Thêm một vụ đông xuân thắng lợi
Điện Biên TV - Vụ lúa đông xuân năm 2013 - 2014 trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thuận, song nhờ sự chủ động trong sản xuất, tích cực thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trừ dịch bệnh, nên lúa được mùa. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là vụ lúa bội thu cả về năng suất và sản lượng: năng suất trung bình ước đạt 59,7 tạ/ha (tăng 4,65 tạ/ha); tổng sản lượng ước đạt hơn 50.600 tấn (tăng gần 5.114,4 tấn) so với vụ đông - xuân năm 2012 - 2013. Trong đó, một số địa bàn “trội” về năng suất, như: TP. Điện Biên Phủ 66,8 tạ/ha; huyện Điện Biên hơn 63 tạ/ha…
Nông dân huyện Điện Biên áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa đông xuân. |
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 8.476ha lúa. Cơ cấu giống chủ yếu là ciống lúa thuần, như: Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, IR64 (chiếm 89%); lúa lai Nghi hương 2308, Nhị ưu 838, Q. ưu số 1 (chiếm 11% diện tích). Trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương kiểm tra và kịp thời sửa chữa, tu bổ, nạo vét kênh mương thủy lợi, đảm bảo việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất; cung ứng đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp và làm tốt công tác quản lý phòng trừ dịch bệnh. Ngoài ra, ngành đã phối hợp với Viện Khoa học và kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Công ty Cổ phần cây trồng Thái Bình tiến hành sản xuất thử các giống lúa TBR 28, TB 28, BC 15, P6ĐB, RVT, Hương thơm 9, Tám xoan… tại nhiều địa phương nhằm bổ sung cơ cấu giống trong sản xuất. Riêng giống lúa RVT sau 3 vụ sản xuất thử nghiệm đã được người dân đưa vào sản xuất trên diện rộng với tổng diện tích 200ha, đem lại kết quả rất khả quan, năng suất trung bình đạt 65 – 70 tạ/ha. Cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn người dân áp dụng thử nghiệm một số loại phân bón mới, như: phân viên nén nhả chậm, phân hữu cơ sinh học, phân tổng hợp NPK Sông Gianh… đảm bảo môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, công tác chuyển giao tiến bộ KHKT trong quá trình sản xuất đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, sản lượng vụ lúa đông xuân. Toàn tỉnh hiện có 24 câu lạc bộ “Nông dân với canh tác lúa cải tiến SRI” áp dụng trên 457ha tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Phương pháp canh tác này đưa năng suất lúa tăng từ 1,8 – 4,2 lần; giảm 1 – 2 lần phun thuốc so với sản xuất đại trà.
Tủa Chùa là huyện gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lúa đông xuân do diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài từ đầu vụ. Song nhờ chủ động trong sản xuất nên vụ đông xuân đã giành thắng lợi với tổng diện tích gieo cấy 355ha, đạt 103% kế hoạch giao, năng suất lúa trung bình ước 56,4 tạ/ha.
Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, sản xuất vụ đông xuân giành thắng lợi chủ yếu là nhờ sự tích cực trong sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ, áp dụng KHKT của người dân dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cơ cấu giống theo đúng quy trình, điều chỉnh lượng giống, giảm mật độ gieo cấy bằng các biện pháp sạ hàng, đảm bảo mật độ thưa để giảm thiểu tác hại của sâu bệnh. Cùng với đó là tìm hiểu, đánh giá chất lượng của các loại giống lúa đã đưa vào sản xuất thử nghiệm (nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất đại trà) để bổ sung cơ cấu giống mới, giảm cơ cấu giống lúa Bắc thơm số 7 tại các chân ruộng trũng và chân ruộng nhiễm bệnh bạc lá vi khuẩn ở vùng lòng chảo Mường Thanh. Hướng dẫn nông dân tích cực làm đất để cải tạo, tăng độ phì cho đất kết hợp tập huấn cho bà con quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn đối với vùng thường xuyên xảy ra sâu, bệnh hại theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Minh Thùy