Chuyện cây rau ở lòng chảo Mường Thanh

Thứ Năm, 16/01/2014, 16:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Huyện Điện Biên là vùng trọng điểm lúa của tỉnh và cả vùng Tây Bắc với cánh đồng Mường Thanh rộng lớn. Không chỉ làm chủ vựa lúa hai mùa trĩu bông, mà bà con vùng lòng chảo còn là những nông dân rất cần mẫn làm vườn, trồng rau với trình độ thâm canh cao. Rau xanh các loại của vùng lòng chảo, chủ yếu là ở huyện Điện Biên, trở thành nguồn cung chính cho nhu cầu của thành phố và tỏa đi các huyện, thị khác trong tỉnh, thậm chí có một số loại rau còn được tư thương chuyên chở về Thủ đô để tiêu thụ. Thâm canh rau xanh từ lâu đã trở thành nghề và thu nhập rất đáng kể của hàng trăm hộ gia đình ở huyện Điện Biên. 

n

Ở thành phố, nơi quỹ đất hạn hẹp, người ta ao ước có được một khoảnh vườn nho nhỏ để trồng vài luống rau, chăm chút thay cho đi bộ mỗi chiều. Còn với những người nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh thì vườn rau, ao cá là cần cù, là miệt mài ngày đêm, là thu nhập để sống khỏe. Vì đó là lao động gần gũi với tự nhiên và mang lại nhiều lợi ích.
    
Ngoài làm lúa ruộng 2 vụ, gia đình anh Đỗ Văn Thành, đội 8, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên còn có trên 1.500m2 vườn nhà, vợ chồng anh quanh năm bận bịu với cây rau màu, mùa nào cây ấy. Anh Thành cho biết, làm rau tuy vất vả, tốn nhiều công sức đầu tư, chăm sóc nhưng bù lại cho thu nhập đều và hơn nhiều lần làm lúa. Rau, củ, quả quanh năm làm ra rất dễ bán; ngoài nhu cầu tiêu thụ ở trong tỉnh thì một số loại rau được tư thương chuyên chở về Hà Nội tiêu thụ như: cải ngồng, cải làn... Với mảnh vườn này, gia đình anh Thành thu nhập từ các loại rau được khoảng trên 40 triệu đồng một năm. Khoản thu nhập này cộng thêm nguồn thu từ làm lúa 2 vụ đã giúp gia đình anh đủ để trang trải cuộc sống thường nhật và nuôi con cái ăn học chuyên nghiệp.
 
Không chỉ gia đình anh Thành, ở xã Thanh Xương nói riêng và ở huyện Điện Biên nói chung, hàng trăm hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng từ làm vườn trồng rau. Trồng rau đã trở thành một nghề cho thu nhập ổn định của nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh và cũng chính nhờ những hộ nông dân làm rau mà thành phố Điện Biên Phủ luôn có nguồn cung rau, củ, quả dồi dào chẳng kém các vùng miền ở đồng bằng sông Hồng, thậm chí, rau của nông dân Điện Biên đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.
    
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm, phù sa màu mỡ, đã từ lâu huyện Điện Biên được mệnh danh là "vương quốc rau" của tỉnh Điện Biên. Nghề trồng rau màu ở đây hình thành khá lâu đời, nông dân lại có nhiều kinh nghiệm nên đến nay phát triển theo hướng chuyên canh tập trung với số lượng lớn ở hầu hết các xã trong huyện. Thực tế không phải bàn cãi đó là: rau là cây xóa nghèo nhanh nhất của bà con nông dân huyện Điện Biên. Diện tích trồng rau màu thực phẩm ở huyện ngày càng mở rộng. Đến cuối năm 2013, huyện Điện Biên có tổng diện tích gần 2.000 ha, trong đó các xã vùng lòng chảo có trên 1.500 ha; các xã vùng ngoài chỉ có gần 500 ha. Xã trồng nhiều rau nhất là Thanh Luông, với hơn 200 ha; xã Noong Luống gần 160 ha; các xã như: Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên... mỗi xã có trên dưới 150 ha. Rau màu ở huyện Điện Biên được trồng ở cả 3 vụ: xuân, thu và rau vụ đông. Năng suất bình quân các loại rau ổn định và không thua kém các vùng miền dưới xuôi. Rau cải bắp năng suất đạt khoảng 30 đến 35 tấn/ha; su hào đạt 20 đến 30 tấn/ha; rau cải các loại năng suất đạt từ 20 đến 40 tấn/ha; cà chua từ 8 đến 15 tấn/ha; đậu đỗ các loại đạt từ 17 đến 30 tấn/ha; các loại hành, tỏi đạt từ 12 đến 20 tấn/ha...vv.

n
Nông dân xã Sam Mứn, huyện Điện Biên thu hoạch rau màu vụ đông.


