Sản xuất gạo đặc sản Điện Biên

Cần có tầm nhìn chiến lược

Thứ Tư, 16/04/2014, 14:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Gạo thơm - đặc sản Điện Biên luôn được khách du lịch ưu tiên chọn làm quà khi tới Điện Biên. Sản phẩm nổi tiếng bởi chất lượng dẻo, thơm và trở thành hàng hóa đặc sản gắn với địa danh lịch sử hào hùng Điện Biên Phủ. Địp này, khách du lịch về Điện Biên đông hơn khiến gạo đặc sản Điện Biên cũng trở nên khan hiến hơn và cũng đội hơn nhiều...

Khảo sát giá gạo của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ cho thấy, hiện nay, gạo Bắc thơm số 7 có giá từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, gạo nếp nương giá 27.000 – 28.000 đồng/kg, gạo IR64 có giá giao động từ 14.000 – 16.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, giá gạo hiện nay đã tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán 2014. Nhu cầu mua gạo tăng đột biến làm quà biếu của khách tham quan du lịch là một trong số nguyên nhân đẩy giá gạo thơm – đặc sản của Điện Biên tăng cao. Nhận định của không ít tiểu thương kinh doanh trong lĩnh vực thu mua thóc gạo, thời gian tới, nhất là dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các loại gạo thơm sẽ tiếp tục tăng giá. Nguyên nhân được lý giải đó chính là lượng thóc, gạo thơm trong dân không còn nhiều, bà con thường bán ngay sau thu hoạch mà không có thói quen tích lương thực, khi du khách đổ về Điện Biên ngày càng tăng, nhu cầu mua gạo đặc sản Điện Biên làm quà biếu tăng cao.

b
Khách hàng chọn mua gạo tám thơm Điện Biên tại Siêu thị Hoa Ba.


Tại các siêu thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, như: Siêu thị Hoàng Nga, Siêu thị Hoa Ba, gạo thơm các loại bày bán được đóng gói cẩn thận, có thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất, phương pháp bảo quản rõ ràng, có giá bán cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với giá bán tại các quầy, cửa hàng gạo tại các chợ. Hiện gạo Bắc thơm số 7 có giá bán tại Siêu thị Hoa Ba là 22.000 đồng/kg, gạo nếp nương giá 30.000 đồng/kg được bày bán với số lượng khá lớn và cũng là mặt hàng hút người mua. Chị Trần Minh Phương, nhân viên bán hàng tại Siêu thị Hoa Ba cho biết: Hiện Siêu thị đang bán gạo Bắc thơm số 7, nếp nương đặc sản được sản xuất theo phương pháp hữu cơ do Doanh nghiệp ký hợp đồng kinh doanh, bao tiêu sản phẩm với người sản xuất (đội 17a, 17b và 17c, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên). Do đó, các loại gạo này được đảm bảo nguồn gốc, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch, bảo quản và chế biến. Sản phẩm mới được đưa vào siêu thị bày bán, song rất hút khách lựa chọn, mua hàng. So với giá bán trên thị trường, giá hơi cao hơn một chút, song đảm bảo về nguồn gốc, quy trình sản xuất sạch nên người tiêu dùng vẫn lựa chọn, đặc biệt là với khách du lịch đến Điện Biên. Thời gian vừa qua, gạo là mặt hàng được khách hàng mua khá nhiều, cao điểm có ngày siêu thị bán gần 1 tấn gạo các loại.

Thực tế cho thấy, gạo đặc sản Điện Biên là hàng hóa đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh nên nhiều năm qua đã có mặt trong các siêu thị, cửa hàng tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, do cách “mạnh ai nấy làm” nên các loại gạo đặc sản này chưa thực sự phát huy được giá trị vốn có, kinh doanh theo tính mùa vụ, không bền vững. Đặc biệt là người sản xuất vẫn làm theo kiểu manh mún, sản xuất đến đâu bán đến đó để trang trải cuộc sống. Chưa có tư duy về trữ thóc gạo, liên kết với doanh nghiệp phục vụ cho nhu cầu thị trường, nhất là phục vụ những sự kiện lớn, dịp thu hút đông đảo khách du lịch mua sắm. Chị Lò Thị Biện, bản Ta Pô (phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Gia đình có hơn 7.000m2 ruộng thì quá nửa gieo cấy giống Bắc thơm số 7, nhưng cứ thu hoạch là đem xay xát bán cho tiểu thương ở các chợ để trang trải cho cuộc sống, đóng tiền cho con cái học hành. Vì thế đến giờ chẳng còn gạo để bán nữa chỉ vừa đủ cho gia đình sử dụng đến kỳ thu hoạch lúa đông xuân. Chị Biện thầm tiếc, lúc đó bán gạo chỉ được giá 12.000 – 13.000 đồng/kg giờ gạo đã tăng giá quá nửa, nếu như tích lại đến giờ mới bán thì tốt biết bao!

Hiện nay, khu vực lòng chảo Điện Biên có gần 4.000 ha sản xuất lúa, trong đó có hơn 2.400ha sản xuất lúa chất lượng cao. Song trên thực tế cho thấy, người nông dân vẫn đang tự tìm lối ra cho chính mình, tự tìm thị trường cho sản phẩm. Sản phẩm vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, vì thế mà giá trị kinh tế của gạo Điện Biên vẫn chưa thực xứng tầm với giá trị vốn có làm nên “thương hiệu” gạo đặc sản Điện Biên. Cũng vì thế mà cuộc sống của người trồng lúa – trực tiếp sản xuất chưa được nâng cao. Như vậy, vấn đề đặt ra trong sản xuất nông sản nói chung và sản xuất lúa gạo Điện Biên chất lượng cao cần có tầm nhìn chiến lược, đẩy mạnh liên doanh liên kết “4 nhà” ngay từ khâu sản xuất đến chiến lược kinh doanh để người trồng lúa bớt phần thiệt thòi và đưa gạo Điện Biên xứng tầm với giá trị thực.

 

Minh Thùy

.