Nghị quyết "tam nông": Điểm tựa để Tuần Giáo vững bước đi lên
Điện Biên TV - Tuần Giáo là huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp. Bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh cùng với việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án được đầu tư vào địa bàn đã giúp cho Tuần Giáo ngày một phát triển đi lên. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là một điển hình. Nhìn chung, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết, bộ mặt nông thôn ở đây đã có những chuyển biến rõ nét. Đây sẽ là điều kiện để Tuần Giáo vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuần Giáo đã xây dựng được vùng kinh tế trọng điểm ngô, đậu tương ở 3 xã gồm: Ta Ma, Phình Sáng, Pú Nhung |
Mặc dù là huyện cửa ngõ của tỉnh với mặt bằng dân trí cũng như kinh tế cơ bản hơn so với mặt bằng chung của tỉnh, song Tuần Giáo vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn. Cánh đồng rau tại xã Quài Cang - một trong số rất nhiều cánh đồng ở Tuần Giáo được người nông dân thâm canh rau màu vụ 3. Việc mở rộng thâm canh vụ 3 đã phần nào giúp cho người nông dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì việc làm này tưởng chừng như sẽ giúp cho người nông dân có thu nhập bền vững để cải thiện cuộc sống, thế nhưng đã không ít hộ gia đình mếu dở, khóc dở vì có thời điểm rau trồng ra rồi, bán cũng chẳng ai mua. Rau màu được nông dân trồng đại trà. Đó là bài học về cơ cấu không phù hợp trong sản xuất nông nghiệp. Thường thì việc gieo trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng của hầu hết bà con chỉ làm theo kinh nghiệm. Như thế có nghĩa là vẫn còn thiếu tính khoa học trong sản xuất cũng như là việc tính toán đầu ra cho sản phẩm. Quàng Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo chia sẻ: "Về trồng cây hoa màu, nông dân ở xã đang thiếu kiến thức về trồng trọt nên năng suất thấp. Việc tổ chức tập huấn cho người dân thì ít, chưa được tổ chức thường xuyên; trình độ dân trí thấp nên việc tiếp thu cũng hạn chế. Đa số nông dân ở đây chỉ làm theo kinh nghiệm được tích lũy từ trước thôi. Nếu người dân áp dụng được tiến bộ kỹ thuật thì năng suất sẽ cao hơn."
Bà Bùi Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: "Huyện Tuần Giáo cũng xác định một số khó khăn, thách thức đó là: Điểm xuất phát của nền kinh tế - xã hội còn thấp; đất nông nghiệp thì ít, trong khi đó lại còn phân tán nữa, địa hình bị chia cắt rất là nhiều; kinh tế - xã hội nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, trồng trọt, chăn nuôi còn chậm và khó khăn nữa là đời sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nghèo."
Thực hiện NQTW 7 (khóa X), Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình hành động thực hiện NQTW 7 (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện nghiên cứu, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện NQTW 7 (khóa X). Qua học tập, quán triệt Nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã được nâng lên một bước, nhận biết rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, kết quả đạt được quan trọng nhất trong phát triển nông nghiệp trong những năm qua là phát triển đúng định hướng, các chỉ tiêu chính về nông nghiệp đều đạt mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, người nông dân đã chuyển từ tư duy sản xuất tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp của huyện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực và có sản phẩm bán ra ngoài huyện.
