Cần có biện pháp quản lý và khai thác bền vững với lâm sản ngoài gỗ
Điện Biên TV - Hiện nay nhiều loại lâm sản ngoài gỗ đang được người dân huyện Mường Chà khai thác để phục vụ những nhu cầu khác nhau. Nếu quản lý và khai thác tốt thì lâm sản ngoài gỗ có thể trở thành nguồn lợi lâu dài. Tuy nhiên nhiều loại lâm sản ngoài gỗ vẫn đang bị người dân địa phương khai thác, tận thu một cách tự phát, không hề có phương pháp khai thác cũng như biện pháp phục hồi.
Các kiểu rừng thuộc đai nhiệt đới có độ cao dưới 700m và rừng á nhiệt đới có độ cao trên 700m, thường có tính đa dạng sinh học cao và có nhiều loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị. Trước đây người ta thường chú ý tới các loại LSNG có công dụng đặc biệt như các loại cây hương liệu, cây thuốc. Còn ngày nay LSNG được xác định gồm nhiều nhóm khác nhau, trong đó có các nhóm LSNG làm thực phẩm ; nhóm làm thuốc và mĩ phẩm và nhóm các sản phẩm chiết xuất. Các loại LSNG này đang được người dân khai thác với nhiều mục đích khác nhau.
Từ lâu cây thuốc nam, măng rừng, phong lan, nhựa thông, nhựa cánh kiến đỏ... đã trở thành nguồn thu phụ của người dân ở khu vực huyện Mường Chà. Trong các loại LSNG này có một số loại được đưa vào khai thác theo quy trình như: nhựa thông, nhựa cánh kiến đỏ. Khai thác LSNG theo quy trình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên cho một số cơ quan, đơn vị và người dân địa phương.
Nuôi thả cánh kiến mang lại nguồn thu cao cho người dân xã Huổi Lèng - Mường Chà |
Nghề nuôi thả cánh kiến đỏ trên cây cọ khiết được Lâm trường đặc sản Lai Châu phát triển tại khu vực huyện Mường Chà từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Mặc dù hiện nay lâm trường quốc doanh này không còn hoạt động, nhưng nghề nuôi thả cánh kiến vẫn được người dân ở một số xã trong huyện duy trì, vì nhựa cánh kiến đỏ là một phần thu nhập quan trọng đối với các hộ gia đình có cuộc sống gắn với nghề rừng.
Ông Nguyễn Hữu Thụy – Bản Trung Dình – xã Huổi Lèng – huyện Mường Chà vốn là công nhân của Lâm trường đặc sản Lai Châu, chuyên về nghề nuôi thả cánh kiến đỏ. Sau khi lâm trường ngừng hoạt động ông về nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với nghề nuôi thả cánh kiến trên diện tích rừng lâm trường cũ để lại. Hiện nay gia đình ông có khoảng trên 1.000 cây cọ khiết đang nuôi thả cánh kiến. Năm 2010 cánh kiến được mùa ông Thụy thu được trên 3 tấn nhựa cánh kiến khô. Vào năm cánh kiến cho ít nhựa như vụ mùa năm nay ông cũng thu được gần 1 tấn nhựa, bán với giá 65.000đ/1kg. Trồng rừng nuôi thả cánh kiến không chỉ đem lại thu nhập thường xuyên cho gia đình ông Thụy, mà còn giúp giữ màu xanh cho những cánh rừng luôn bị nạn chặt phá bừa bãi đe dọa như hiện nay.
