Nuôi gà ta thả vườn, đồi – mô hình cần được nhân rộng ở Thanh Minh

Chủ Nhật, 24/02/2013, 08:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cuối 2012 vừa qua, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ đã được trường Cao đẳng Nghề tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà đồi. Ngoài việc được phổ biến kiến thức, bà con nông dân tham gia lớp tập huấn còn được đầu tư giống gà, thức ăn và thuốc phòng trừ bệnh cho gà để bà con được thực hành. Mô hình thực hành thí điểm nuôi thả gà đồi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay nhiều thành viên tham gia tập huấn ở xã Thanh Minh đã tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi gà ta thả vườn, đồi.

Gà TM
Chăm sóc gà giống con

Một trong 2 mô hình thực hành thí điểm của lớp học được đặt tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh. Theo nhận định của bà con tham gia mô hình: việc chăn nuôi gà ta theo hình thức thả vườn, đồi và chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn đã có hiệu quả rõ rệt. Một mô hình với 60 con, nuôi trong 3 tháng, tỷ lệ sống đạt 80%, khi xuất bán gà trống đạt từ 1,5 - 1,7kg; gà mái đạt từ 1,2 đến 1,5 kg, lợi nhuận mỗi mô hình đạt khoảng 7 triệu đồng. Như vậy, nếu mỗi hộ đầu tư chỉ với 60 con, cộng thức ăn và thuốc phòng, trừ bệnh với tổng kinh phí khoảng 4 triệu đồng thì trong 3 tháng đã cho thu nhập 7 triệu đồng. Một năm nuôi được từ 3 đến 4 lứa thu nhập  sẽ đạt từ 20 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, bà con chỉ cần tranh thủ thời gian nhàn rỗi để chăm sóc.

Việc chăn nuôi gà ta thả vườn, thả đồi đối với  bà con nông dân nơi đây mặc dù không còn xa lạ, nhưng để chăn nuôi có kỹ thuật thì hầu như ít có hộ áp dụng. Một phần là do bà con chưa coi trọng việc phát triển kinh tế bằng hình thức này, phần là vì bà con chưa nắm được quy trình kỹ thuật. Do đó, từ bao đời nay, các hộ ở đây đều có chăn nuôi gà ta, có điều kiện về diện tích vườn, đồi để thả, nhưng không chú trọng việc chăm sóc nên việc nuôi gà ở đây chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Lượng gà thương phẩm hàng năm của xã không đáng kể.

Thanh Minh là xã khó khăn về điều kiện về diện tích đất chăn thả gia súc do quỹ đất đã bị thu hẹp, đất sản xuất không thể mở rộng, sản xuất lâm nghiệp có hạn chế thì việc tập trung đầu tư chăn nuôi lợn, thủy sản và gia cầm là giải pháp hữu hiệu. Trong đó, chăn nuôi gà ta theo hình thức thả vườn, thả đồi có ưu thế hơn bởi: xã có điều kiện về diện tích vườn, đồi quanh nhà, giống gà phần lớn đã có sẵn, kỹ thuật đã được tập huấn và vốn đầu tư không nhiều. Việc chăn nuôi gà ta thả đồi cũng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây xác định là hướng đi mới để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Gà TM
Mô hình nuôi gà thả đồi đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi ở Thanh Minh.


Nuôi gà ta theo hình thức thả vườn, đồi ở Thanh Minh đã hình thành từ lâu đời và hiện nay đang bắt đầu được bà con tập trung chăn nuôi có quy mô hơn. Ngoài việc áp dụng quy trình kỹ thuật từ việc: Làm chuồng, trại, khoanh vùng chăn thả, làm hoặc mua sắm các dụng cụ chăn nuôi cho đến việc chọn giống, thức ăn, thuốc phòng, trừ bệnh… bà con nông dân nơi đây cũng đã quan tâm đến việc thăm dò, khảo sát thị trường để lựa chọn số lượng gà nuôi phù hợp với nhu cầu nhằm tránh gặp phải những khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Từ những điều kiện sẵn có của địa phương, kết hợp với việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi lẫn nhau, việc chăn nuôi gà ta thả đồi ở Thanh Minh sẽ có hiệu quả thiết thực. Bà con cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế theo hình thức này, làm sao để xã có nhiều mô hình gà đồi hơn, mỗi mô hình ngày càng có quy mô lớn hơn và chất lượng hơn.

 

Lê Dung

.