Canh tác trên đất bãi
Điện Biên TV - Mỗi năm chỉ canh tác được khoảng 8 tháng, nhưng dải đất bãi được hình thành bởi phù sa của dòng Nậm Rốm và Nậm Núa, đã thực sự là nguồn thu chủ yếu của người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Đưa các giống cây ngắn ngày vào sản xuất, đất bãi đã cho người dân ở đây có thêm từ 2 đến 3 vụ rau màu, cung cấp cho vùng lòng chảo Điện Biên và các huyện miền núi trên toàn tỉnh.
Xã Pom Lót, huyện Điện Biên có khoảng 100 ha đất bãi, được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông Nậm Rốm và Nậm Núa. Hàng năm, sau khi mùa mưa qua đi, nước lụt dần rút xuống cũng là lúc người dân vùng đất bãi của xã Pom Lót bắt tay vào sản xuất rau màu.
Cà chua, bắp cải, súp lơ, cà pháo,… có rất nhiều loại rau, quả của mùa khô được gieo trồng trong khu vực này. Một dải bờ bãi suốt từ địa phận Đội 4 đến chân cầu Pắc Nậm, xã Pom Lót, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau hàng năm là một màu xanh trù phú. Với từ 500 đến 2.000 m2 đất bãi, mỗi hộ dân ở đây có thể thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Bởi chỉ có thể canh tác được trong 6 tháng mùa khô, nên không khí lao động sản xuất ở khu vực này khác hẳn với vùng đồng ruộng mênh mông cách xa phía bờ sông. Bắt đầu vào vụ rau, từ sáng sớm cho đến khi mặt trời lặn, không ngày nào trên bãi vắng bóng những người nông dân. Hàng trăm hộ dân đua nhau sản xuất, họ liên tục cập nhật thông tin về các loại cây ngắn ngày mới để đưa về trồng tại đây. Bởi áp dụng các loại cây ngắn ngày vào canh tác, nên trong vòng 6 tháng họ có thể gieo trồng được từ 2 đến 3 vụ hoa màu. Hết vụ ngô lại đến cà chua, su hào, bắp cải, lượng phù sa màu mỡ mà cánh bãi được bồi đắp trong mùa mưa, đã giúp người nông dân giảm bớt đáng kể chi phí cải tạo đất trong quá trình canh tác hàng năm.
Nông dân xã Pom Lót thu hoạch cà pháo. |
Thời điểm này đã là cuối tháng 3, các hộ dân ở khu vực bãi bồi đang khẩn trương thu hoạch hoa màu trước khi mùa ngập tới. Có thể mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn thường lệ. Đặt chân xuống khu vực đất bãi, ngay lập tức chúng tôi bị thu hút bởi cảnh tấp nập lao động sản xuất của bà con. Một bãi cà pháo trải dài nằm gần sát bờ sông. Thời vụ gieo trồng của cà pháo thường là từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Loại cà này có thể cho thu hoạch sau 1 tháng rưỡi gieo trồng, cách 2 đến 3 ngày cây cà lại cho thu một lứa. Thuận lợi của người trồng cà ở đây là đất đai tơi xốp, dễ làm đất và không mất nhiều công chăm bón. Hơn nữa nguồn nước tưới rau màu ở đây lại rất thuận lợi. Sông Nậm Rốm và sông Nậm Núa là nguồn cung cấp nước thường xuyên, ổn định cho rau màu. Nông dân ở đây vẫn bơm nước trực tiếp từ sông lên và tưới cây bằng hệ thống ống nước được mắc nối rất đơn giản, tiện lợi. Cứ 4 đến 5 ngày bãi cà lại được tưới nước một lần.
Theo bà con nông dân ở đây cho biết, cà pháo năm nay khá được giá. Tư thương đến mua ngay tại bãi từ 10 đến 13 nghìn đồng/1kg. Với giá cả như năm nay, hộ gia đình nào trồng cà pháo với diện tích từ 1.500 đến 2.000 m2 có thể thu hoạch được từ 3 – 4 tạ quả/1 lứa. Mỗi vụ trồng cà như thế này, người nông dân có thể thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/1 vụ.
