Thủ tướng yêu cầu làm rõ vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường
Cùng với đó là các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà Việt Nam làm chưa tốt, nhất là các yếu tố liên quan đến công khai, minh bạch, giá cả và phân bổ nguồn lực…
Sáng 14/7, tại trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21 Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tổ chức họp đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ sơ kết, góp ý hoàn thiện Nghị quyết 21. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Sau khi làm việc, nghe ý kiến tại 9 bộ ngành, 7 địa phương trọng điểm và 25 tập đoàn, tổng công ty, 9 ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, Ban Chỉ đạo đã kết hợp kết quả khảo sát, lấy ý kiến thực tế với báo cáo của các Ban cán sự đảng bộ, ngành, địa phương và các tài liệu hiện có để hoàn thành dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21, Hội nghị Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá, sau hơn 5 năm thực hiện, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được nâng lên; hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan cũng đã được ban hành khá đầy đủ. Đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp 2013, Luật Đất đai (Sửa đổi), ban hành và sửa đổi 44 Luật và Pháp lệnh liên quan, cũng như hơn 147 Nghị định, 16 Nghị quyết, 81 Quyết định và một số lượng lớn các Thông tư, văn bản hướng dẫn. Góp phần từng bước điều chỉnh vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế.
Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng hơn theo nguyên tắc thương mại thị trường hiện đại. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,58%. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế cũng được cải thiện. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều quốc gia công nhận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp . (Ảnh VGP) |
Tuy nhiên, thời gian qua, Nghị quyết cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thành tố định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau về vai trò chủ dạo của nền kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và của kinh tế tập thể.
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao; kết quả triển khai thực thi thể chế kinh tế thị trường còn nhiều tồn tại, quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh vẫn chưa đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh, giá cả chưa thực sự tuân thủ và vận hành theo nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, sự phối hợp hiệu quả của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21 Trung ương 6 khóa X.
Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, là thể chế có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng nêu rõ: Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa X năm 2008 đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống; thể chế kinh tế thị trường đã có những bước tiến dài, ngày càng rõ hơn, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, trong đó thành tựu lớn nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng khẳng định kinh tế thị trường là tiến bộ của xã hội loài người, là quy luật tất yếu, khách quan, Việt Nam phải tôn trọng và thực hiện theo các quy luật của thị trường, nhưng tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ công bằng xã hội, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban chỉ đạo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc họp và bám sát Nghị quyết 21 để đánh giá những mặt được, chưa được, nguyên nhân từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .
Cơ bản đồng tình với dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần làm rõ thêm các nguyên tắc cơ bản của thị trường mà Việt Nam làm chưa tốt, nhất là các yếu tố liên quan đến công khai, minh bạch, giá cả và phân bổ nguồn lực…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Phải làm rõ hơn và cụ thể những vấn đề về thị trường đang vướng mắc. Cần phải xem xét, sửa đổi sao cho phù hợp và nhất quán với những quy luật của nền kinh tế thị trường. Sau khi vận hành mấy mươi năm, những vấn đề nào chưa hình thành thị trường phải coi đó là sự méo mó, là sự cản trở và không hiệu quả. Đối với định hướng xã hội chủ nghĩa, khi kinh tế và xã hội gắn với nhau, quan điểm của Đảng ta hết sức đúng đắn. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện khi xác định tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, không thể tách rời, trong đó lấy con người là trung tâm. Xét cho cùng, 1 đất nước phát triển kinh tế là vì xã hội phát triển, vì con người, trong đó đặc trưng của một nhà nước xã hội chủ nghĩa càng cần phải tiến hành, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cần làm rõ hơn vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đây là vấn đề còn nhiều lúng túng trong triển khai. Bên cạnh đó, từ thực tiễn 5 năm qua, cần phân định được vai trò của các thành phần kinh tế nhất là vai trò của doanh nghiệp nhà nước và giải pháp huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân, tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất giữa các thành phần kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, báo cáo sơ kết phải làm rõ yếu tố độc lập tự chủ của nền kinh tế nước nhà và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng được yêu cầu hội nhập./.
Theo VOV