Phát triển "Tam nông" bền vững
Điện Biên TV - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cơ cấu kinh tế tỉnh ta có bước chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2013 đạt trên 19,3 triệu đồng, tăng gấp 2,45 lần so với năm 2008. Thực hiện tốt chính sách "Tam nông" được xem là một trong số giải pháp quan trọng thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển.
Giải quyết việc làm
Một trong những thành tựu nổi bật sau khi thực hiện Nghị quyết về “Tam nông” là vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khuyến khích, vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế hiệu quả, áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, việc phát triển đa dạng các ngành nghề nông nghiệp, kinh tế trang trại… đã góp phần đắc lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Bùi Quang Diện, đội 13, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) là một trong những điển hình của tỉnh. Nhạy bén với nhu cầu thị trường, gần 5 năm trước, anh Diện đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cải tạo vườn tạp trồng thanh long và nuôi ong mật. Bãi đất cằn trước đây giờ thay bằng màu xanh của vườn thanh long bước vào đầu vụ thu hoạch. Anh Diện cho biết, với hơn 1.000 gốc thanh long được thu hoạch, với giá bán đổ cho tư thương 15.000 đồng/kg, giá bán lẻ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu gần 100 triệu đồng. Anh Diện kể: Lúc mới bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ, nhiều người cho rằng, nếu trồng với diện tích lớn, chỉ sợ đến lúc vào chính vụ, không người mua, mất chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc. Nhưng anh Diện nghĩ khác, bởi thanh long ruột đỏ là loại cây trồng mới với người dân Điện Biên, trước đây phải nhập từ nơi khác về bán, thời gian vận chuyển lâu đã khiến thanh long sẽ kém chất lượng hơn, phải sử dụng chất bảo quản. Trong khi thanh long trồng ở Điện Biên có lợi thế về nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Không chỉ làm giàu từ cây thanh long, anh Diện còn nuôi ong mật đạt hiệu quả cao. Mạnh dạn mở hướng đi mới, trang trại của gia đình anh Diện không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Phan Văn Mão, đội 17, xã Pom Lót, huyện Điện Biên tạo việc làm cho từ 2-5 lao động, với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. (Trong ảnh: Chăm sóc đàn vịt siêu trứng tại trang trại). |
Thực hiện Nghị quyết về “Tam nông”, tỉnh ta chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và những lợi thế của vùng. Từ nhiều nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, nông dân được hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ phát triển các cơ sở nghề nông thôn thực hiện cơ khí hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thông qua các chương trình, dự án được triển khai tới các xã, đặc biệt đối với các xã nghèo, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 266 cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; 60 cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan mây, tre; 8 cơ sở kinh doanh sinh vật cảnh… góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng năng suất lao động và từng bước nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Cơ cấu lao động có sự chuyển biến theo hướng tích cực, Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 8.100 lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 30%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Nông thôn khởi sắc
Nhờ các nguồn lực đầu tư cho “Tam nông”, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta có sự đổi thay tích cực. Hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 98/116 xã có đường ôtô đến trung tâm xã, đảm bảo cho nhân dân đi lại các mùa trong năm. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư kiên cố, đảm bảo nước tưới ổn định cho gần 8.500ha lúa đông xuân và trên 14.100ha lúa vụ mùa; ngoài ra, còn đáp ứng phục vụ sản xuất rau màu, cây công nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng năng suất, sản lượng. Hệ thống chợ dân sinh tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt trên 74%; hơn 72% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Điện Biên làm thủ tục giải ngân vốn vay giúp người nghèo phát triển sản xuất tại xã Thanh Nưa. |
Mường Ảng là huyện tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, bộ mặt nông thôn từng ngày thay da đổi thịt. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện Mường Ảng đã ban hành quyết định quy định tạm thời cơ chế huy động vốn, trình tự thủ tục đầu tư hệ thống giao thông nông thôn nội bản, nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn: Kêu gọi nhân dân đóng góp tối đa 10% giá trị công trình, tối thiểu 150.000 đồng/khẩu/năm; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, các nguồn tiết kiệm ngân sách; cán bộ, công nhân viên chức trong toàn huyện đóng góp tối thiểu 1 ngày lương/người/năm… ưu tiên thực hiện xây dựng các công trình thiết yếu. Toàn huyện đã có trên 20km đường giao thông nội bản, liên thôn bản được nâng cấp, mở mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hệ thống giao thông ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Quá trình triển khai Nghị quyết "Tam nông" trên địa bàn tỉnh ta cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khu vực nông thôn vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Nghị quyết "Tam nông" xác định xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững và có khả năng cạnh tranh cao; thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, với phát triển đô thị theo quy hoạch. Cùng với việc tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đóng góp của người dân để triển khai thực hiện, tỉnh tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, tập trung xây dựng cơ chế chính chính sách thu hút, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ tín dụng vay vốn phát triển sản xuất; huy động đóng góp của nhân dân; khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta tiếp tục xác định tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Vận động nhân dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, hiệu quả thấp sang đầu tư tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phát triển mạnh chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học; tham gia liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nền tảng để phát triển "tam nông" bền vững.
Minh Thùy