Mường Chà canh tác hiệu quả trên đất dốc
Điện Biên TV - Địa hình đồi núi dốc là một trong những khó khăn cho canh tác nông, lâm nghiệp ở tỉnh ta. Để có thể canh tác tốt trên đất dốc đòi hỏi phải phối hợp nhiều biện pháp như: đầu tư bảo vệ và cải tạo đất, quy hoạch sử dụng đất hợp lý, đưa giống mới vào sản xuất..., trong đó biện pháp được cho là đơn giản và dễ làm nhất là luân canh, xen canh, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Đây cũng là biện pháp canh tác trên đất dốc khá hiệu quả mà người dân một số xã của huyện Mường Chà đang làm.
![]() |
Do đặc điểm địa hình, diện tích đất canh tác của Mường Chà chủ yếu là đồi dốc |
Huyện Mường Chà có trên 98.800 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ có trên 1.400 ha ruộng nước có thể gieo cấy 2 vụ. Diện tích còn lại phân bố trên các địa hình đồi núi dốc, canh tác rất khó khăn. Tuy nhiên vì cần đất sản xuất cây lương thực, người dân vùng cao vẫn đốt rừng làm nương, gieo lúa, trồng ngô. Với đặc điểm có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn, rửa trôi, lại mất đi thảm thực vật che phủ, phần lớn diện tích đất này đã không còn màu mỡ và dần bị hoang hóa.
Đất hoang hóa ngày càng nhiều. Nương đồi bạc màu. Năng suất cây trồng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu của con người. Cứ mãi phá rừng mở nương không phải là biện pháp lâu dài... vì rừng cũng không còn nhiều nữa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đất dốc đem lại nhiều nguồn lợi hơn, giúp cho cuộc sống của người dân ổn định? Trả lời câu hỏi này không dễ, khi huyện Mường Chà có tới trên 66% hộ đói nghèo, tập quán du canh, du cư, chăn thả gia súc bừa bãi vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. Người dân vùng cao không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất trên vùng đất đã cằn cỗi lâu nay. Ông Đào Trọng Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Chà cho biết: “Với đặc thù của một huyện miền núi, diện tích canh tác trên đất dốc lớn, song người dân chủ yếu vẫn canh tác theo phương thức cũ khiến đất đai bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu nhanh chóng, năng suất cây trồng bị hạn chế”.
Đi tìm lời giải cho việc nâng cao hiệu quả canh tác trên đất dốc, các cơ quan chuyên môn huyện Mường Chà đã nghĩ tới nhiều biện pháp khác nhau như: hướng dẫn người dân làm tiểu bậc thang trên đất quá dốc, làm hàng rào sống để bảo vệ đồng ruộng, trồng cây thức ăn gia súc theo hộ gia đình để hạn chế việc chăn thả tự do... Tuy nhiên, các biện pháp này phần lớn đều được triển khai theo dự án khuyến nông, khuyến ngư có hỗ trợ của Nhà nước nên khi dự án kết thúc, các biện pháp bảo vệ đất này hầu như không được tiếp tục duy trì. Người dân quay lại canh tác theo lối quảng canh.
![]() |
Cây sắn cao sản... |
Để cải thiện hiệu quả canh tác trên đất dốc, biện pháp đơn giản, ít tốn kém được các cơ quan chuyên môn đưa ra là hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ, đa dạng hóa các loại cây trồng, trong đó chủ yếu sử dụng cây họ đậu vừa giúp cải tạo đất, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ chăn nuôi, giúp tăng vụ, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với việc tăng cường sử dụng cây họ đậu vào canh tác, cũng có thể lựa chọn các loại cây trồng có bộ rễ khỏe, có khả năng phá vỡ lớp đất rắn trên bề mặt, giữ đất và tận dụng được nguồn dinh dưỡng trong các tầng đất để phát triển. Hiện nay mô hình trồng luân canh các cây họ đậu với cây trồng khác như ngô, lúa nương, sắn cao sản, cây dứa… đang được người dân một số xã của huyện Mường Chà triển khai khá hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình luân canh lạc, đậu tương và cây sắn cao sản ở xã Na Sang. Đây được đánh giá là biện pháp canh tác trên đất dốc cho hiệu quả kinh tế cao.
Cây sắn cao sản từng được phát triển rộng rãi ở khu vực các xã Chà Nưa, Chà Tở của huyện Mường Chà. Sắn cao sản là loại cây phù hợp phát triển trên địa hình đồi dốc, năng suất bình quân có thể đạt từ 15-20 tấn củ tươi/1ha. Đặc biệt năng suất cây sắn cao sản sẽ được nâng lên khi trồng luân canh hoặc xen canh với các cây họ đậu. Cách canh tác này cho thấy hiệu quả rõ ràng so với việc trồng độc canh cây ngô hoặc cây sắn giống cũ của địa phương.
![]() |
... cây dứa là những loại cây trồng tỏ ra khá phù hợp với địa hình đất canh tác của Mường Chà, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân |
Ngoài mô hình luân canh lạc, đậu tương và sắn cao sản, cây dứa cũng được đánh giá là cây trồng khá phù hợp để phát triển trên vùng đất dốc huyện Mường Chà. Giống dứa Queen được một số hộ đồng bào dân tộc Mông xã Na Sang lấy giống từ Lào Cai về, đang trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Hiện nay Na Sang có trên 10 hộ trồng dứa với diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Gia đình anh Lý A Khai, bản Na Sang, xã Na Sang có khoảng 3.000m2 đất đồi dốc 45o. Trước đây gia đình vẫn gieo lúa nương hoặc trồng giống sắn địa phương. Vì đất quá dốc nên việc canh tác khá khó khăn, năng suất cây trồng thấp. Thấy một số hộ trong bản trồng dứa năng suất cao, lại dễ tiêu thụ nên anh học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Cây dứa có khả năng giữ đất ở tầng đất mặt, lại ưa những khu vực đất dễ thoát nước và có khả năng chống chịu khô hạn tốt, sản lượng đạt từ 20 – 25 tấn/1 ha. Với giá từ 4.500 đến 5.000đ/1kg, trừ chi phí người trồng dứa cũng thu được từ 40 – 50 triệu đồng/ha. So với trồng lúa nương hoặc trồng sắn theo lối quảng canh thì trồng dứa cho thu nhập hơn hẳn. Năm trước gia đình anh Khai chỉ trồng khoảng 300m2 dứa. Vụ xuân năm nay anh quyết định mở rộng thêm diện tích để tăng thu nhập. Vào thời điểm này nương dứa của gia đình anh Khai đang bắt đầu trổ hoa, chỉ 3 đến 4 tháng nữa có thể cho thu hoạch.
Cây lạc, đậu tương, cây sắn cao sản và cây dứa đang góp phần làm đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất dốc ở huyện Mường Chà. Trước đây người dân trong huyện chủ yếu độc canh cây lúa, cây ngô, mỗi năm chỉ gieo trồng một vụ, thì nay trên cùng một diện tích đất ấy họ đã có thể gieo trồng từ 2 đến 3 vụ. Tiềm năng của khu vực đất dốc đang được khai thác khá hiệu quả qua việc đa dạng hóa các loại cây trồng. Có thể nói đây là biện pháp canh tác đơn giản, dễ làm và phù hợp với điều kiện của người nông dân vùng cao. Việc canh tác hiệu quả trên đất dốc đang góp phần mở ra hướng đi bền vững sau này. Khi năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng một diện tích sản xuất được nâng lên, thu nhập của người dân vùng cao được cải thiện, cũng có nghĩa điều kiện đầu tư cho các mục tiêu lâu dài đang được mở ra.
Minh Giang