Khẳng định vai trò người gác cửa biên giới trên mặt trận kinh tế
Điện Biên TV - Ở Việt Nam, những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trên tuyến biên giới, Hải quan Việt Nam đã ra đời. Đứng chân trên tuyến Tây Bắc, Hải quan Điện Biên đã trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành. Với sự nỗ lực không ngừng, giữ vững an ninh thương mại trên biên giới quốc gia, Hải Quan Điện Biên đã khẳng định vai trò là “người gác cửa biên giới trên mặt trận kinh tế".
![]() |
Cục Hải quan Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh: Điện Biên, Sơn La và Lai Châu |
Thành lập ngày 19/5/1989, khi đất nước ta vừa bước vào thời kỳ đổi mới, ngay từ buổi đầu cán bộ công chức Cục Hải quan Điện Biên đã hình thành cho mình một tư duy nhạy bén, để kịp thời thích ứng với sự vận động, thay đổi của các hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế. Sau 25 năm đảm nhiệm nhiệm vụ của cơ quan thực thi chính sách quản lý nhà nước đối với hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cán bộ, công chức ngành Hải quan đã lao động, cống hiến hết mình, góp phần đảm bảo an ninh cộng đồng, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và đảm bảo môi trường lành mạnh cho các hoạt động kinh tế trong khu vực.
25 năm không ngừng đổi mới tư duy và thực tiễn hoạt động, các mốc phát triển của Hải quan Điện Biên có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn những năm 1989 – 2000, 2001 – 2005 và giai đoạn 2006 đến nay. Giai đoạn 1989 – 2000, khi hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu chưa chia tách, đơn vị tiền thân của Hải quan Điện Biên là Hải quan Lai Châu. Bộ máy tổ chức của đơn vị khi ấy gồm 2 phòng nghiệp vụ, 2 chi cục Hải quan và 2 đội kiểm soát. Vào giai đoạn này, việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân hai bên biên giới Việt – Trung và Việt – Lào đã tăng lên nhanh chóng. Trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm, chủ yếu diễn ra tại các cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Tây Trang và cửa khẩu khu vực Ma Lù Thàng, Nậm Cáy. Các mặt hàng trao đổi giữa nhân dân hai bên biên giới chủ yếu là hàng hóa nông sản, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, khi có hoạt động trao đổi, mua bán phát triển thì cũng có nghĩa là có sự xuất hiện và gia tăng của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị hải quan đứng chân trên địa bàn lúc bấy giờ là kiểm tra, kiểm soát hàng hóa quan cửa khẩu, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.
Trong 5 năm từ 1996 đến năm 2000, các đơn vị trực thuộc Hải quan Lai Châu khi ấy đã phối hợp, bắt giữ trên 190 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó có 45 vụ buôn bán, vận chuyển các chất ma túy, hàng trăm vụ buôn lậu, trốn thuế gồm các mặt hàng tiêu dùng như: Thuốc tăng trọng, bia chai, đường trắng, mì chính… Đặc biệt trong thời gian này, lực lượng Hải quan Lai Châu cũng đã bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu bạc trắng và tiền giả, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia.
Giai đoạn 1989 – 2000 cũng là giai đoạn ngành Hải quan có bước phát triển nhanh chóng, cùng với sự phát triển của các cửa khẩu đường bộ trên tuyến Tây Bắc. Năm 1991, cặp cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc: Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà được thông thương, Đội kiểm soát quan Hải quan Nậm Cáy được đổi tên thành Hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng. Năm 1996, 3 đơn vị: Hải quan Thị xã Sơn La; Hải quan cửa khẩu Lóng Sập và Hải quan Chiềng Khương được thành lập. Cùng với sự ra đời của các chi cục hải quan đóng tại các cửa khẩu quan trọng của hai tỉnh Lai Châu, Sơn La, các phòng nghiệp vụ của Cục Hải quan cũng được thành lập mới và tổ chức lại cho phù hợp với yêu cầu hoạt động. Từ trên 30 cán bộ công chức vào năm 1989, đến năm 2000, Cục Hải quan tỉnh Lai Châu đã có 71 cán bộ, công chức làm việc tại 3 phòng chuyên môn và 4 chi cục.
Năm 2001, ngành Hải quan Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới, với dấu mốc quan trọng là sự ra đời của Luật Hải quan. Luật Hải quan được thông qua đã tạo ra hành lang pháp lý, là cơ sở để các đơn vị hải quan thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực Hải quan nói riêng và kinh tế đối ngoại nói chung. Hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ đã tạo thuận lợi cho lực lượng hải quan kịp thời đổi mới hoạt động, phù hợp hơn với cơ chế quản lý kinh tế thị trường, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đồng thời bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế quốc gia.
Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách, thành lập 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cục Hải quan Lai Châu được đổi tên thành Cục Hải quan tỉnh Điện Biên. Cục Hải quan Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh: Điện Biên, Sơn La và Lai Châu, theo mô hình tổ chức hải quan liên tỉnh. Cũng từ thời điểm này, nhiều chính sách mới của Nhà nước về thương mại, đầu tư, xuất khẩu được ban hành. Các chế độ quản lý xuất nhập khẩu có nhiều thay đổi. Cơ chế mở cửa hội nhập và sự tăng trưởng kinh tế vùng, đã giúp cho hoạt động kinh doanh nói chung và các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn nói riêng có nhiều khởi sắc. Những đổi thay tích cực này có tác động lớn đến hoạt động quản lý nhà nước và thu ngân sách của ngành Hải quan. Trong điều kiện mới, hoạt động hải quan có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, sự tăng trưởng hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên, cùng với đó là sự nảy sinh của các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, đã đặt ra những thách thức mới cho ngành. Để có thể tổ chức hoạt động phù hợp với tình hình mới, Cục Hải quan tỉnh Điện Biên tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức.
![]() |
Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Điện Biên, trong những năm từ 2000 đến 2004, kim nghạch xuất nhập khẩu trong khu vực tăng lên 52 lần |
Năm 2005, bộ máy tổ chức của Cục Hải quan tỉnh Điện Biên gồm: Ban lãnh đạo Cục, 2 phòng tham mưu, 2 đội nghiệp vụ, 1 chi cục kiểm tra sau thông quan và 5 chi cục hải quan cửa khẩu. Vượt qua những thách thức và sự khắc nghiệt của quan hệ đồng tiền trong cơ chế thị trường, cán bộ công chức của Cục Hải quan tỉnh Điện Biên đã nỗ lực hết mình làm tốt nhiệm vụ, bảo đảm an ninh và lợi ích kinh tế quốc gia trên tuyến biên giới, góp phần không nhỏ làm nên sự ổn định và phát triển kinh tế vùng Tây Bắc. Những nỗ lực của cán bộ công chức Cục Hải quan Điện Biên trong giai đoạn này được thể hiện qua hoạt động đấu tranh với các loại tội phạm qua biên giới. Tiêu biểu là các vụ việc: Phối hợp với Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tây Trang phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển trên 1.000 viên ma túy tổng hợp vào tháng 3/2000; phối hợp với PC17 Công an Sơn La bắt giữ 31 bánh hêrôin vào tháng 11/2004 và bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 70.600 USD qua biên giới tháng 7/2004. Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Điện Biên, trong những năm từ 2000 đến 2004, các đơn vị trực thuộc Cục phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện, bắt giữ trên 60 vụ buôn lậu, trên 70 vụ vi phạm Luật Hải quan. Cũng trong 5 năm này, kim nghạch xuất nhập khẩu trong khu vực tăng lên 52 lần, số thuế thu được tăng 7 lần so với năm 2001.
Giai đoạn 2006 đến nay được coi là giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển mạnh mẽ của ngành Hải quan. Năm 2006, Cục Hải quan Điện Biên triển khai thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa Hải quan. Năm 2007, Cục Hải quan tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý của các chi cục hải quan cửa khẩu và thực hiện năm Luật quản lý thuế. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, đảm bảo thu nộp đầy đủ, kịp thời thuế xuất nhập khẩu, nộp ngân sách nhà nước. Trên cơ sở những bước tiến đã đạt được, những năm tiếp theo, Cục tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Những cải cách về thủ tục hành chính của Cục Hải quan Điện Biên nhằm bắt kịp với xu thế hội nhập và phát triển của kinh tế quốc tế, đã đem lại niềm tin đối với lực lượng hải quan từ phía khách hàng và người dân, cũng như ngày càng khẳng định sự trưởng thành của lực lượng. Ông Bùi Gia Mão, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Điện Biên cho biết: "Từ những ngày đầu thành lập Hải quan Điện Biên hoạt động trong các điều kiện đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới; từ một lực lượng còn nhỏ bé, cán bộ công chức chủ yếu được điều động và tuyển dụng từ các ngành chuyển sang cũng như tuyển dụng mới thì cán bộ công chức đều được nhanh chóng cử đi đào tạo các nghiệp vụ chuyên môn của ngành để bố trí, sắp xếp vào công việc được giao. Đến nay, đơn vị đã có bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn 3 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu và Sơn La."
