Yếu tố quyết định thành công của các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Thứ Năm, 02/01/2014, 18:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đem lại tư liệu sản xuất, nâng cao năng lực cho nông dân, đó là chìa khóa để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng nông thôn. 5 năm trở về đây, nông dân Điện Biên đã được nhiều chương trình dự án hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hỗ trợ của các chương trình dự án mới chỉ là bước đầu, giúp người dân tiếp cận được với tư liệu sản xuất và phương thức canh tác mới. Sự chủ động, linh hoạt tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới là yếu tố quyết định.

b
Cây cà phê trên đất Quài Cang, huyện Tuần Giáo.

Năm 2013 chương trình hỗ trợ ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam hỗ trợ nông dân các xã Tỏa Tình, Chiềng Sinh và Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) trồng 25 ha cây cà phê. Với phương thức hỗ trợ ngân sách ngành, chương trình đã hỗ trợ kinh phí cho ngành NN&PTNT Điện Biên cung cấp cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân.

Các xã Tỏa Tình, Quài Cang, Chiềng Sinh, Quài Nưa được huyện Tuần Giáo quy hoạch là vùng trồng cà phê của huyện. Tuy nhiên, hầu hết diện tích cây cà phê do người dân tự học hỏi kinh nghiệm và bỏ vốn đầu tư, đều không đạt hiệu quả như mong muốn. Do trồng cà phê trên diện tích nương đồi bị hoang hóa, chất lượng đất kém, mà kỹ thuật trồng và chăm bón cà phê của người nông dân lại chưa đáp ứng được yêu cầu, nên cây cà phê phát triển kém, chất lượng cũng như sản lượng quả không cao. Với mục tiêu giúp người nông dân xây dựng mô hình trồng cây cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên đã giao kinh phí cho các đơn vị chuyên ngành của sở và huyện Tuần Giáo thực hiện Dự án hỗ trợ nông dân các xã Tỏa Tình, Chiềng Sinh và Quài Cang trồng cây cà phê. Năm 2012 nông dân xã Quài Cang được hỗ trợ trồng 7 ha cà phê. Được tập huấn kỹ thuật đào hố, hạ băng và quy trình chăm sóc cây cà phê trên đất dốc, đất hoang hóa, các hộ gia đình tham gia dự án không chỉ chăm sóc tốt diện tích cà phê được dự án hỗ trợ, mà còn chăm sóc tốt hơn cho các diện tích cà phê tự đầu tư trước đây.

Thấy nhiều hộ nông dân huyện Mường Ảng làm giàu từ cây cà phê, và địa phương cũng có chủ trương đưa cây cà phê thành một trong những loại cây công nghiệp chủ đạo của huyện, năm 2010 gia đình ông Lò Văn Chính, bản Sáng, xã Quài Cang, đã tự học hỏi người quen ở huyện lân cận, chuyển đổi 2 ha nương trồng sắn sang trồng cây cà phê. Tuy nhiên, do đất nương canh tác lâu năm theo phương pháp truyền thống phụ thuộc vào tự nhiên đã bạc màu, nên tới năm thứ tư cây cà phê mới cho quả bói. Không những thế, do thiếu chất và do không được phòng và trị bệnh hại kịp thời, nhiều gốc cà phê đã có hiện tượng vàng héo và nhiễm rỉ sắt. Từ khi tham gia dự án trồng cà phê do Chương trình hỗ trợ ngành NN&PTNT Việt Nam hỗ trợ, ông Chính đã học được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về trồng và chăm sóc cây cà phê. Không những thế, đồi cà phê của gia đình ông còn thường xuyên được cán bộ khuyến nông đến kiểm tra thường xuyên. Khi cây cà phê có hiện tượng thiếu chất hay nhiễm bệnh hại, gia đình kịp thời tìm biện pháp chăm sóc, phòng chống bệnh. Đồi cà phê gia đình ông Chính được dự án hỗ trợ mới được trồng từ tháng 7/2012, đến nay đã cho quả bói. Còn diện tích cà phê năm thứ tư do gia đình tự đầu tư trước đây cũng đã được chăm sóc tốt hơn.

b
Yếu tố quyết định sự thành công của các chương trình, dự án được triển khai một phần phụ thuộc vào sự chủ động, tích cực của người nông dân. (Trong ảnh: Cán bộ, người dân xã Mường Phăng, Pá Khoang, huyện Điện Biên tham quan mô hình trồng cây đậu tương xen cây đào chín sớm).


