Phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa

Thứ Sáu, 04/07/2014, 17:13 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Điện Biên có tổng 1.195ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có nhiều hồ lớn như: Pá Khoang (Mường Phăng), Hồng Khếnh (Thanh Hưng), Hồng Sạt (Sam Mứn), Pe Luông (Thanh Luông)... Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX trên địa bàn phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế.

HTX nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm Thanh Hưng là một HTX sản xuất đa dạng, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Thành lập cuối năm 2008 với 4 thành viên, hiện nay HTX đã có 9 thành viên. Anh Nguyễn Đức Mạnh, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm Thanh Hưng, cho biết: Nắm bắt nhu cầu thị trường cần một lượng thực phẩm lớn phục vụ khách du lịch dịp Kỷ niệm 60 Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ cuối năm 2013, HTX đã mở rộng, cải tạo diện tích ao, hồ để thả cá rô phi đơn tính, chép, trôi. 3 tháng đầu năm 2014, HTX đã xuất trên chục tấn cá các loại cho thị trường TP. Điện Biên Phủ. Hiện nay, HTX tiếp tục thả loạt cá giống mới. Ban Chủ nhiệm HTX thường xuyên trao đổi thông tin về giá cả, thị trường, tình hình dịch bệnh để xã viên nắm bắt, kịp thời xử trí. Hàng năm, mỗi xã viên của HTX có thu nhập từ 50  - 70 triệu đồng từ nuôi cá.

b
Nuôi trồng thủy sản đang mang lại nguồn thu tương đối lớn cho nông dân huyện Điện Biên.


Nếu như HTX nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm Thanh Hưng tận dụng diện tích ao của các xã viên để nuôi thả cá, thì HTX thủy sản Pe Luông lại tận dụng lợi thế có hồ Pe Luông rộng lớn, với 30ha mặt nước để phát triển nuôi cá lồng. Hiện nay, HTX có 10 lồng chuyên nuôi trắm cỏ, chép lai, trê lai... Ông Vũ Văn Nghi, Chủ nhiệm HTX thủy sản Pe Luông, cho biết: Qua học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi cá lồng, thấy đây là một hướng phát triển nghề nuôi cá mới, nên HTX đầu tư làm lồng nuôi thả các loại cá có sức chống chịu bệnh tốt như trắm cỏ, rô phi đơn tính, trê lai... Nuôi cá lồng ít xảy ra dịch bệnh, một năm thu hoạch 2 lứa, cá tăng trưởng rất tốt: cá trắm từ 2 - 3kg/con, cá rô phi từ 1 - 1,5kg/con. Cá chủ yếu cung cấp cho thị trường TP. Điện Biên Phủ và một số huyện, thị trong tỉnh. Thu nhập của xã viên bình quân từ 50 - 80 triệu đồng/năm.

Bên cạnh các HTX thủy sản phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Điện Biên còn hỗ trợ nông dân nghèo các xã vùng ngoài nhiều mô hình nuôi cá bước đầu đem lại hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình nuôi cá hệ VAC triển khai từ đầu năm 2013 tại xã Mường Nhà với 32 hộ dân tham gia trên 2ha mặt nước. Sau một năm chăm sóc, cá rô phi đơn tính đạt trọng lượng từ 0,8 - 1kg/con, cá trắm cỏ từ 0,7 -  0,9kg/con.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi cá nước ngọt, nuôi cá lồng lòng hồ… thu hút trên 1.000 lượt nông dân tham gia. UBND huyện cũng hỗ trợ con giống, thức ăn cho nhiều mô hình nuôi cá  tại các xã: Mường Phăng, Nà Nhạn, Nà Tấu với hàng chục hộ dân tham gia. Với sự hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc của các cấp, ngành cùng sự cần cù chịu khó của người dân, năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của toàn huyện đạt 794 tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản ở các chùm hồ thủy lợi là 167 tấn, các xã vùng lòng chảo 532 tấn, các xã vùng ngoài 95 tấn. Nếu năm 2011, toàn huyện có 1.160ha mặt nước nuôi thủy sản, thì đến cuối năm 2013, đã tăng lên 1.195ha. Từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ nghèo đã từng bước áp dụng KHKT trong chăn nuôi thủy sản, chuyển đổi hàng chục ha lúa kém hiệu quả sang nuôi thả cá, góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ quảng canh sang thâm canh, nâng cao giá trị kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.

 

Thu Phương

.