uống. Gần 10 năm trở lại đây, chè cây cao đã trở thành một loại hàng hóa có giá trị cao bán ra thị trường. Hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình ở Lung Chính thu nhập mỗi năm khoảng 20 triệu kíp, tương đương khoảng 52 triệu Việt Nam đồng.
Chị Phon Sạ Vẳn, bản Lung Chính, cho biết: “Gia đình tôi và các hộ trong bản rất tích cực chăm sóc, thu hái, sơ chế chè theo đúng kỹ thuật được cán bộ Sở Nông - Lâm nghiệp về hướng dẫn. Bây giờ chè được giá lắm, gần 10 năm rồi giá chè luôn ổn định. Thu nhập cũng được cải thiện, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước nhiều rồi”.
Chè cây cao ở bản Lung Chính. |
Bản Lung Chính có gần 130 ha chè cây cao, trong đó có hơn 30ha cây chè đã có niên đại hơn 400 năm tuổi. Chè của nhân dân trong bản thu hái đến đâu, được các thương lái thu mua ngay tại bản đến đó. Vào thời điểm hiện tại, mỗi kg chè búp tươi cổ thụ bán với giá 60.000 kíp, sao chế khô bán với giá hơn 300.000 kíp, tương đương khoảng 800.000 đồng ở Việt Nam. Còn đối với các cây chè mới trồng khoảng 10 năm trở lại đây, chè búp tươi bán với giá 20.000 kíp/kg, chè búp khô có giá 150.000 kíp/kg. Trung bình một năm, từ thu hái chè, người dân trong bản thu về hơn 1,7 tỷ kíp, tương đương khoảng hơn 4,4 tỷ Việt Nam đồng. Tại bản Lung Chính, cây chè hiện đang là cây trồng mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo của người dân trong bản.
Anh Ngà Di, Trưởng bản Lung Chính, cho chúng tôi biết: “Được hướng dẫn kỹ thuật, cả bản thu hái chè năng suất và hiệu quả kinh tế đã cao hơn. Chè có người mua ngay tại bản, không phải mang đi xa bán. Bây giờ doanh nghiệp ở Malaysia đã xây dựng xưởng chè ở ngay trong bản, việc bán chè cũng thuận tiện hơn. Diện tích trồng chè cây cao trong bản đang được nâng lên”.
Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và một số sở, ngành tham quan diện tích trồng chè ở bản Lung Chính. |
Những diện tích chè cổ thụ hơn 400 năm tuổi trên đỉnh núi Phu Phá, giờ đây còn trở thành một điểm tham quan, du lịch của đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến với Phong Sa Ly.
Đến tham quan, trao đổi, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm trong việc đưa chè cây cao trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế cao trên thị trường, cũng như việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư từ bên ngoài là một kinh nghiệm quý trong chuyến thăm, làm việc của đoàn lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh ta tại Phong Sa Ly.
"Qua thực tế tại vùng chè cây cao của tỉnh bạn, chúng tôi nhận thấy Điện Biên chúng ta cần phải có quyết tâm chính trị cao hơn để chuyển đổi tư duy của người dân vùng trồng chè, nhất là vùng chè Tủa Chùa để nhận thức được việc chúng ta trồng chè trở thành hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn để hướng dẫn người dân thực hiện thật tốt các quy trình trồng chè. Tỉnh cũng cần thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất đầu ra cho người dân, đảm bảo sản phẩm làm ra phải có nơi tiêu thụ; cải tiến việc chế biến" - Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Kinh tế mở cửa, cộng với sự quan tâm, đầu tư có hiệu quả của huyện, của tỉnh đã giúp người dân bản Lung Chính có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các bản. Nhận thấy chè cây cao mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định nên hiện nay diện tích chè cây cao đã được nhân rộng ra nhiều bản của 5 huyện thuộc tỉnh Phong Sa Ly.
Bùi Quang