Hiệu quả từ mô hình Ngô lai LVN10 ở vùng tái định cư Huổi Lực

Thứ Tư, 15/08/2012, 08:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là đối với các hộ nghèo vùng tái định cư thủy điện Sơn La, giúp họ có cuộc sống ổn định tốt hơn nơi ở cũ. Từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, Trạm Khuyến nông khuyến lâm huyện Tủa Chùa đã đầu tư gần 60 triệu đồng xây dựng mô hình trồng Ngô lai LVN10 vụ hè thu tại bản Huổi Lực 2, xã Mường Báng. Sau hơn 3 tháng, mặc dù giá trị đầu tư không lớn nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, có thể nhân rộng trên địa bàn toàn huyện trong những vụ tới.

Bản Huổi Lực 2, xã Mường Báng có 65 hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Sau hơn 5 năm chuyển từ bản Pắc Na, xã Tủa Thàng lên định cư trên vùng đất mới, cuộc sống của người dân còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, cả bản vẫn còn đến 43 hộ thuộc diện nghèo. Để giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, tháng 4/2012, Trạm Khuyến nông khuyến lâm huyện Tủa Chùa đã xây dựng mô hình thí điểm trồng 7ha Ngô lai giống LVN10 có sự tham gia của 43 hộ dân. Ngoài việc đầu tư hơn 110 kg ngô giống, gần 2 tấn đạm, hơn 2,5 tấn phân lân và 840 kg kaliclorua với tổng giá trị 58 triệu đồng, Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện còn cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân dân, từ khâu làm đất đến trồng và chăm bón. Qua theo dõi hơn 3 tháng sinh trưởng, phát triển, giống Ngô lai VN10 thể hiện các đặc tính ưu việt hơn hẳn các giống ngô khác trồng trên địa bàn. Cây có độ sinh trưởng đồng đều, chống được các loại sâu bệnh, có khả năng chịu hạn tốt, cây nào cũng ra 2 bắp, hạt đều và chắc, cho năng suất 6,5 tấn/ha.

Ngô Huổi Lực
Người dân Huổi Lực thu hoạch ngô


Chị Điêu Thị Dính, bản Huổi Lực 2, xã Mường Báng là 1 trong số 43 hộ được tham gia mô hình chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi trồng bằng giống ngô địa phương, không bón phân, phun thuốc trừ sâu nên năng suất đạt thấp, thu hoạch chẳng được đáng là bao. Nay đưa giống Ngô lai LVN10 vào trồng và làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, năng suất cao hơn rất nhiều. Vụ mùa tới chúng tôi mong huyện, xã tiếp tục đầu tư, hỗ trợ giống và phân bón để chúng tôi mở rộng diện tích”.

Đến thăm gia đình anh Điêu Chính Luyến, trưởng bản Huổi Lực 2, anh cho biết từ ngày chuyển về tái định cư, đây là vụ ngô đầu tiên đạt năng suất cao như vậy. Với cương vị là trưởng bản, vụ tới anh sẽ vận động bà con tận dụng tối đã diện tích đưa vào trồng giống ngô lai để tăng năng suất, sản lượng lương thực.

Ngô Huổi Lực
Cây ngô lai đang khẳng định giá trị kinh tế của nó trên vùng đất tái định cư Huổi Lực


Theo đánh giá của Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện Tủa Chùa, hiệu quả kinh tế từ mô hình đã rõ, trừ các khoản chi phí về giống, phân bón và công chăm sóc, mỗi ha ngô cho lãi gần 10 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt hơn, năng suất còn cao gấp từ 2 - 3 lần so với giống ngô địa phương đã canh tác trước đây.

Hiệu quả từ mô hình thí điểm trồng Ngô lai LVN10 ở khu tái định cư Huổi Lực là tín hiệu vui cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Tủa Chùa nói chung và các vùng tái định cư Thủy điện Sơn La của huyện nói riêng. Trong thời gian tới, những mô hình thí điểm có hiệu quả như thế này cần nhanh chóng nhân rộng, thâm canh tăng vụ, sản xuất ngô theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

Quốc Hưng

.