Cà phê rớt giá - Chủ vườn lao đao

Thứ Năm, 13/02/2014, 16:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mường Ảng là huyện có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh. Từ cây chủ lực này mà hàng trăm hộ dân đã nâng cao đời sống, từng bước vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, do đầu ra chưa ổn định nên chính trong thời điểm này, hàng trăm hộ trồng cà phê ở đây cũng không khỏi phấp phỏng lo âu vì giá cà phê giảm mạnh. Giá cả bấp bênh, người dân trồng cà phê đã nhìn thấy được sự thua lỗ ngay trước mắt. Lại vẫn là những câu chuyện được mùa, rớt giá song nó đã khiến cho nhiều người dân nghiêm túc nhìn nhận lại rằng: Có hay không việc tiếp tục mở rộng diện tích loại cây trồng mũi nhọn này?

bv
Huyện Mường Ảng hiện có trên 3.300ha cà phê

Mường Ảng là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất của tỉnh. Những năm gần đây, chính từ cây trồng chủ lực này cũng đã giúp nâng cao đời sống và thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện. Cách đây hơn 2 năm về trước, vai trò của loại cây trồng này trong định hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Mường Ảng đã nhìn thấy rõ. Có những thời điểm, không ai phủ nhận rằng đây không phải là cây mũi nhọn của huyện cũng như của tỉnh.

Theo con số thống kê, ở thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Ảng hiện có trên 3.300ha cà phê, trong đó có trên 1.600ha cà phê kinh doanh, hơn 1.600ha cà phê kiến thiết cơ bản. Năm 2013, huyện Mường Ảng trồng mới được khoảng 200ha cà phê. Song, con số này mới chỉ đạt 50% kế hoạch trồng mới của Ủy ban Nhân dân huyện.

Đối với những người quản lý như ông Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch UBND huyện thì việc Mường Ảng không trồng mới được 400ha cà phê trong năm 2013 theo kế hoạch là đã không hoàn thành chỉ tiêu. Trong khi quan điểm của huyện là sẽ quyết tâm tiếp tục mở rộng diện tích cà phê thêm 200ha nữa trong năm 2014. Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: "Cây cà phê là cây công nghiệp dài ngày, giá cả thị trường thì có thời điểm xuống và lên. Mặc dù, giá cà phê năm 2013 trên địa bàn huyện khoảng 33.000 đồng/kg cà phê trấu, qua hạch toán của người nông dân thì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, tất nhiên là không cao nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho bà con, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với giá hiện tại để duy trì diện tích thì huyện đưa ra các giải pháp là tăng thu nhập trên 1 diện tích, tất nhiên thu nhập từ trồng cà phê có giảm nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của người dân."

cdx
Năm 2013, giá cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng đạt khoảng 33.000 đồng/kg cà phê trấu

Thực tế thì việc được mùa hay mất mùa; thắng lợi hay thua lỗ thì chỉ chính những người dân trồng cà phê mới biết. Hơn ai hết, không ai thấu hiểu điều đó như chính họ. Câu chuyện của gia đình ông Bùi Xuân Hùng ở bản Cang, xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng là một ví dụ. Gia đình ông Hùng có 28ha cà phê. Trong khi đó, thời điểm hiện tại chỉ có 17ha cho thu hoạch. Theo hạch toán, mỗi ha cà phê gia đình ông phải chi khoảng 140 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng đầu tư cho phân bón, 40 triệu đồng tiền công thuê người làm cỏ và khoảng 40 triệu đồng công thuê thu hái. Với giá bán dao động từ 30.000 - 32.000 đồng/kg cà phê trấu thì gia đình ông thu về khoảng 120 triệu đồng mỗi ha. Nghĩa là mỗi ha gia đình ông Hùng phải chịu lỗ khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, vụ cà phê năm nay, gia đình ông Hùng ước tính sẽ thua lỗ khoảng 400 triệu đồng.

Nếu như ở thời điểm này của năm ngoái, câu chuyện mở rộng diện tích cà phê được đưa ra thì vẫn còn có những người háo hức quan tâm. Còn nếu nó được nói ra ở thời điểm này thì sẽ không ít người trồng cà phê phải nghi ngại. Ông Bùi Xuân Hùng - bản Cang, xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng chia sẻ: "Nói chung đến bây giờ, gia đình tôi chỉ làm vậy thôi chứ không có mở rộng thêm diện tích cà phê nữa. Bởi vì nhân lực của mình không còn nữa, cái quan trọng nhất là thu nhập để tăng diện tích hoặc tăng sản lượng không còn nữa. Như gia đình tôi bây giờ không nợ ngân hàng mà cũng chẳng đủ ăn, còn những hộ gia đình nợ ngân hàng thì họ làm sao mà mở rộng diện tích được nữa."

Năm 2013, Mường Ảng chỉ tiến hành trồng mới được khoảng 50% diện tích cà phê theo kế hoạch. Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện: Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa chủ động được diện tích trồng. Một số nơi, người dân mở mới diện tích ngoài vùng quy hoạch và một phần do giá cả giảm sút. Bởi vậy, trong năm 2014, Ủy ban Nhân dân huyện đã xác định sẽ tập trung chỉ đạo, giao kế hoạch cho các xã, thị trấn tiếp tục mở mới 200ha. Trên cơ sở đó, huyện sẽ đưa vào thử nghiệm giống cà phê ghép với hy vọng tạo bước đột phá. Theo dự kiến đến 2015, huyện Mường Ảng sẽ đạt khoảng 3.800ha cà phê; năm 2020 diện tích này sẽ được nâng lên và đạt khoảng 4.200ha.