Tuần Giáo đã xây dựng được vùng kinh tế trọng điểm ngô, đậu tương ở 3 xã gồm: Ta Ma, Phình Sáng, Pú Nhung, góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đưa vùng được quy hoạch trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm, đặc biệt là cây ngô. Với nhiều giải pháp tích cực được áp dụng đã góp phần mở rộng diện tích lương thực. Thống kê cho thấy, diện tích lương thực ở Tuần Giáo đã tăng, từ xấp xỉ 11.000 ha năm 2008 lên xấp xỉ 12.000 ha năm 2013, tăng trên 1.100 ha. Nông dân trong huyện đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đầu tư phân bón, giống, chú trọng công tác bảo vệ thực vật nên năng suất các loại cây lương thực không ngừng tăng lên. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt tăng từ 29.300 tấn năm 2008 lên xấp xỉ 33.500 tấn năm 2013. Ông Vũ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: "Tuần Giáo cũng xác định cây ngô là cây lương thực chính của huyện, trong tổng sản lượng lương thực thì cây ngô luôn chiếm hơn một nửa tổng sản lượng lương thực hàng năm của huyện. 5 năm qua, huyện luôn duy trì diện tích cây ngô, tăng từ 6.000ha - 6.200ha/năm. Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như đầu tư nên năng suất tăng từ 23 tạ/ha lên 27 tạ/ha, sản lượng tăng từ 14.000 tấn lên 17.000 tấn. Cây ngô góp phần làm tăng thu nhập và là thu nhập chính cho người dân các xã: Tỏa Tình, Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông, Mùn Chung, Mường Mùn."
Tổng sản lượng lương thực cây có hạt tăng từ 29.300 tấn năm 2008 lên xấp xỉ 33.500 tấn năm 2013 |
Nhìn chung, việc “liên kết 4 nhà” được thực hiện bước đầu đã có hiệu quả, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp cung ứng nguồn giống, phân bón… không chỉ tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy làm ăn mới mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được phát động thường xuyên, các sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đã tạo được đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện cũng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và chống đói cho đàn gia súc; không để xảy ra dịch bệnh lớn, tổng đàn gia súc tăng từ 66.000 con năm 2008 lên xấp xỉ 76.500 con vào năm 2013; tốc độ tăng bình quân 3,1%/năm.
Từ nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu như: Chương trình 134, 135, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA... đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt cho nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng xa. Mạng lưới giao thông rộng khắp. Tính đến nay, toàn huyện đã có 14/18 xã có đường nhựa đến trung tâm xã. Một số tuyến đường liên bản, liên xã cũng đang được đầu tư bằng các nguồn vốn của Nhà nước.
Hệ thống trường lớp học được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn và từng bước xây dựng đồng bộ, chuẩn hóa, đến hết năm 2013 có 48% số phòng học được xây dựng kiên cố. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn quốc gia.
Về cơ bản, vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn đã được huyện Tuần Giáo thường xuyên quan tâm. Huyện đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay vốn sản xuất tạo việc làm cho nông dân; thực hiện chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở bằng nguồn vốn Chương trình 167; chuyển giao tiến bố kỹ thuật cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân trên 5%/năm, đến cuối năm 2013 số hộ nghèo toàn huyện là hơn 35%.
Công tác đào tạo nghề nông thôn được chú trọng thực hiện. Thống kê cho thấy, từ năm 2008 đến nay, huyện Tuần Giáo đã đào tạo cho trên 3.000 lao động nông thôn, trong đó 85% học các nghề nông - lâm nghiệp và 14% học các nghề phi nông nghiệp. Tuần Giáo đã giải quyết được việc làm cho trên 4.000 lao động.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân nên huyện Tuần Giáo đã đạt được những kết quả quan trọng. Nền kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nguồn thu ngân sách liên tục tăng, có điều kiện để đầu tư và hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, lưới điện quốc gia được mở rộng, kênh mương, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, y tế, giáo dục được đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định. Các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, hộ nghèo được quan tâm. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tiếp theo. Các mục tiêu về phát triển sản xuất, một số chỉ tiêu về phát triển nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đã đạt so với Nghị quyết đề ra.
Những thành tựu trên đã khẳng định tính đúng đắn và hợp lý của Nghị quyết đối với việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn hiện nay, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Từ thành công của Nghị quyết tam nông sẽ là điểm tựa để Tuần Giáo vững bước đi lên trên con đường Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Minh Thịnh