Cây đậu tương từ ưu thế trở thành yếu thế

Thứ Ba, 09/07/2013, 16:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đậu tương là cây công nghiệp thực phẩm ngắn ngày có giá trị kinh tế cao được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Trong nhiều năm qua, mặc dù tỉnh và huyện đã có nhiều chính sách tác động hỗ trợ khuyến khích phát triển, nhưng đến nay, người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo vẫn chưa thực sự mặn mà với cây đậu tương.

n

Vào những ngày đầu tháng 7/2013, mặc dù thời tiết đang bước vào thời kì cao điểm của mùa mưa lũ, song cán bộ công nhân viên Trạm Giống nông nghiệp huyện Tuần Giáo vẫn tranh thủ những ngày tạnh ráo để sửa chữa kho tàng, dọn dẹp sân bãi chuẩn bị cho vụ thu hoạch cây đậu tương xuân hè. Có hơn 30 ha diện tích đất canh tác, đơn vị đều tập trung dành cho việc sản xuất đậu tương và ngô lai LVN10 cung cấp cho nhân dân sở tại và nhu cầu sử dụng giống của huyện và của tỉnh. Số diện tích đậu tương vụ xuân hè của Trạm giống được gieo trồng từ đầu tháng 4 và cho thu hoạch vào tháng 7. Dự kiến năng suất cây đậu tương vụ xuân hè năm nay bình quân đạt từ 15 đến 18 tạ/ha. Cùng với nhiệm vụ được giao là sản xuất giống ngô, đậu tương, Trạm giống còn chủ động liên kết sản xuất ngô, đậu tương thương phẩm trong dân, cung ứng giống, phân bón NPK theo phương thức trả chậm hàng ngàn tấn/năm. Khi bà con nông dân đến Trạm để nhận giống và phân bón về trồng đã được cán bộ hướng dẫn kĩ thuật từ cách làm đất, thời vụ gieo trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh và cách bảo quản hạt đậu tương sau thu hoạch. Theo đánh giá của cán bộ kĩ thuật Trạm Giống nông nghiệp huyện Tuần Giáo, trong những năm từ 2009 trở lại đây, nhu cầu sử dụng giống đậu tương của nhân dân trong địa bàn huyện không ổn định và có xu hướng giảm dần, trong khi đó thì nhu cầu sử dụng giống ngô lai LVN10 và DK888, DK666 và một số giống ngô khác đang ngày càng tăng lên.

Từ nhiều năm nay, người dân các xã Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Đông, Quài Nưa, Mường Mùn, Mùn Chung được quy hoạch là vùng trọng điểm sản xuất cây đậu tương của huyện Tuần Giáo, do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc thâm canh cây đậu tương. Tuy vậy, trong những năm gần đây, người dân các xã này cũng đã tự cắt giảm diện tích trồng cây đậu tương vụ xuân hè mà chủ yếu là duy trì diện tích trồng cây đậu tương vụ thu đông. Đặc biệt, rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Pú Nhung đã chủ động chuyển diện tích trồng cây đậu tương vụ xuân hè sang trồng cây ngô lai LVN10, một số hộ dân có trồng song với diện tích nhỏ chủ yếu để lấy hạt làm giống cho vụ sản xuất vụ thu đông. Qua thực tế sản xuất cho thấy, cây đậu tương là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, không quá khó tính, rất phù hợp với trình độ canh tác của đại đa số bà con nông dân. Tuy nhiên so với một số loại cây trồng khác như: ngô, lạc, lúa nương… thì cây đậu tương vẫn còn bộc lộ những nhược điểm đó là rất dễ bị sâu bệnh, thời vụ gieo trồng phải đúng quy trình, công việc chăm sóc làm cỏ đòi hỏi tốn nhiều thời gian, nhiều công lao động hơn so với các loại cây trồng khác. Đặc biệt là khâu vận chuyển đậu tương xuân hè từ ruộng về nhà, phơi khô, tách hạt luôn trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Anh Vừ A Khua, bản Kho Bua, xã Pú Nhung, cho biết trồng cây đậu tương mất khá nhiều công lao động, từ thu hoạch ở ruộng rồi vận chuyển về nhà, sau đó phải ra hạt, phơi khô. Vào vụ thời tiết khô ráo thì không sao, chứ những khi ẩm trời không phơi được thì hạt đậu sẽ bị mọc mầm, thối rữa.

