Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo GMP: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Điện Biên TV - Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP lần đầu tiên thực hiện tại Điện Biên. Mô hình được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản triển khai tại 3 xã: Thanh Luông, Thanh Hưng và Noong Luống huyện Điện Biên. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn lợi đáng kể cho các hộ nông dân.
![]() |
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP được triển khai thí điểm tại 4 hộ gia đình của 3 xã thuộc huyện Điện Biên |
Nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP là áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm nuôi, an toàn về dịch bệnh cho cá nuôi, thân thiện với môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nuôi thâm canh cá rô phi trong ao đạt năng suất cao, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Hình thức nuôi này phù hợp với các trang trại, các nông dân am hiểu về kỹ thuật nuôi cá rô phi và có khả năng đầu tư cao. 4 hộ nông dân ở các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống được chọn thực hiện xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP, đây là nguồn kinh phí của chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, DANIDA do Đan Mạch hỗ trợ 100% về giống cá, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và vôi. Các mô hình đều đảm bảo các tiêu trí quy định về diện tích ao, nguồn nước sạch, đáy ao phải là đất thịt hoặc đất thịt pha sét, phù hợp cho việc giữ nước là cơ sở phát triển thức ăn tự nhiên cho cá.
Trước khi triển khai mô hình, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính theo hướng GMP cho gần 100 nông dân. Các học viên nắm bắt những nội dung cơ bản về quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và hạch toán kinh tế. Đó là kiểm soát dịch bệnh, các yếu tố phát sinh bệnh ở cá, những bệnh thường gặp ở cá, bảo vệ môi trường; kiểm soát các mối nguy khi nuôi thâm canh cá rô phi đó là: Việc kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm môi trường trong ao và môi trường xung quanh, sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản. Cho cá ăn theo 4 định, tránh lãng phí, giảm hệ số tiêu hao thức ăn. Không sử dụng hóa chất và các chế phẩm sinh học ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Nét mới ở các lớp tập huấn này, ngoài việc giới thiệu kỹ thuật nuôi cá rô phi theo mô hình GMP bằng hình thức trình chiếu trên màn hình, phổ biến nhiều kinh nghiệm quý báu trong nuôi trồng thủy sản nói chung, cá rô phi đơn tính nói riêng. Cán bộ kỹ thuật của Chi cục xuống từng cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi. Diện tích ao nuôi của các hộ từ 1.200 - 1.700 m2, độ sâu trung bình của ao từ 1,5 - 2 m. Đáy ao được vét bùn, xử lý vệ sinh bón vôi với mức 8 - 10 kg vôi bột/100 m2. Nếu ao nhiễm phèn hoặc chua thì bón tăng thêm từ 2 - 3 kg/100 m2. Khi bón vôi xong, các hộ phơi đáy ao từ 2 - 3 ngày, sau đó lọc nước sạch đưa vào ao. Dùng phân vô cơ bón cho ao nhằm gây dựng cơ sở thức ăn tự nhiên. Sau khi tháo nước vào ao từ 3 - 5 ngày, nước ao có màu xanh nõn chuối tiến hành thả cá giống.
![]() |
![]() |
Tham gia mô hình người dân được hỗ trợ 100% về giống cá, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh và vôi |
Trước khi tiến hành thả cá giống vào ao nuôi, cán bộ kỹ thuật của Chi cục đã lấy mẫu nước ở từng ao và mẫu thức ăn đưa về cơ quan chuyên môn của Trung ương xét nghiệm, kiểm nghiệm đảm bảo các tiêu chuẩn quy định mới cấp giống, cấp thức ăn cho các hộ thực hiện mô hình. Chỉ tiêu của mô hình, cá giống khỏe mạnh, cỡ cá đồng đều, đạt kích cỡ từ 5 - 7 cm/con. Mật độ thả 3 con/m2. 4 hộ được cấp 18.000 con cá giống rô phi đơn tính, hơn 2 tấn vôi, 18 kg thuốc trị bệnh cho cá và 10.800 kg thức ăn. Thức ăn viên có độ đạm cao, đạt chất lượng tiêu chuẩn của Ngành quy định 28 TCN 189 : 2004. Thức ăn công nghiệp dạng viên nén không tan trong nước nhằm hạn chế thất thoát thức ăn, tránh ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
Được nhận những con cá giống to khỏe, các hộ phấn khởi thực hiện nghiêm ngặt chế độ chăm sóc cho cá ăn theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu cho cá ăn 4 lần/ngày và cho cá ăn đúng giờ tạo phản xạ cho cá. Trong quá trình nuôi, các hộ theo dõi sát sao mức tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, khi cá còn nhỏ lượng tiêu thụ thức ăn không nhiều nên sử dụng loại cám có độ đạm cao. Khi cá tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thuận với tiêu thụ thức ăn nhiều hơn, nên 10 ngày điều chỉnh thức ăn một lần. Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Chi cục phối hợp với cán bộ khuyến nông của các xã thường xuyên đến các mô hình kiểm tra tốc độ phát triển của cá, điều chỉnh lượng thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của cá, bón vôi theo định kỳ và đúng quy định. Việc bón vôi thực hiện 12 ngày/lần, liều lượng 2 kg/100 m3 nước nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá phát triển tốt, tránh dịch bệnh xảy ra. Để đảm bảo sản xuất cá rô phi thương phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, các mô hình không sử dụng phân hữu cơ bón cho ao, không nuôi gia cầm, gia súc trên diện tích mặt ao. Thường xuyên quan sát mức nước trong ao để điều chỉnh cho đủ theo quy định. Khi cá lớn từ 300 gam/con, chế độ thay nước ao đến hết chu kỳ nuôi tiến hành thường xuyên để cải thiện môi trường ao nuôi, tránh cá bị bệnh.