Đất bãi ở khu vực Pom Lót và các xã thuộc khu vực ven sông Nậm Rốm, Nậm Núa trước đây là đất vỡ hoang của nhiều hộ dân. Nay khu vực canh tác này đã được địa phương quản lý, tuy nhiên, quyền sử dụng đất vẫn thuộc nhiều hộ dân khác nhau. Bởi vậy việc canh tác hoa màu trên dải đất này có đặc điểm chung là canh tác nhỏ lẻ, không chuyên canh riêng một loại cây nào. Ngoài trồng cà pháo ở dải đất giáp bờ sông, xung quanh đó người dân bản Pom Lót và các Đội 4, 5, 6 còn trồng nhiều loại rau màu khác. Có gia đình chỉ trồng riêng một loại rau, nhưng cũng có gia đình trồng nhiều loại rau, quả khác nhau.
Nông dân chăm sóc rau súp lơ - loại cây rau màu ngắn ngày được trồng vào cuối vụ canh tác. |
Vụ rau cuối cùng của mùa khô năm nay chị Nguyễn Thị Vân, Đội 6, Pom Lót trồng ớt, cà chua, cà pháo và rau súp lơ. Với tâm lý rau màu giá cả thất thường, loại rau này được giá thì loại rau kia lại rớt giá, chị Vân đã trồng nhiều loại rau như vậy cho chắc ăn. Cuối tháng 3 chị bắt đầu tỉa lá để bón thúc cho hoa lơ trước khi bước vào thu hái đợt đầu tiên.
Vụ canh tác cuối cùng ở vùng đất bãi này bắt đầu khoảng cuối tháng 12 hàng năm, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì kết thúc. Chỉ đầu tháng tư thôi, khi có những đợt mưa đầu mùa kéo tới, cả cánh bãi sẽ bị ngập chìm trong nước lũ. Bởi vậy, muốn tăng thêm vụ, loại hoa màu trồng vào vụ cuối mùa khô phải cực ngắn ngày như: súp lơ từ lúc trồng đến khi thu hái khoảng 50 đến 60 ngày; cà chua trồng từ cuối tháng 11, thu hoạch vào tháng 2, tháng 3 năm sau; bắp cải vụ muộn, gieo từ cuối tháng 12, thu hoạch vào tháng 2, tháng 3…
Canh tác rau màu hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp mùa vụ của người dân vùng đất bãi các xã Pom Lót, Sam Mứn, Noong Luống (huyện Điện Biên). Rau màu ở đây đã có mặt ở khắp vùng lòng chảo và các huyện vùng cao trên toàn tỉnh, với ưu điểm là rau tươi ngon, giá thành rẻ vì không mất nhiều công vận chuyển như rau nhập từ các địa phương khác. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố người trồng rau vẫn gặp khó khăn do giá rau, củ, quả không ổn định. Thường thì vào thời điểm rau, quả được giá sẽ có tư thương đến tận bãi thu mua và đem đi đổ tại các chợ đầu mối. Nhưng vào thời điểm rau, củ rớt giá, vì cung lớn hơn cầu hoặc vì bị cạnh tranh bởi các loại rau, củ nhập từ Trung Quốc và các địa phương khác, người trồng rau phải chịu một nắng, hai sương mà bán ra vẫn không đủ vốn. Đây là nỗi lo âu thường trực trong mỗi vụ rau của người dân đất bãi.
Mặc dù chỉ canh tác được một mùa khô, nghề trồng rau đã góp phần làm cho đời sống của người dân Pom Lót ngày càng được nâng cao. Nhưng do sản xuất nhỏ lẻ và chưa tập trung đủ các yếu tố cần thiết đảm bảo sản xuất bền vững là: khoa học công nghệ gắn với sản xuất và phân phối sản phẩm, nên người trồng rau vẫn thường gặp cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Để nghề trồng rau màu ở đây phát triển bền vững, người nông dân vẫn cần được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác, từng bước hình thành các vùng chuyên canh trồng rau chất lượng và an toàn, đáp ứng tốt hơn nữa đòi hỏi của thị trường và người tiêu dùng khó tính.
Minh Giang – Anh Tuấn