Tiềm năng có, khó đầu ra
Điện Biên TV - Thanh Yên và Thanh Hưng là 2 xã có số lượng thủy cầm lớn nhất trong toàn huyện Điện Biên. Có điều kiện diện tích đồng ruộng, mặt nước lớn, thức ăn dồi dào nhưng trong những năm gần đây, do đầu ra của vịt thịt và trứng vịt giá thành hạ, trong khi đó chi phí chăn nuôi lớn nên nhiều hộ nông dân không mấy mặn mà đầu tư lớn cho đàn thủy cầm, mà chỉ duy trì đàn theo mùa vụ.
Ông Lò Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, cho biết: Xã hiện có tổng diện tích mặt nước là 40 héc ta. Năm 2014 toàn xã có đàn thủy cầm trên 100.000 con (chủ yếu là vịt thịt và vịt đẻ trứng), so với năm 2013, số lượng đàn thủy cầm không tăng, nhưng so với năm 2012, tăng 20.000 con. Theo ông Hải: Nuôi vịt không đòi hỏi công chăm sóc lớn, chỉ cần các hộ nông dân có khuôn viên rộng, chuồng trại cao ráo, thoáng mát và có diện tích ao là có thể phát triển đàn thủy cầm. Bên cạnh đó, tiêm phòng vắc xin đầy đủ để tránh dịch bệnh cho vịt là được. Vịt có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh; thời gian nuôi từ 2 - 2,5 tháng là có thể xuất bán. Hàng năm, số lượng tăng đàn thủy cầm lớn nhất trong giai đoạn từ tháng 2, đến tháng 5 người chăn nuôi thả vịt ra đồng tận dụng thức ăn rơi vãi trên đồng ruộng sau gặt, đỡ tiền mua thức ăn công nghiệp mà vịt lại phát triển nhanh, thu hồi vốn kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình nuôi vịt – cá, vịt - lợn kết hợp để tận dụng được hết chuỗi thức ăn.
Gia đình chị Trần Thị An, đội 4B, xã Thanh Yên có đàn gia cầm được coi là lớn nhất, nhì trong toàn xã; với trên 2.000 con gà, 1.500 con vịt đẻ trứng. Chị An cho biết: Trong những năm gần đây, giá thành trứng vịt hạ, có lúc trứng vịt bán buôn chỉ còn 2.500 - 2.700 đồng/quả, trong khi đó mỗi con vịt một ngày ăn từ 1.600 - 1.800 đồng tiền thức ăn công nghiệp. Với số trứng đạt khoảng 70% tổng đàn, người chăn nuôi không thể có lãi, thậm chí còn lỗ bởi các chi phí tiền thức ăn, tiền điện, tiền trấu, thuốc phòng dịch bệnh... Tuy nhiên, gia đình chị An vẫn phải duy trì đàn vịt, bởi theo chị An lý giải là để giữ bạn hàng tiêu thụ trứng lâu dài, nếu không sẽ bị mất mối hàng.
Gia đình chị Trần Thị An, đội 4B, xã Thanh Yên có trên 2.000 con gà, 1.500 con vịt đẻ trứng, hiện nay chị An phải duy trì đàn vịt là để giữ bạn hàng tiêu thụ trứng lâu dài, nếu không sẽ bị mất mối hàng. |
Anh Tạ Văn Cần, ở đội 7, xã Thanh Yên hiện có 1.500 con vịt thịt, anh cho biết: Đợt Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch vừa qua), nhà xuất bán vịt thịt với giá từ 47.000 - 50.000 đồng/kg. Nếu giá bán duy trì dược 50.000 đồng/kg, sẽ có lãi từ 15 - 20 triệu đồng/lứa vịt, còn không thì chỉ hòa. Mỗi con vịt nuôi đến khi bán sẽ ăn từ 6 - 6,5kg cám công nghiệp, với giá cám hiện nay là 11.000 đồng/kg cộng với tiền mua giống, chi phí cho một con vịt là 80.000 đồng; nên với giá vịt là 47.000 đồng/kg thì người chăn nuôi chỉ hòa, mà không có lãi; nếu đen đủi, vịt chết do dịch bệnh, thì lỗ nặng. Gia đình anh Cần chỉ nuôi nhiều vịt vào những tháng đầu năm, để cung cấp cho thị trường Tết Đoan Ngọ; đồng thời tranh thủ thức ăn rơi vãi dồi dào từ đồng ruộng sau gặt lúa chiêm xuân.
Xã Thanh Hưng được coi là đứng thứ hai trong toàn huyện về đàn thủy cầm, hiện nay số lượng thủy cầm của xã trên 36.000 con, chủ yếu là vịt thịt và vịt đẻ trứng. Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Diện tích mặt nước để chăn thả thủy cầm của xã tương đối lớn với 58 héc ta (trong đó 30 héc ta hồ, 28 héc ta ao) rất thuận lợi cho việc phát triển đàn thủy cầm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi ý thức rất cao trong việc tiêm phòng vắc xin, nên nhiều năm nay xã không xảy ra dịch cúm gia cầm. Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng số lượng đàn thủy cầm của xã lại không tăng mà còn giảm trên 10.000 con so với năm 2013. Nguyên nhân là do giá vịt thịt và trứng vịt giảm mạnh. Ông Biến phân tích: giá trứng từ 3.200 đồng/quả, hiện giảm xuống 2.700 đồng/quả; giá vịt từ 65.000 đồng/kg giảm còn 45 - 50.000 đồng/kg trong khi đó giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng giá, từ 9.000 đồng/kg giờ đã lên 11.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí, tiền giống, thức ăn, tiền tiêm vắc xin cộng với công chăm sóc, thì người nông dân không có lãi. Theo kế hoạch huyện giao, mỗi năm đàn gia cầm của xã phải tăng từ 3 - 5%, xong hiện nay xã cũng không thể chỉ đạo nhân dân tăng đàn gia cầm bởi phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường. Năm 2013, nhiều hộ trong xã đã chuyển đổi nuôi thủy cầm sang các mô hình khác như trồng rau gia vị, kết hợp trồng hoa, trồng nấm, làm giá đỗ....
Có thể nói, một số xã vùng lòng chảo Điện Biên có tiềm năng, thế mạnh về diện tích mặt nước, nguồn thức ăn từ đồng ruộng để phát triển đàn thủy cầm. Nhưng hiện nay đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, chưa tạo sự yên tâm cho người dân phát triển nên chăn nuôi thủy cầm vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, thời vụ.
Thu Phương