Trở lại với câu chuyện mà tất cả những ai liên quan đến cây cà phê ở Mường Ảng đang quan tâm nhất hiện nay, đó là vấn đề giá cà phê. Cách đây mấy năm, vào thời điểm năm 2010 - 2011, giá cà phê ở Mường Ảng đạt mức 80.000đồng/kg - ngưỡng đỉnh điểm trong lịch sử từ trước tới nay. Không ai phấn khởi hơn người trồng cà phê.

cdx cdx
Gia đình ông Bùi Xuân Hùng ở bản Cang, xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng không có dự định mở thêm diện tích cà phê trong thời gian tới

Làm kinh tế, phải đối mặt với quy luật cung - cầu và sự bấp bênh về giá ở từng thời điểm là chuyện đương nhiên. Điều này với mỗi ai làm cà phê đều biết. Hơn ai hết, người dân Mường Ảng thấu hiểu điều này hơn bất cứ ai. Bởi đã có bài học của hơn 1 năm trước, thời điểm giữa năm 2012. Lúc ấy, giá cà phê ở thời điểm đầu vụ cũng lên cao ngất ngưởng, tới 72.000 đồng/kg cà phê trấu. Có nhiều hộ xuất bán ở thời điểm này thì thắng lợi lớn, vì bán được giá. Nhiều hộ chủ động găm hàng chờ tăng giá. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa vụ, giá cà phê giảm dần và đột ngột giảm xuống ở cuối vụ. Lúc này, cà phê được tư thương thu mua chỉ với giá 38 - 40.000đồng/kg cà phê trấu. Nghĩa là đã chênh lệch so với đầu vụ hơn 30.000 đồng/kg. Cho đến năm 2013, lại vẫn là kịch bản của năm 2012. Ở thời điểm hiện tại, giá cà phê chỉ được thu mua không quá 33.000đồng/kg.

Cà phê là cây trồng có suất đầu tư cao. Để cây cà phê cho năng suất và có thu nhập thì người trồng phải mất rất nhiều công đoạn ngặt nghèo từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hái và bảo quản. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt từng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc ở mỗi giai đoạn sinh trưởng. 

Do suất đầu tư cao, trong khi phần lớn người dân ở Mường Ảng không có vốn để đầu tư nên phần lớn người dân phải vay vốn của ngân hàng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí làm cỏ. Theo con số thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Mường Ảng, đến thời điểm 31/12/2013, tổng dư nợ của ngân hàng đạt gần 323 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với năm 2012. Trong số gần 700 khách hàng vay vốn, phần lớn là đầu tư cho cây cà phê. Tuy nhiên, do giá cà phê ở thời điểm này xuống thấp, nhiều gia đình làm ăn thua lỗ, không có điều kiện trả nợ nên khả năng sẽ có khoảng 50% số vốn vay phải chuyển sang nợ quá hạn. Cá biệt, Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa đang có số nợ ở nhóm 2 lên tới hơn 70 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ đồng tiền phải trả lãi. Khoảng 1 tháng nữa số nợ trên sẽ bị ngân hàng chuyển sang nhóm 3 - nhóm nợ xấu. Ông Vũ Tiến Lý - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Mường Ảng cho biết: "Trước tình hình trên, ngân hàng đã đề nghị lên huyện để có giải pháp tháo gỡ cho bà con nhân dân. Bởi vì, đến hết tháng 6 năm 2014 này là hết thời hạn cơ cấu nợ và điều chỉnh kỳ hạn; không có gì thay đổi thì nhiều khách hàng sẽ gặp khó khăn."

Đầu tư cho cây cà phê đang được người ta ví như đầu tư vào chứng khoán. Giá cà phê thì phụ thuộc vào thị trường chung của thế giới. Do đó, không ai có thể biết trước được tương lai sẽ ra sao và số phận của cây cà phê trong những năm tiếp theo sẽ đi đến đâu. Đương nhiên cũng không ai mong muốn những cơn sốc giá sẽ tiếp tục diễn ra như thời gian vừa qua.

Dù có như thế nào đi chăng nữa thì việc thắng lợi hay thất bại đối với những ai đã và đang gắn bó với cây cà phê ở Mường Ảng thì đã rõ. Trong dân, đã có hộ phải tính đến chuyện bán tháo diện tích cà phê hiện có để thanh toán nợ nần. Những ai còn kiên định lập trường, muốn bám trụ để hy vọng một ngày giá cả sẽ lên cao và ổn định thì đang nghiêm túc cân nhắc lại việc có nên tiếp tục mở rộng diện tích cà phê nữa hay không. Còn đối với huyện Mường Ảng, nếu không tiếp tục mở rộng diện tích theo từng giai đoạn thì sẽ đi ngược lại định hướng chung, vì đây là cây mũi nhọn của địa phương này./.

 

Minh Thịnh - Huy Long

.