Qua việc lấy mẫu nước, thức ăn, cá thương phẩm để phân tích. Kết quả phân tích các chỉ tiêu về môi trường không vượt ngưỡng, chỉ tiêu chất lượng thức ăn đảm bảo chất lượng, các chỉ tiêu vi sinh, hóa học ở cá thương phẩm đều âm tính và trong ngưỡng cho phép. Như vậy, cá thương phẩm đều đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau 5 tháng triển khai mô hình ở 3 xã, diện tích nuôi cá thâm canh rô phi đơn tính theo hướng GMP được đánh giá cao. Các hộ áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào nuôi cá, tỷ lệ sống của cá đạt trên 98%, cá phát triển tốt, không có dịch bệnh, trọng lượng cá trung bình đạt 600 gam/con, nhiều con tăng trọng nhanh đạt tới 800 – 1.000 gam/con, sản lượng đạt gần 10.400 kg, năng suất ước đạt 16 tấn/ha/vụ. Tính lãi cho 1.000 m2 ao nuôi cá là gần 27 triệu đồng. Thấy được hiệu quả thiết thực của việc thâm canh nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP, các hộ thực hiện mô hình và nông dân trong vùng phấn khởi. Điều quan trọng ở việc thực hiện mô hình này là phải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, kiểm soát được các mối nguy để có được sản phẩm thủy sản sạch trước khi đưa ra thị trường.
![]() |
Sau 5 tháng triển khai, tính lãi cho 1.000 m2 ao nuôi cá là gần 27 triệu đồng |
Chị Cà Thị Thơm – Đôị 21, xã Noong Luống, huyện Điện Biên phấn khởi nói: “ Được Nhà nước quan tâm đầu tư cho gia đình tôi làm mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo kỹ thuật mới, nuôi trong môi trường nước ao sạch, cá không bị bệnh, lớn nhanh. Nuôi theo phương pháp GMP, cá phát triển nhanh hơn theo kiểu nuôi truyền thống. Chỉ trong 5 tháng, bình quân mỗi con được 6 lạng, nhiều con to được từ 7 - 8 lạng. Vụ sau, gia đình tôi và các hộ trong Đội nuôi cá sạch theo cách này, tăng thu nhập cho gia đình”.
Kết quả của mô hình được đánh giá thành công hơn sự mong đợi, hiệu quả kinh tế cao, năng suất của mô hình vượt kế hoạch 60%, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Đồng thời, đạt hiệu quả về xã hội, đã tác động không nhỏ đến nhận thức của các hộ nông dân trong việc áp dụng khoa học vào nuôi trồng thủy sản, tạo sự chuyển biến nhận thức về sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô hình thâm canh nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GMP lần đầu tiên được thực hiện tại Điện Biên đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hộ nông dân. Điểm mới nổi bật của mô hình là sản xuất cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thể hiện trách nhiệm người sản xuất sản phẩm sạch với sức khỏe cộng đồng, vừa mang tính xã hội cao. Mô hình được nhân ra diện rộng là điều kiện tốt cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất, cung ứng sản phẩm mang thương hiệu cá “Sạch” trên địa bàn được người tiêu dùng ưa chuộng./.
Hoàng Liên