Đâu là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác dập dịch lợn tai xanh?

Thứ Ba, 08/05/2012, 10:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đã hơn 1 tháng kể từ ngày tỉnh Điện Biên công bố dịch lợn tai xanh, dù đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp chống dịch, song hiệu quả vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Thực tế là tại thời điểm này, dịch tai xanh trên đàn lợn tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ vẫn phát sinh các diễn biến mới hết sức phức tạp và khó lường. Vậy, đâu là những khó khăn trong công tác phòng chống dịch?
 
Với tốc độ lây lan rất nhanh, tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ hiện đã ghi nhận 270 thôn, bản, khối phố thuộc 24 xã, phường xuất hiện các ổ dịch lợn tai xanh. Một tuần gần đây tuy không phát hiện thêm ổ dịch mới, nhưng trung bình mỗi ngày tại 2 địa phương này vẫn có tới trên 6 tấn lợn chết bệnh phải tiêu hủy. Và trên 350 tấn lợn đã phải tiêu hủy do bị chết bởi dịch tai xanh là con số xót xa được ngành Thú y thống kê công bố đến thời điểm này. Điều đáng buồn là trong trường hợp này người nông dân vừa là nạn nhân, song cũng lại chính là thủ phạm do thiếu hiểu biết đã làm lây lan mầm bệnh ra diện rộng. Đáng lẽ khi thấy dấu hiệu lợn chết hàng loạt, người nông dân phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tìm hiểu nguyên nhân, thì hầu hết đều bị che giấu để tẩu tán lợn bệnh. Những con lợn chết không tiêu thụ được thì họ lén lút vứt xuống sông, suối, kênh, mương bất chấp sự nguy hiểm đối với các hộ lân cận.

Dịch tai xanh
Chuồng trại trống trơn vì lợn đã chết hết vì dịch



Không chỉ có sự thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch của người chăn nuôi, nguyên nhân gây ra tình trạng lợn tai xanh bùng phát trên diện rộng còn có một phần do sự tắc trách trong việc giám sát dịch bệnh của các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở; cụ thể là sự chậm trễ trong việc phát hiện khoanh vùng ổ dịch là nguyên nhân làm cho dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra diện rộng một cách khó kiểm soát. Một trong những khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống dịch được Chi cục Thú y tỉnh đưa ra hiện nay là lượng vắc xin phòng bệnh tai xanh rất thiếu. Mặt khác, loại vắc xin này chỉ được khuyến cáo tiêm bao vây ổ dịch mà không tiêm đại trà ở diện rộng nên hiệu quả thấp.

Dịch tai xanh
Hơn 1 tháng, trên 350 tấn lợn bị chết và tiêu hủy, thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng, một con số gây nhiều nỗi xót xa...



Để công tác phòng chống dịch đảm bảo hiệu quả, ngoài việc tích cực kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của các chốt kiểm dịch, tập trung tiêu độc khử trùng và tăng cường hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng và chống dịch. Một trong những khuyến cáo được ngành Thú y đưa ra hiện nay là người chăn nuôi cần chủ động tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, vệ sinh cơ giới khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa sự xâm nhập của mầm bệnh. Đồng thời tạm dừng ngay việc tái đàn khi dịch chưa được khống chế triệt để.



 

Ngọc Thượng

.