Phân viên nén nhả chậm – Giải pháp mới trong canh tác lúa nước
Điện Biên TV - Trong vụ chiêm xuân 2013, đã có nhiều hộ nông dân, trong đó có một sốhộ nghèo thuộc huyện Điện Biên được thử nghiệm phương pháp bón phân viên nén dúi sâu, hay còn được gọi là phân viên nén nhả chậm cho lúa. Với phương pháp này, người nông dân đã giảm đáng kể chi phí mua phân bón, ngày công lao động, giảm hao hụt phân và tăng năng suất lúa.
Ông Quàng Văn Tài, bản Nà Ngám 3, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên cho biết: Gia đình ông có gần 2000 m2 ruộng, thời gian trước, trong một vụ canh tác, ông phải bón phân nhiều lần và năng suất lúa thường không cao. Vụ chiêm xuân này, gia đình ông đăng ký khoảng 1.500 m2 ruộng lúa sử dụng phân viên nén nhả chậm, do Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH Nguyễn Minh Hoàng hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp vật tư. Để có kết quả so sánh, ông đã dành một thửa ruộng thấp hơn để bón phân theo cách thông thường. Nếu như các vụ trước, thửa ruộng thấp nhất có năng suất cao hơn thì với vụ chiêm xuân này, thực hiện phương pháp bón phân mới, thửa ruộng thấp này cây lúa phát triển không bằng những thửa còn lại được bón bằng phân viên nén nhả chậm.
![]() |
So sánh giữa cây lúa bón phân bằng phương pháp thông thường và sử dụng phân viên nén nhả chậm. |
Tại khu vực C2 Yên Trường, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, được sự giúp đỡ hướng dẫn về kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật và hỗ trợ nguồn phân viên nén nhả chậm của Công ty TNHH Nguyễn Minh Hoàng, hơn 1 ha lúa chiêm xuân được thử nghiệm sử dụng phân viên nén nhả chậm đã cho thấy những kết quả đáng mừng. Khóm lúa to, cây lúa phát triển rất khỏe, bông đều, lượng hạt nhiều và chắc. Dù còn khoảng hai chục ngày nữa mới đến thời kỳ thu hoạch, nhưng qua quan sát đã thấy rõ tính nổi trội của những thửa ruộng sử dụng phân viên nén nhả chậm với những thửa ruộng sử dụng phân bón thông thường.
Thực tế, hầu hết các đồng đất canh tác lâu năm ở nước ta nói chung, ở tỉnh Điện Biên nói riêng đều có hiện tượng chua, việc áp dụng biện pháp bón phân vãi, bón phân không cân đối dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón thấp, trong đó đạm, lân và ka li là những yếu tố thất thoát nhiều nhất qua con đường rửa trôi, bốc hơi, thấm sâu, vi sinh vật phân giải và cỏ dại. Phân viên nén nhả chậm được trường Đại học Nông nghiệp Hà nội nghiên cứu, sản xuất và đã được áp dụng tương đối rộng rãi trên phạm vi cả nước trong khoảng 3 năm qua đã khắc phục được những hạn chế của cách phân bón thông thường như: Viên phân không bị bở, khó vỡ, khi bón không bị thất thoát do các yếu tố như rửa trôi, bốc hơi, thấm quá sâu. Đồng thời sử dụng phân viên nén nhả chậm, sẽ điều tiết được quá trình nhả chậm phù hợp đối với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng.
![]() |
Nông dân thực tế phân viên nén nhả chậm. |
Theo tính toán của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và qua thực tế sử dụng phân viên nén nhả chậm cho thấy, mỗi một vụ lúa, người nông dân sẽ phải mất khoảng 200.000 đồng tiền phân bón vô cơ cho một sào (360m2) và phải mất ít nhất 2 lần bón thúc phân cho đến khi thu hoạch. Trong khi đó, nếu thực hiện phương pháp bón phân viên nhả chậm, người nông dân chỉ mất khoảng hơn 100 nghìn đồng và chỉ cần bón 1 lần cho một vụ lúa. Một ưu điểm khác là sử dụng phân viên nén nhả chậm cây lúa đẻ nhánh khoẻ, tập trung, chịu sâu bệnh khá, năng suất tăng từ 20-28%. Kết quả đạt được trong vụ chiêm xuân đã làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nhiều nông dân huyện Điện Biên, Tuần Giáo và Mường Ảng.
Nhâm Hòa – Ngọc Bích