Khó khăn trong trồng cây đậu tương vụ xuân hè mà gia đình anh Vừ A Khua gặp phải cũng là tình trạng chung của người nông dân địa phương. Qua một vài vụ sản xuất, gia đình anh Vừ A Khua cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gieo trồng cây đậu tương, có sự so sánh cùng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế đem lại so với các loại cây trồng khác. Đây cũng chính là việc mà người dân phải đưa ra phương án lựa chọn cây ngô lai vào thay thế cây đậu tương xuân hè trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cùng trên đơn vị diện tích. Một trong những khó khăn nữa phải kể đến là khi thu hoạch cây đậu tương vụ xuân hè cũng là lúc bước vào thời kì những tháng cao điểm của mùa mưa bão. Cây đậu tương khi thu hoạch do người dân không có điều kiện phơi phóng bảo quản, hạt đậu tương mất phẩm cấp rất nhanh nên bị tiểu thương ép giá, hoặc hạt đậu tương gặp nước mưa bị thối phải đổ đi.

b
Dù là loại cây công nghiệp ngắn ngày có nhiều ưu thế, song cây đậu tương lại đang trở nên yếu thế so với các loại cây trồng khác ở Tuần Giáo.

 

Thực tế đã chứng minh đậu tương là loại cây dễ trồng, thích ứng với hầu hết các địa bàn trong huyện, trong tỉnh. Đậu tương còn là cây trồng có đầu ra ổn định, đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích phát triển. Hiện nay, Điện Biên có khoảng 130 ngàn ha đất nông nghiệp, trong số này có 60 ngàn ha đất sản xuất lúa nước 2 vụ, còn lại vẫn còn hàng chục ngàn ha có thể trồng đậu tương. Ngoài khả năng trồng trên đất ruộng một vụ, cây đậu tương vụ thu đông còn thích hợp trồng trên vùng đất đỏ bazan, đất bãi, gò đồi nên tiềm năng đất trồng đậu tương còn khá dồi dào. Đây lại là cây trồng không quá khó tính, phù hợp với trình độ thâm canh của bà con nông dân. Về thị trường, hiện nay đậu tương vẫn là nông sản dễ tiêu thụ với giá bán từ 14-18 ngàn đồng/kg tùy chất lượng. Với năng suất 1,5-1,6 tấn/ha, đậu tương vẫn là cây cho thu nhập khá so với một số loại cây trồng khác. Ngoài ưu thế trên, cây đậu tương lại có tác dụng cải tạo đất rất tốt, tỉnh lại có chính sách khuyến khích, hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật càng tạo thêm thuận lợi cho cây trồng này phát triển. Mặc dù vậy đến nay với cây đậu tượng, bà con nông dân chỉ coi là cây trồng thứ yếu, được bố trí trồng trên đất khô hạn, cằn cỗi bạc màu, hoặc trồng xen với cây khác mà ít khi được bố trí quỹ đất thỏa đáng. Tại huyện Tuần Giáo, với loại đất tốt, thuận lợi tưới tiêu được ưu tiên để trồng lúa, ngô; còn lại cây đậu tương chỉ được đưa vào trồng xen, trồng vụ đông. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm chuyên canh cây đậu tương trên một số diện tích liền khoảnh ở các xã: Pú Nhung, Phình Sáng, Rạng Đông, Quài Nưa, Mường Mùn, Mùn Chung.

