Sơn Tra-Một loại cây, hai lợi ích
Điện Biên TV- Nông dân vùng cao xã Tỏa Tình huyện Tuần Giáo hiện đang có nguồn thu đáng kể từ cây Sơn tra một loại cây phân tán rất phù hợp với điều kiện miền núi vùng cao.
Cây Sơn tra đang được nông dân Tỏa Tình trồng thành rừng tập trung |
Ở độ cao trên 1.200m, cây Sơn Tra hay còn gọi là táo mèo đã và đang giúp nhiều hộ nông dân xã Tỏa Tình xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất vùng cao quanh năm lộng gió.
Gia đình Ông Lý Vả Vừ bản Hua Xa A xã Tỏa Tình có diện tích cây táo mèo rộng gần 1ha. Gần 10 năm nay, trung bình mỗi năm vườn táo mèo cho thu hoạch trên 2 tấn quả, nếu như vài năm trước, giá thu mua táo mèo tại vườn chỉ từ 8 đến 15.000đ/kg cho từng loại, thì vụ táo mèo năm 2012 này, giá thu mua mỗi kg táo mèo có giá từ 10 đến 20.000đ/kg. Theo thời giá hiện nay, trung bình 1ha táo mèo cho thu về trên dưới 50 triệu đồng. Ông Ly Vả Vừ phấn khởi cho biết: “ Cây táo mèo không tốn công chăm sóc. Sau vụ thu hoạch táo mèo, chúng tôi mới thu vụ ngô cho nên rất thuận lợi.”
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Tỏa Tình có trên 50ha diện tích cây Sơn Tra đã cho thu quả, hàng năm sản lượng quả Sơn Tra khoảng trên 100 tấn. Theo đánh giá của Chính quyền địa phương và các ngành chức năng thì Sơn tra là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc và đặc biệt là trồng rất phù hợp trên độ cao từ 1.200m trở lên, chỉ sau 4 năm bắt đầu cho thu hoạch. Đây cũng là loại cây thích hợp cho việc trồng rừng phân tán mang lại hệu qủa kinh tế.
Vừa canh tác rừng bền vững, nông dân Tỏa Tình vừa có thu nhập cao từ Sơn tra |
Ông Lầu A Dùa- Phó chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết: “Năm 1998, huyện Tuần Giáo và lâm trường Tuần Giáo đã hỗ trợ cả về giống, kỹ thuật cho bà con các bản Hua Xa A, Tỏa Tình và bản Lồng là những bản nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Đầu tiên là tổ chức trồng phân tán, sau đó nhân rộng và trồng thành vườn. Từ khi có cây sơn tra, đời sống của các hộ gia đình này đã được cải thiện.”
Xác định tính hiệu quả bền vững từ trồng cây Sơn Tra, những năm qua xã Tỏa tình đã tích cực vận động nhân dân tận dụng triệt để các diện tích đất sản xuất bạc màu, hoang hóa, đất có độ dốc lớn tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng giống cây này. Trong 6 tháng đầu năm nay xã Tỏa Tình đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cấp trên 30.000 cây giống cho nhân dân trồng phân tán tại các diện tích đất phù hợp. Tuy nhiên để cây sơn tra sớm trở thành một sản phẩm hàng hóa rất cần có những chính sách quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.
Nông dân tiếp tục được hỗ trợ giống cây Sơn tra mở rộng diện tích |
Ông Lê Duy Minh- Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: “ Qua nghiên cứu, cây Sơn Tra rất thích hợp với độ cao từ 1.000 đến 1.500m. Hiệu quả của nó là canh tác rừng bền vững với thế mạnh phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thứ hai là nó cho sản phẩm phụ từ quả. Chúng tôi tính sơ bộ: Sau 4 năm trồng sẽ cho thu bính quân mỗi năm một ha sẽ cho thu 4 tấn quả, nếu với giá bình quân 15 ngàn đồng/kg hiện nay mỗi ha người nông dân vùng cao sẽ có thu nhập trên dưới 50 triệu đồng một vụ.”
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nông dân Tỏa Tình mong muốn tiếp tục được hỗ trợ mở rộng diện tích trồng Táo mèo trở thành vùng chuyên canh hàng hóa, xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu táo mèo Pha Đin.
Việc phát triển trồng cây Sơn tra tại các địa phương có diện tích đất nông nghiệp có độ cao từ 1.200m trở lên cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác, đây sẽ là hướng đi phù hợp, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững trên đất dốc, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả./.
Trần Sơn