Điện Biên Phủ mời gọi
Điện Biên TV - Điện Biên là tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam được tách ra từ tỉnh Lai Châu vào năm 2004. Tỉnh có diện tích tự nhiên rộng gần 10 ngàn km2. Dân số hơn 50 vạn người với 19 dân tộc sinh sống. Đông nhất là dân tộc Thái hơn 20 vạn, dân tộc Mông gần 20 vạn, dân tộc Kinh hơn 10 vạn còn lại là các dân tộc khác.
Một góc thành phố Điện Biên Phủ |
Là tỉnh nông nghiệp, Điện Biên có tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 32% trong cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp có vị trí hết sức quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và an toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng và các chính sách của nhà nước, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tích vượt bậc. Đến nay tỉnh đã cân đối được lương thực, một phần dành làm hàng hóa, năng xuất lúa bình quân toàn tỉnh Điện Biên đã đạt gần 10 tấn ha/năm. Vùng chuyên canh lúa hàng hóa đạt gần 20 tấn/ha/năm. Trong những năm gần, đây tỉnh đã chú trọng phát triển cây cà phê chè tại một số huyện như Mường Ảng, Tuần Giáo và huyện Điện Biên. Cà phê đã và đang mở ra triển vọng mới trong việc đa dạng hóa cây trồng để xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Hiện Điện Biên đã có hơn 4.000 ha cà phê chè Ca Ty Mo, là loại cà phê đang được thế giới ưu chuộng, đã và đang được một số nước Đông Âu, Nhật Bản dự kiến đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Điện Biên cũng đang quy hoach tập trung phát triển cây cao su. Đến nay cây cao su Điện Biên đã đạt được hơn 4.000ha, những ha trồng cách đây 4 năm chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên. Trồng cây cao su đã đem lại việc làm, thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững cho nông dân theo chương trình cam kết của Chính phủ Việt nam với Liên hợp quốc.
Tập đoàn cây cà phê , cây cao su và cây chè đã và đang là hướng đi mới của nông nghiệp Điện Biên trước mắt và tương lai. Điện Biên là tỉnh còn nhiều tiềm năng đang cần sự đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Điện Biên có thế mạnh về đất đai, 75% diện tích là đất lâm nghiệp để phát triển tập đoàn cây công nghiệp như: Cà phê, cao su, chè và chăn nuôi đại gia súc. Điện Biên có tiềm năng về công nghiệp như: Khai khoáng, phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Là tỉnh có tiềm năng du lịch bao gồm: Quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, du lịch sinh thái với nhiều hang động, mỏ nước khoáng nóng; 19 dân tộc với các truyền thuyết, nhiều lễ hội phong phú, phục vụ cho du lịch văn hóa, tâm linh. Tỉnh Điện Biên còn là trung tâm cửa ngõ đi vào các nước tiểu vùng sông Mê Kông như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Tỉnh hiện đang phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương”.
Nông dân Điện Biên thu hoạch lúa (Nguồn: Internet) |
Trong gần 20 năm trở lại đây, Điện Biên đã tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, coi đây là chính sách hàng đầu đề phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Hiện tại, Điện Biên đã có trên 150 ngàn học sinh với 490 trường học. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp đạt trên 99%. Sự nghiệp giáo dục tiểu học và mầm non từ chỗ mới có tại các trung tâm xã, đến nay đã phát triển đến tận thôn, bản. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ bữa ăn cho học sinh mầm non từ 3 - 5 tuổi trước khi vào lớp 1. Hệ thống nhà bán trú dân nuôi tuy chưa đồng bộ song cũng đã cơ bản đảm bảo cho các em học sinh có nhu cầu nội trú sinh hoạt, học tập.
Trong nhiều năm qua học sinh Điện Biên đã tham gia ngày một nhiều hơn và đạt nhiều giải quốc gia về toán, lịch sử, tin học. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: “Nhiều năm qua, năm nào Điện Biên cũng có học sinh lớp 12 đạt học sinh giỏi quốc gia. Năm 2012, tỉnh có 14 học sinh đạt giải quốc gia, xếp thứ 45 trong cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 trường cao đẳng bao gồm: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Nghề và Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Năm 2016 Điện Biên sẽ có trường đại học đa ngành nghề, nhằm cung cấp cho địa phương và đất nước một nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ công tác xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế và bảo vệ đất nước”.
Mạng lưới y tế của tỉnh Điện Biên đã phát triển tới tận thôn, bản. Các xã đều có trạm y tế với các thiết bị khám, chữa bệnh ngày một tốt hơn. Đến nay tỉnh đã đạt 6,6 bác sỹ/1 vạn dân, toàn ngành y tế đã có 23 bác sỹ chuyên khoa cấp 1, 14 bác sỹ chuyên khoa cấp 2 và 23 thạc sỹ, các phòng khám đa khoa khu vực đều có bác sỹ có chuyên môn đủ điều kiện phẫu thuật thông thường cho bệnh nhân. Các huyện, thị đều có bệnh viện đa khoa được trang bị nhiều thiết bị y tế tiên tiến, đủ sức chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn. Trong 20 năm gần đây, Điện Biên không có người chết do sốt rét.
Điên Biên hiện có hơn 5000km đường giao thông, trong đó đường quốc lộ dài hơn 500km. Tỉnh có tuyến đường đi Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), đi Sa Pa (Lào Cai), và đi phía nam Trung Quốc. Cơ bản các tuyến đường giao thông đã được nâng cấp, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông. Hiện tuyến đường đi cửa khẩu Tây trang nối với đường 2E khớp với tuyến đường xuyên Á tại Bắc Lào, thuận lợi cho du khách Thái lan vào Lào đi vào Điện Biên.
Điện Biên còn có cảng hàng không với đường băng dài gần 2km, đủ điều kiện cho 4 máy bay hạng trung 150 khách lên xuống trong một giờ.
Cụm di tích lịch sử Điện Biên phủ cả thế giới biết đến đã và đang được trùng tu từng bước để gìn giữ cho không chỉ người Việt Nam mà còn cả nhân loại yêu tự do.
Thành phố Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo Mường Thanh được thành lập cách đây 20 năm, là thành phố trẻ có nhiều tiềm năng về du lịch, dịch vụ, thương mại. Những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã chú trọng mời gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh. Hiện nay, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang hình thành các cơ sở thương mại, dịch vụ du lịch song còn rất khiêm tốn. Thành Phố Điện Biên Phủ vốn là nơi luôn bắt kịp với nhu cầu tiêu thụ của cả nước Việt Nam thông qua các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày. Hàng hóa xuất xứ từ khối Asean, đặc biệt là hàng tiêu dùng của các nước trong khối luôn có vị trí xứng đáng trong con mắt người tiêu dùng thành phố. Điện Biên Phủ hiện có trung tâm thương mại mới xây dựng khang trang, rộng gần 2 ha đủ điều kiện để cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đặt đại diện, làm siêu thị, nhà hàng…vv.
Ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho hay: “Thành phố Điện Biên Phủ có nhiều tiềm năng về tự nhiên, địa thế lịch sử để xây dựng thành thành phố du lịch không riêng của tỉnh Điện Biên mà còn của Việt Nam. Thành phố hiện đã có đề án phát triển du lịch, thương mại và đang rất cần đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, các nhà hàng, các khu đô thị. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến lập đại diện thương mại, tìm hiểu thị trường buôn bán, trao đổi hàng hóa”.
Người Điện Biên sẵn sàng chào đón bạn bè bốn phương đến thăm để giao lưu hợp tác trong một cộng đồng Asean đoàn kết, năng động, hiểu biết và phát triển.
Thu Bình