Chuẩn bị đón dòng "vàng trắng" đầu tiên
Điện Biên TV - Vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là đợt rét đậm rét hại lịch sử năm 2009 - 2010, sau gần 6 năm “bén rễ” trên sườn núi, vạt đồi, những vườn cao su trồng đầu tiên tại xã Thanh Nưa và Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã bước vào tuổi “cập kê”, chuẩn bị cho khai thác mủ. Công tác chuẩn bị đón dòng “vàng trắng” đầu tiên đang được Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên gấp rút triển khai thực hiện.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cao su gần 6 năm tuổi tại khu vực đèo Cò Chạy (xã Mường Pồn) đã khép tán, trải dài trên các sườn đồi, vạt nương, từng tốp công nhân mồ hôi ướt đầm sau lớp áo nhanh tay bón phân, tấp tủ từng gốc cây dưới cái nắng xế chiều. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên khoát tay theo vệt dài chỉ cho chúng tôi rõ: “Đây là vườn cao su của Đội Cao su số 1 Mường Pồn thuộc Nông trường Cao su Điện Biên. Hiện đang là giai đoạn nước rút bón phân thúc đợt 1 trong năm. Các nông trường, đội sản xuất tập trung chăm sóc, bón phân, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 4 để đón mưa sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.
Dù là vùng trồng cao su phi truyền thống, vượt qua những khó khăn ban đầu với sự hoài nghi về loài cây mới; yếu tố thời tiết, khí hậu… tác động, khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, các chỉ tiêu về chiều cao, độ đồng đều, đường kính vanh thân, tán lá... đều đạt hoặc vượt so với quy chuẩn cao su Tây Bắc của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề ra. Cụ thể, 704ha cao su trồng năm 2008 tại xã Thanh Nưa và Mường Pồn đến nay phát triển tốt, độ dài vanh thân trung bình đạt hơn 50cm. Dự kiến năm 2015, có hơn 70% tổng diện tích vườn cây đủ tiêu chuẩn để đưa vào khai thác mủ, cá biệt một số lô, đồi, cao su phát triển tốt hiện có thể mở miệng cạo.
Công nhân Đội Cao su số 1 Mường Pồn (Nông trường Cao su Điện Biên) phát cỏ, chăm sóc vườn cao su gần 6 năm tuổi khu vực bản Lĩnh (xã Mường Pồn). |
Chuẩn bị đón dòng “vàng trắng” đầu tiên, cùng với việc củng cố, tập trung chăm sóc vườn cây, năm 2013, Công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) tổ chức mở lớp đào tạo nghề khai thác mủ cao su cho 31 cán bộ kỹ thuật và công nhân. Đây là sự chuẩn bị bước đầu để tiếp cận với quy trình, kỹ thuật khai thác và thu gom mủ đảm bảo kỹ thuật, đem lại năng suất cao. Ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết: Cao su là cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt quy trình khai thác mủ đòi hỏi người lao động phải có kỹ thuật thì mới cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu người cạo mủ không có tay nghề thì không những sản lượng mủ kém mà sau chục năm vỏ cây cao su tái sinh đủ tiêu chuẩn để cạo tiếp, cạo không đúng kỹ thuật sẽ tạo ra các u bướu không thể cạo được nữa. Vườn cao su phải thanh lý và trồng lại từ đầu rất tốn kém. Vì thế, công tác đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cho công nhân, người lao động được Công ty ưu tiên hàng đầu.
Địa hình vùng dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là đồi núi, đèo dốc, khó khăn trong công tác thu hoạch mủ và vận chuyển mủ về nhà máy. Do đó, nhằm tạo thuận lợi cho khâu vận chuyển, chế biến sản phẩm, Công ty đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để xây dựng Nhà máy chế biến mủ tại khu vực bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn phục vụ chế biến mủ của vùng nguyên liệu Điện Biên - Mường Chà với công suất 4.000 tấn/năm (chế biến mủ tờ RSS và Crepe). Ông Nguyễn Hồng Thắng khẳng định: Phương án sản xuất sản phẩm mủ tờ thích hợp cho mô hình nhà máy có công suất vừa phải và phù hợp với địa bàn vườn cây bị chia cắt, đồi núi, giao thông khó khăn như ở Điện Biên. Dự kiến, quý III năm 2014, Công ty sẽ khởi công Nhà máy chế biến mủ và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tháng 4 - 5/2015 sẽ bắt đầu khai thác mủ. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, năm đầu tiên khai thác dự kiến năng suất mủ sẽ đạt trung bình từ 8 tạ - 1 tấn/ha, sang năm thứ 3 sẽ đạt khoảng 1,5 tấn/ha và từ năm thứ 5 trở đi, khi vườn cây đưa vào khai thác ổn định, năng suất mủ sẽ đạt 1,7 – 1,8 tấn/ha/năm. Phương án chia sản phẩm giữa hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất hợp tác kinh doanh với các Công ty Cổ phần Cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được Tập đoàn ký kết với tỉnh vào cuối tháng 4. Dự kiến, các hộ gia đình, cá nhân sẽ được hưởng 10% sản phẩm sau khi thu hoạch. Đó sẽ là cơ sở để người dân yên tâm liên kết với doanh nghiệp phát triển, nhất là khi cao su bước vào giai đoạn khai thác mủ như hiện nay.
Minh Thùy