So với một số cây trồng truyền thống khác như: ngô, đỗ đen, sắn, khoai, lạc thì đậu tương là cây trồng hay bị nhiễm sâu bệnh hơn. Đặc biệt đây là loại cây này ngay từ khi mọc mầm đã có thể bị nhiễm một số bệnh, thời gian sinh trưởng từ khi hạt nảy mầm đến đậu quả thường bị sâu hại. Mặc dù kỹ thuật phòng trừ, các loại thuốc, vật tư phòng, chống sâu bệnh rất sẵn nhưng ít được chú trọng áp dụng. Trong điều kiện sản xuất của người nông dân không chuyên canh, tình hình sâu bệnh hại thường xuyên càng làm ảnh hưởng đến năng suất đậu tương. Hiện nay chỉ có một số giống đậu tương, nếu đầu tư thâm canh cao cũng chỉ có thể đạt năng suất trên dưới 2 tấn/ha. Trong khi đó, bà con nông dân lại sản xuất theo cách tự lựa chọn để giống từ vụ này sang vụ khác nên cây trồng thường thoái hóa, lẫn tạp làm giảm năng suất. Qua thống kê tại các xã cho thấy, nơi nào trồng đậu tương thu hoạch khá mới đạt khoảng gần 2 tấn/ha, còn lại phổ biến 1,5-1,7 tấn/ha. Với mức năng suất này, theo thời giá thị trường hiện nay, một ha trồng đậu tương sẽ cho thu hoạch khoảng 22-25 triệu đồng/ha. Theo tính toán, để sản xuất đậu tương có lãi, mỗi ha phải đạt năng suất trên 2 tấn/ha, đạt giá trị khoảng 28-30 triệu đồng/ha/vụ; sẽ có lãi rất cao khi năng suất đạt 2,5 tấn/ha. Với cách trồng quảng canh, diện tích nhỏ như hiện nay năng suất đậu tương trên địa bàn chỉ đạt 1,5-1,7 tấn/ha nên chưa có sức cuốn hút. Do năng suất thấp, sản lượng ít nên đậu tương chưa tạo được đột phá về khả năng cạnh tranh, khó cuốn hút nông dân, càng khó để mở rộng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

Do quy mô sản xuất nhỏ nhiều hộ không chú ý việc ủ, ra hạt, phơi cất mà thường đắp thành đống, sau ba, bốn ngày mới đem phơi, ra hạt dẫn đến nhiều hạt bị mốc, tỷ lệ hạt kém lẫn tạp nhiều làm cho giá bán không cao. Trong thời gian tới, mỗi địa phương, mỗi hộ nông dân cần thay đổi tư duy, mạnh dạn quy hoạch vùng sản xuất đậu tương có diện tích lớn, để tạo thành vùng chuyên canh. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần đầu tư nghiên cứu, cung ứng giống mới, kỹ thuật thâm canh để đẩy năng suất lên cao. Các cơ quan chức năng sớm tiếp cận với các cơ sở chuyên tiêu thụ, chế biến đậu tương để xây dựng mối liên kết đầu tư kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực để cây đậu tương phát triển bền vững. Từ lợi ích của cây đậu tương mang lại, cần khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng đậu tương trên đất lúa, ngoài tăng lợi nhuận còn giúp cắt đứt nguồn lây lan của dịch bệnh trên lúa, tăng năng suất lúa, hạn chế cỏ dại, cải tạo các đặc tính sinh hoá của đất trong hệ thống luân canh, tăng hiệu quả kinh tế. Nông dân hình thành tổ sản xuất liên kết để tạo vùng sản xuất tập trung hàng hoá thuận lợi cho việc tiêu thụ và khi tiêu thụ không bị ép giá. Khi mở rộng được diện tích trồng luân canh đậu tương với lúa sẽ góp phần nâng cao sản lượng đậu tương trong tỉnh, hạn chế được tình trạng vận chuyển đậu tương từ dưới xuôi lên.
                                                                  

Quang Phong

.