Phát triển cây cao su ở Tuần Giáo – những tín hiệu đáng mừng
Điện Biên TV - Sau hơn 4 năm triển khai Dự án phát triển cây cao su ở Tuần Giáo bước đầu đã cho những tín hiệu tốt, trong đó điều cần ghi nhận là đã góp phần tăng diện tích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa cải tạo môi trường cho khu vực, góp phần thúc đẩy cao su phát triển. Ngoài ra, cây cao su còn tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc các xã dự án trên địa bàn.
Huyện Tuần Giáo được đánh giá là địa phương có tiềm năng về điều kiện tự nhiên, khí hậu và chất đất thích hợp để phát triển cây cao su. Vì vậy, UBND tỉnh đã cùng các sở, ban, ngành liên quan thống nhất chủ trương triển khai dự án trồng cây cao su trên địa bàn. Năm 2008, cây cao su chính thức được đưa vào trồng trên địa bàn huyện với hình thức người dân đóng góp cổ phần bằng đất đã được nhà nước giao. Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển cây cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 trên phạm vi toàn tỉnh, đến nay Nông trường Cao su Tuần Giáo đã trồng hơn 794 ha ở các xã Nà Sáy, Mường Thín, Mường Mùn và Mùn Chung. Do phần lớn diện tích đất dành cho trồng cao su màu mỡ cộng với thời tiết ổn định, đá sỏi ít… nên cây cao su sinh trưởng và phát triển nhanh.
Nông trường Cao su Tuần Giáo được thành lập từ năm 2011 để thực hiện nhiệm vụ phát triển cao su trên địa bàn 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng với 5 xã, 19 bản bao gồm xã Ảng Tở (huyện Mường Ảng), Nà Sáy, Mường Thín, Mường Mùn, Mùn Chung (huyện Tuần Giáo). Nông trường quản lý chỉ đạo 6 đội sản xuất với diện tích gần 960 ha. Ðến nay, nông trường đã tiếp nhận gần 100 lao động địa phương vào làm công nhân và sử dụng khoảng 200 – 300 người, chủ yếu là người địa phương hợp đồng theo thời vụ. Thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện, đạt từ 100 – 150.000 đồng/ngày công, mức lương trung bình khoảng ba triệu đồng/người/tháng, chưa tính thu nhập xen canh các loại cây ngắn ngày. Nhiều lao động địa phương được nhận khoán trồng cao su trở thành công nhân đã thoát nghèo.
![]() |
Công nhân Nông trường Cao su Tuần Giáo chăm sóc cây cao su |
Hiện nay, Nông trường Cao su Tuần Giáo đang tích cực tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su cho các hộ nông dân theo chính sách của tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung chuyển giao kỹ thuật như cơ cấu giống, thời vụ trồng; kỹ thuật làm đất, đào hố, kỹ thuật trồng cao su; trồng các cây xen canh… vv. Sắp tới, việc xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần cao su Điện Biên sẽ còn góp phần tạo việc làm ổn định và từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 25/QĐ-UBND/ 2008 của UBND tỉnh (nay là Quyết định số 16/QĐ-UBND/2011), UBND huyện Tuần giáo quan tâm, ứng vốn kịp thời thanh toán cho người dân. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hộ gia đình tại xã Nà Sáy chưa được thanh toán hết phần tiền hỗ trợ, địa bàn hoạt động sản xuất rộng, dàn trải, phân tán, chia cắt gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Thêm vào đó là trình độ dân trí không đồng đều, ngôn ngữ các dân tộc khác nhau nên việc tuyên truyền vận động gặp nhiều khó khăn. Tập quán chăn thả gia súc, giữ đất làm nương trồng cây lương thực ảnh hưởng đến sự liền vùng liền khoảnh cũng là những hạn chế gây ảnh hưởng đến công tác phát triển trồng cao su.
![]() |
Cây cao su phát triển xanh tốt trên địa bàn huyện Tuần Giáo, hứa hẹn nhiều triển vọng. |
Ðể đưa cây cao su phát triển theo đúng định hướng, phù hợp quy hoạch, Nông trường cao su Tuần giáo đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện tốt công tác phòng chống cháy những tháng khô hanh, thường xuyên kiểm tra không để tình trạng gia súc vào phá hoại vườn cây. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển cây cao su để người dân nhận thức rõ vườn cây cao su không chỉ là tài sản của nhà nước mà còn là tài sản của người dân địa phương. Giao khoán vườn cây cho công nhân, người dân để bảo vệ vườn cây một cách hiệu quả, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ cây cao su. Đẩy nhanh quá trình khai hoang, mở rộng thêm diện tích. Tuyên truyền để các hộ gia đình có đất đã đo quy chủ nhưng chưa góp đất bàn giao mặt bằng cho nông trường để tạo sự liền vùng liền khoảnh lô đồi, tăng diện tích vườn cây và thuận lợi trong quản lý, bảo vệ vườn cây. Phối hợp với xã, bản triển khai công tác giao khoán chăm sóc vườn cây cho từng hộ gia đình, tiến hành các hạng mục làm chung gọn từng lô đồi, đảm bảo nhanh gọn và thanh toán kịp thời cho người dân. Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân, thanh toán chi trả công khai kịp thời tiền công lao động cho người dân, công nhân. Họp bản tuyên truyền các chế độ chính sách, phổ biến đơn giá nhân công, thu hút lao động qua nhiều hình thức. Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển cây cao su, nông trường cao su Tuần giáo cũng cần nắm vững phong tục, tập quán của địa phương, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân, dựa vào cán bộ cơ sở, uy tín của già làng, trưởng dòng họ tuyên truyền vận động người dân về lợi ích mà cây cao su mang lại tạo sự đồng thuận để nhân dân tham gia góp đất phát triển cao su. Tăng cường mối quan hệ gắn bó, giao lưu, thân thiện với người dân địa phương sở tại để tạo mối quan hệ gần gũi, không gây hiềm khích trong nhân dân để người dân thực sự tin tưởng.
Sau gần 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã thu được những kết quả quan trọng. Lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội trong vùng quy hoạch đã nói lên vị trí, vai trò tích cực của cây cao su trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh ta nói chung, huyện Tuần giáo nói riêng tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia góp đất trồng cao su nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, kế hoạch và mục tiêu phát triển cây cao su đã đề ra.
Lường Hương – Ngọc Bích