Thu nhập của người Việt lẽ ra phải đạt 7.000 USD

Thứ Ba, 22/07/2014, 15:52 [GMT+7]

Môi trường kinh doanh của Việt Nam có thứ bậc từ 91-120, nhưng do điều hành không hiệu quả nên thu nhập của người dân thấp.
 

Theo báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán dựa trên số liệu năm 2012, xếp hạng Việt Nam thuộc nhóm các nước có thứ bậc từ 91 đến 120.

Với mức này, ông Olin McGill - chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho rằng: “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545 USD, cao hơn mức thực tế đã đạt được cùng thời điểm (1.400 USD). Nguyên nhân chủ yếu do điều hành không hiệu quả”.

Lấy dẫn chứng cụ thể về thời gian nộp thuế, vị này cho biết mỗi doanh nghiệp phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm là vượt quá sức tưởng tượng. "Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ, nhưng Việt Nam lên tới hơn 800 giờ là rất nghiêm trọng", ông McGill đánh giá.

Thêm vào đó là chi phí thương mại qua biên giới cũng gây tốn kém trong khi nhập hay xuất khẩu bị "tắc" lại một ngày sẽ ảnh hưởng 1% tới tổng kim ngạch của Việt Nam. Với lượng thời gian lên tới 21 ngày như hiện nay, Việt Nam đang thất thoát tổng cộng 15% trong tổng kim ngạch thương mại..

“Cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước là nâng cao hiệu quả điều hành thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, bởi quốc gia càng hiệu quả thì càng thịnh vượng" – vị chuyên gia này nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng nếu cải thiện được số ngày thông quan, GDP ước tính tăng 30%. Và nếu lọt vào top 10 nước có chi phí thương mại thấp, sẽ có thêm 3,5 triệu việc làm cho người lao động

Đồng thời, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bớt rườm rà, phức tạp cũng thu hút được nhà đầu tư. Theo tính toán của USAID, chỉ cần hợp nhất quá trình đăng ký kinh doanh với đăng ký thuế, cơ quan quản lý có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp một triệu USD. "Chính phủ không nên hỏi một doanh nghiệp hay một công dân về những thông tin mà họ đã có. Ngoài ra, cần loại bỏ nạn tham nhũng", chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Cung cũng nhận định: "Nếu các cơ quan không cải thiện được những chỉ số này sẽ phải giải trình, chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Kết quả tốt sẽ giúp cho môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện vượt bậc”.

Mới đây, khi làm việc với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự sốt ruột về cải cách thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực này. “Thủ tục thông quan mất tới 4 ngày là không thể chấp nhận được” – Thủ tướng nói./.
 

 

Theo VOV

.