Các cấp ủy, chính quyền, các phòng ban chuyên môn huyện Điện Biên trong những năm qua đã thực hiện công tác quy hoạch, phát triển vùng sản xuất rau màu của huyện. Huyện đã cơ bản hình thành các khu chuyên trồng các loại rau. Tập trung chuyển đổi hàng chục ha cây trồng kém hiệu quả và tận dụng các bãi bồi ven sông suối để trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chủ trương phát triển cây rau màu trên địa bàn cho thấy, các xã phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn như: Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn cho nông dân về chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất rau màu.

Trong nhiều năm qua, sản phẩm rau màu của huyện Điện Biên đã được vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, với sản lượng hàng ngàn tấn rau các loại mỗi vụ. Nhiều hộ trồng rau đã có thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác và bước đầu đã có cuộc sống ổn định. Trồng rau màu đòi hỏi nhiều công lao động nhưng bù lại hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Điện Biên, trên cùng một đơn vị diện tích, lợi nhuận từ trồng màu cao gấp 3 – 5 lần so với trồng lúa tùy theo loại rau màu. Nhiều nông hộ ở vùng chuyên canh màu của huyện Điện Biên, dù có diện tích ít nhưng nhờ trồng màu "chuyên nghiệp" đã "ăn nên, làm ra", nuôi con ăn học thành đạt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ nông dân làm rau ở vùng lòng chảo Mường Thanh rất am hiểu về thời vụ và thị trường tiêu thụ rau. Do đó, cây rau màu của huyện Điện Biên được làm ra có sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Người trồng màu xác định được loại cây màu và thời vụ trồng trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên của khu vực để có thể bán được giá, không để xảy ra tình trạng "dội chợ". Cây rau màu, nếu không xác định đúng chủng loại và thời vụ trồng, người trồng dễ bị rủi ro bởi tình trạng "chính vụ - dội chợ - rớt giá". Do vậy, các "lão nông tri điền" gắn bó lâu năm với cây màu gần như nắm được quy luật giá cả các loại rau màu trong năm để quyết định chủng loại và thời gian trồng. Nhờ áp dụng các tiến bộ mới trong trồng rau màu như phủ bạt, giàn leo bằng lưới, lưới che bớt ánh sáng, lưới giảm tác hại do mưa… nên nông dân đã chủ động được thời vụ gieo trồng, đạt được năng suất và chất lượng.
    
Hiệu quả của việc trồng rau màu ở huyện Điện Biên là điều đã được thực tế khẳng định và đã, đang được hàng ngàn hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, việc trồng rau màu ở huyện Điện Biên cũng còn những hạn chế nhất định từ phía nông dân và cả ở cơ chế, chính sách cho người trồng rau của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện tại, diện tích rau màu của nông dân huyện Điện Biên mới chỉ dừng lại ở mức tự phát là chủ yếu. Rau, củ, quả mới chỉ được trồng tại vườn nhà, còn diện tích chân ruộng 2 vụ rất rộng lớn chưa được tận dụng để trồng rau màu vụ 3. Mặc dù các cơ quan chuyên môn của huyện đã có sự hỗ trợ như: tổ chức được vài buổi tập huấn về kỹ thuật trồng rau cho nông dân, nhưng chừng đó là chưa đủ. Huyện Điện Biên cần phải có sự quy hoạch vùng trồng rau màu chuyên canh kỹ thuật cao, gắn với thương hiệu xuất xứ rau sạch để có thể vươn ra thị trường ngoài tỉnh, tạo thu nhập cao hơn nữa cho nông dân. Qua nhận định thực trạng trong phát triển cây rau màu ở huyện Điện Biên với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghiên cứu đề ra những giải pháp khắc phục để tìm hướng đi nhằm đạt kế hoạch dự án quy hoạch vùng sản xuất rau đến năm 2020 là một việc huyện Điện Biên cần làm. Theo đó, có kế hoạch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng rau, vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau màu, xen canh hai vụ lúa một vụ rau để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật thì cũng cần có sự hỗ trợ về vốn để người dân đẩy mạnh sản xuất rau theo hướng hàng hóa, bền vững và an toàn là những việc cần quan tâm.

 

Kông Thao - Trần Sơn  

.