Có thể nói, một thập niên trở về đây, khi Tổng cục Hải quan Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế và mở rộng hợp tác, cũng là giai đoạn Cục Hải quan tỉnh Điện Biên nỗ lực hết mình, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành. Đó là nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua tuyển dụng công chức, qua công tác quy hoạch cán bộ và qua đào tạo, tập huấn. Đó là tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi, hợp tác, phối hợp tuần tra, kiểm soát với hải quan các nước tiếp giáp, cũng như các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, hiện nay công tác cải cách thủ tục hải quan được Cục Hải quan Điện Biên đẩy mạnh.
Để giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuận lợi trong hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước, thủ tục hành chính hải quan đã được cải cách đáng kể như: Thay đổi phương pháp quản lý, áp dụng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cơ chế một cửa và phân luồng hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra hải quan; thực hiện chính sách hải quan, thông quan nhanh hàng hóa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiền bạc, thời gian, công sức và nâng cao khả năng cạnh tranh; ứng dụng các phần mềm tin học mới trong hoạt động quản lý hải quan và thông quan. Những cải cách thủ tục hành chính này đã góp phần củng cố niềm tin của các cá nhân, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào việc thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan.
Nhận đơn đặt hàng, có ngày Doanh nghiệp tư nhân Mai Hương, tỉnh Lai Châu nhập hàng chục xe hàng từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, chủ yếu là vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất clanhke. Với quy trình thủ tục đổi mới, việc thông quan cho những chuyến hàng này nay đã trở nên nhanh gọn, thuận tiện. Hàng hóa được thông quan sau chưa đầy 30 phút kiểm tra và làm thủ tục tại cửa khẩu.
Tháng 4/2014, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã chính thức triển khai Hệ thống thông quan điện tử và cơ chế một cửa gọi tắt là Hệ thống VNACCS/VCIS trong toàn ngành. Cục Hải quan Điện Biên cũng đã kịp thời triển khai chương trình này tới khách hàng. Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên là đơn vị có các mặt hàng xuất nhập khẩu qua biên thường xuyên. Năm 2013, công ty xuất khẩu trên 50.400 tấn xi măng sang các tỉnh Bắc Lào. Quý I năm 2014, đơn vị này xuất khẩu được 15.400 tấn. Ngoài ra, công ty cũng nhập nguyên liệu sản xuất clanhke và thạch cao để phục vụ quá trình sản xuất xi măng. Để xuất hàng sang biên kia bên giới hay nhập nguyên liệu qua cửa khẩu, trước đây nhân viên kế toán của công ty thường phải lên tận cửa khẩu để làm thủ tục. Nhưng hiện nay, công ty được Cục Hải quan hỗ trợ ứng dụng các phần mềm thông qua điện tử mới. Từ năm 2012 đến nay, việc làm thủ tục thông quan cho các chuyến hàng xuất nhập khẩu đã trở nên giản tiện hơn.
Những con số biết nói như: Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 tăng 87% so với năm 2009, từ trên 20.700 USD lên 37.700 USD; số thu thuế trong năm 2013 cũng tăng 21 lần so với năm 2009, từ trên 1 tỷ đồng lên trên 95 tỷ đồng, đã cho thấy sự nỗ lực và kết quả của công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan. Đã có nhiều tập thể và cá nhân thuộc Cục Hải quan Điện Biên nhận được khen thưởng xứng đáng như: Đội kiểm soát hải quan, Phòng nghiệp vụ, Văn phòng Cục Hải quan Điện Biên… Những phần thưởng cao quý đối với các cá nhân và tập thể đã trở thành động lực lớn, khích lệ cán bộ, công chức Cục Hải quan Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Ông Bùi Gia Mão, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Điện Biên cho biết thêm: "Trong thời gian tới, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức luôn có lập trường vững vàng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính cũng như hiện đại hóa ngành Hải quan; làm tốt công tác phòng chống buôn lậu gian lận thương mại cũng như làm tốt công tác phòng chống ma túy qua biên giới."
Liên tục đổi mới để phù hợp, nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt nhiệm vụ vì lợi ích kinh tế quốc gia, Cục Hải quan tỉnh Điện Biên đã góp phần không nhỏ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên các tuyến biên giới. Với sự phấn đấu không ngừng này, 25 năm qua, Cục Hải quan Điện Biên đã luôn khẳng định và xứng đáng với vai trò là “người gác cửa biên giới trên mặt trận kinh tế”./.
Minh Giang – Anh Tuấn