Khai thác nhựa thông tại xã Sá Tổng huyện Mường Chà |
Nhựa thông được sử dụng nhiều trong công nghiệp nhẹ như: chế biến tinh dầu, sản xuất giấy... Đây cũng là loại LSNG đang được khai thác ở huyện Mường Chà. Tại xã Xá Tổng có gần 80ha rừng thông, khu rừng này có khoảng trên 8.800 cây thông từ 25 – 30 năm tuổi đang được đưa vào khai thác nhựa. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà – cơ quan được cấp phép khai thác trên toàn bộ khu vực, việc khai thác nhựa thông ở đây đang được tiến hành theo phương pháp khai thác nuôi dưỡng, chu kỳ khai thác từ 3 đến 5 năm, áp dụng đối với rừng đã đến tuổi thành thục công nghệ. Phương pháp khai thác này cho thu sản phẩm phụ là nhựa thông, mà vẫn đảm bảo rừng sinh trưởng tốt. Mỗi năm rừng thông này cho từ 30 đến 35 tấn nhựa, có giá từ 25 đến 30 triệu đồng/1 tấn.
LSNG có giá trị kinh tế cao có thể giúp người dân miền núi nâng cao thu nhập, nhưng lâu nay nhiều sản phẩm phụ từ rừng vẫn chỉ được coi là của chung, ai muốn cũng có thể lấy...
Khai thác măng như vậy các rừng tre, nứa liệu có thể sinh sôi kịp ? |
Vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm khi việc nương rẫy đã vãn, người dân sống trên địa bàn các xã ven quốc lộ 12 vẫn thường vào rừng lấy măng để làm thực phẩm và để bán và sơ chế thành măng khô. Để làm được 3 kg măng khô người ta phải sơ chế khoảng 40 kg măng tươi. Vậy mà mỗi năm các chủ buôn ở huyện Mường Chà thu gom trong khu vực hàng trăm tấn măng khô, hầu hết có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Cứ như vậy các rừng tre, nứa liệu có thể sinh sôi kịp ?
Ngoài măng rừng làm thực phẩm, thì rừng Mường Chà còn có nhiều loại cây dược liệu được tư thương thu mua rầm rộ hàng năm như: củ khúc khắc, cây lông cu li, cây máu chó. Hàng trăm tấn dược liệu được thu mua mỗi năm cho thấy rừng Mường Chà có trữ lượng cây dược liệu khá lớn. Nhưng cũng như măng rừng, các loại cây dược liệu này được thu hái tự do và tự phát. Người dân không hề có ý thức bảo vệ nguồn dược liệu quý này.
Nhiều loại cây dược liệu được tư thương thu mua rầm rộ dẫn đế cạn kiệt nguồn nguyên liệu quý |
Ngày nay nhiều loại LSNG đã trở thành hàng hóa. Giá trị kinh tế của các loại LSNG có thể giúp người dân cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Chính vì vậy mà hàng năm các cơ quan chức năng địa phương đã cấp phép cho một số hộ kinh doanh thu mua các loại LSNG, tạo điều kiện cho người dân địa phương có thêm nguồn thu ngoài canh tác nương rẫy. Tuy nhiên có một điều bất cập là các hộ kinh doanh thì xin cấp phép được thu mua, nhưng người dân đi khai thác các loại LSNG lại không hề xin cấp phép để khai thác. Từ đầu năm 2012 đến nay Phòng NN&PTNT huyện Mường Chà ghi nhận chỉ có 4 hộ kinh doanh đến làm việc với Phòng, và Phòng đã tham mưu cho UBND huyện cấp phép thu mua. Ngoài ra người dân địa phương vẫn đang khai thác, tận thu các loại LSNG một cách tự do, không theo quy định của pháp luật.
LSNG là sản phẩm phụ từ rừng và có trữ lượng tương đối lớn ở các vùng rừng tự nhiên, nhưng đây không phải là nguồn lợi vô tận. Bởi vậy bất kỳ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào tham gia khai thác, tận thu các loại LSNG cũng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương cũng cần có trách nhiện quản lý việc khai thác, tận thu các loại LSNG để đảm bảo sự bền vững cho nguồn lợi này, và tránh gây tổn hại tới hệ sinh thái rừng nơi có LSNG được khai thác.
Minh Giang – Huy Long