Trong điều kiện thiếu kiến thức và kỹ thuật canh tác, người nông dân vùng cao rất cần đến các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và họ cũng rất hồ hởi khi đón nhận sự hỗ trợ của dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tập quán sản xuất cũ, một số dự án cũng đã gặp phải khó khăn khi triển khai tới cơ sở. Dự án trồng đậu tương xen cây đào chín sớm ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là một ví dụ tiêu biểu.

Dự án trồng đậu tương xen cây đào chín sớm được cho là dự án có tính khả thi cao, vừa giúp cải tạo đất cho vườn cây ăn quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác. Tuy nhiên, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên triển khai đưa mô hình tới hai xã Mường Phăng và Pá Khoang, rất nhiều hộ dân đã băn khoăn về hiệu quả thực tế của mô hình này. Sau một thời gian được chính quyền địa phương và nhóm thực hiện dự án vận động, đã có trên 60 hộ gia đình thuộc 4 bản của 2 xã tham gia. Dự án được thực hiện trong vòng 4 tháng. Ngoài hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn trực tiếp hướng dẫn người dân từ khâu làm đất, gieo hạt đến quá trình chăm sóc đậu tương. Sau 4 tháng triển khai mô hình đã đạt kết quả tốt. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình, năng suất đậu tương được trồng đúng kỹ thuật và bón phân đủ lượng đạt trên 19 tạ/ha. Trừ chi phí sản xuất mỗi hộ gia đình sẽ có thu nhập khoảng 12 triệu đồng/ha. Mô hình đậu tương trồng xen cây đào chín sớm tại hai xã Mường Phăng và Pa Khoang được trồng thí điểm vào vụ hè thu đã đạt được kết quả tốt. Thành công này đã làm thay đổi quan niệm: cây đậu tương chỉ có thể trồng vào vụ thu đông của người dân địa phương.

Người nông dân chưa chủ động tiếp nhận các biện pháp canh tác mới, hoặc chưa biết cách cải tạo đất để canh tác hiệu quả, cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến cho hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bị ảnh hưởng. Sau khi dự án kênh nội đồng Hồ chứa nước Na Hươm tại xã Na Tông, huyện Điện Biên hoàn thiện được 50% các hạng mục công trình, người dân xã Na Tông đã khai hoang được 30 ha ruộng nước. Ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng của người nông dân. Nếu canh tác tốt, diện tích ruộng nước 2 vụ này sẽ giúp cải thiện đáng kể nhu cầu lương thực của các hộ gia đình. Vui vì được nhà nước hỗ trợ xây dựng kênh mương để khai hoang ruộng nước, tuy nhiên, nhiều hộ dân bản Na Tông, xã Na Tông vẫn băn khoăn cho rằng đất bãi khai hoang không thể canh tác được.
 
Nguyên do những băn khoăn của nông dân bản Na Tông xuất phát từ vụ lúa đầu tiên trên đất khai hoang không thành công như mong muốn. Rất nhiều mảnh ruộng lúa bị vàng lá và héo úa. Thấy lúa bị vàng úa, các hộ nông dân ở đây đã tìm đủ mọi loại thuốc trừ sâu để phun trừ, nhưng lúa vẫn héo. Kết quả kiểm tra của cán bộ chuyên môn cho thấy, do đất mới khai hoang chưa được cải tạo, có nhiều độc tố và độ pH cao, nên cây lúa chưa thể sinh trưởng, phát triển tốt được.

Nếu hiểu rõ nguyên do vì sao những ruộng lúa trên đất mới khai hoang bị úa vàng, chắc hẳn người nông dân xã Na Tông đã không băn khoăn nhiều với việc tiếp tục khai hoang ruộng nước. Dự án xây dựng kênh mương nội đồng ở Na Tông thực sự đã giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất. Tuy nhiên sử dụng tư liệu sản xuất đó sao cho hiệu quả vẫn còn là một quá trình. Quá trình đó nhanh hay chậm phụ thuộc một phần vào sự chủ động, tích cực của các hộ  nông dân.
 
Đem lại tư liệu sản xuất, nâng cao trình độ canh tác cho nông dân để đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, là mục tiêu cuối cùng của các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng nông thôn. Tuy nhiên, sự chủ động, tích cực của người nông dân trong việc tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật và biện pháp canh tác mới vào sản xuất, mới là yếu tố quyết định mức độ thành công của các chương trình dự án được triển khai.   
 

 

Minh Giang – Trọng Lâm

.