Thăm trang trại vịt lớn nhất Điện Biên

Thứ Ba, 14/05/2013, 07:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm gần đây, người chăn nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro, bất trắc do nạn dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự năng động và cần cù của mình, anh Phan văn Mão, đội 4 Pom Lót, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên lại thành công với mô hình nuôi vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trang trại vịt của anh là mô hình chăn nuôi tập trung điển hình có qui mô lớn nhất ở Điện Biên.
    
Nhìn hai cơ ngơi nuôi vịt với tổng số đàn trên 6.000 con và gần 2.000 m2 ao nuôi cá không ai nghĩ rằng mới hơn chục năm trước, hai anh em trai Phan Văn Mão và Phan Văn Trung quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lên Điện Biên lập nghiệp không nhà cửa mà trong tay chỉ có vài chục con vịt giống mang từ quê lên bán. Ban đầu đất đai không có, vốn liếng ít ỏi, hai anh em tự làm lều, lán ở bờ sông Nậm Rốm để sống bằng nghề bán vịt giống.

b
Anh Mão chăm sóc đàn vịt của gia đình.


Sau một thời gian lăn lộn với nghề, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, năm 2004, anh Mão mạnh dạn vay vốn mua 3.500 m2 đất ở đội 4 Pom Lót để lập trang trại chăn nuôi vịt. Lúc đầu trang trại của anh chỉ nuôi 400 con, giống vịt bầu cánh trắng. Với đức tính cần cù lao động ham học hỏi, chẳng bao lâu anh đã phát triển đàn vịt lên một nghìn con, rồi hai, ba nghìn con vịt đẻ. Lấy ngắn nuôi dài, từ tiền bán trứng và bán vịt thịt anh đã đầu tư đào ao thả cá và lấy chỗ chăn thả vịt. Không dừng ở đó, anh tiếp tục đầu tư làm lò ấp trứng để sản xuất vịt giống phục vụ cho việc tái đàn của gia đình, đồng thời cung cấp vịt giống và làm trứng vịt lộn để bán ra thị trường.

Theo anh Mão, nuôi vịt muốn đạt năng suất và chất lượng cao, người nuôi phải biết theo dõi thời tiết, đồng thời nhìn quả trứng vịt để chọn giống và tăng giảm đàn cũng như tăng giảm lượng thức ăn cho vịt. Đối với vịt nuôi chuồng, điều quan trọng hàng đầu là phòng dịch và vệ sinh chuồng trại. Vịt nuôi tập trung lâu ngày vi trùng tích lũy cao, mầm bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào, nên người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch chích ngừa vaccin cúm gia cầm, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Do vậy mà ngay cả những năm dịch cúm gia cầm H5N1 lan rộng, nhiều đàn gia cầm xung quanh bị tiêu hủy, nhưng nhờ tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất, đặc biệt là nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, nên đàn vịt của gia đình anh không bị ảnh hưởng và vượt qua được những đợt dịch.

b
Cứ 2 ngày anh Mão lại cho 4.000 quả trứng vào lò ấp 1 lần và cứ 2 ngày lại cho ra 1 lứa vịt con với số lượng khoảng trên 3.000 con.


Giống vịt mà gia đình anh Mão đang phát triển hiện nay chủ yếu vẫn là vịt bầu cánh trắng, với tổng đàn duy trì thường xuyên trên 5.000 con vịt đẻ và gần 1.500 con vịt hậu bị. Đàn vịt của gia đình anh mỗi ngày đẻ ra trên 3.000 quả trứng, số trứng vịt này anh cho vào lò ấp khoảng một nửa, còn nửa kia để bán trứng trắng và trứng lộn. Vậy là cứ 2 ngày anh lại cho 4.000 quả trứng vào lò ấp 1 lần và cứ 2 ngày lại cho ra 1 lứa vịt con với số lượng khoảng trên 3.000 con. Theo khung giá thị trường hiện nay, anh bán đổ là 9.000 đồng 1 con vịt giống. Nên 2 ngày anh thu được gần 30 triệu đồng tiền bán vịt giống, trên chục triệu đồng tiền bán trứng trắng và bán trứng vịt lộn. Vịt giống anh trao cho khách hàng theo yêu cầu đặt, còn trứng trắng và trứng vịt lộn chủ yếu đóng thùng vận chuyển đi các huyện, các tỉnh lân cận và cả các tỉnh Bắc Lào.  

Trại vịt của anh thường xuyên có 1 người giúp việc trông coi đàn vịt với mức lương 4 triệu đồng một tháng, sau mùa thu hoạch anh thả vịt ra đồng thì phải thuê tới 3 người chăn vịt. Sau khi trừ chi phí từ cám, nhân công và tiền điện, có ngày gia đình anh thu khoảng trên dưới 15 triệu đồng từ trang trại vịt.
    
Hiện nay khu vực lòng chảo Điện Biên đã có tới hàng trăm hộ chăn nuôi vịt tập trung với qui mô từ 200 con trở lên, chủ yếu ở các xã phía kênh hữu thủy nông Nậm Rốm, vì khu vực này có nhiều ao hồ nên rất thuận lợi. Song trang trại vịt của gia đình anh Mão được xem là mô hình điển hình tiên tiến hiệu quả nhất của Điện Biên được nhiều hộ nông dân học hỏi và làm theo.
                                

Thanh Trúc – Phạm Thọ

.