Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo

Thứ Tư, 10/04/2024, 16:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 10/4, đoàn công tác Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tham gia cùng đoàn có đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

R
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; đồng thời đề cập những khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp như: Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng, chưa thu hút được nhân tài, người có kỹ năng quản lý và kinh nghiệm vào làm việc trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; chưa thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao; chưa có chính sách đặc thù đối với nhà giáo, cán bộ quản lý làm việc tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt; chưa có chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chưa có cơ quan chuyên trách đào tạo đội ngũ nhà, cán bộ quản lý về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Từ thực tế đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thể hiện quan điểm cần xây dựng Luật Nhà giáo; đồng thời đề xuất, kiến nghị như: Để tạo nguồn đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, Luật Nhà giáo cần quy định chính sách hỗ trợ đối với việc đào tạo người có nguyện vọng trở thành nhà giáo, thu hút người giỏi tham gia đào tạo để trở thành nhà giáo; miễn, giảm học phí trong toàn bộ quá trình đào tạo; trợ cấp sinh hoạt phí; cần có những quy định cụ thể nhằm hoàn thiện chế độ đãi ngộ, ưu đãi, tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp…

Sau khi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, thay mặt đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã tiếp thu ý kiến, trên cơ sở đó sẽ đề xuất với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội để có cơ sở thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo sát thực và phù hợp theo đúng lộ trình của Đề án.

*Tiếp tục chương trình làm việc chiều 10/4, đoàn công tác Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

S
Đoàn công tác Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tại buổi làm việc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo tại cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo, đặc biệt là chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đã được thực hiện đúng theo các văn bản chung đã được quy định.

Còn đối với việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non, toàn tỉnh hiện có 168 trường mầm non với 808 điểm trường lẻ và trên 2.400 nhóm, lớp; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ 3-4 tuổi ra lớp từ 99% trở lên. Nếu Đề án phổ cập giáo dục mầm non 3-4 tuổi được xây dựng, thông qua, sẽ đặt ra nhiều vấn đề với Điện Biên do thiếu giáo viên (giáo viên mầm non thiếu trên 1.000 người), nhân viên, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; nhân dân còn khó khăn, công tác huy động xã hội hóa còn hạn chế...

Tuy nhiên, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề xuất, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và trẻ em mẫu giáo tại cơ sở giáo dục trên địa bàn như: Đối với Quốc hội, xem xét ban hành Luật Nhà giáo, sửa đổi tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non là nữ, đề xuất 55 tuổi. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, kiến nghị bổ sung biên chế, đặc biệt là phân bổ nguồn bổ sung giáo viên cho tỉnh Điện Biên để đáp ứng yêu cầu thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo. Đề xuất, miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập; nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo…

Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội nhấn mạnh: Các đại biểu cần tập trung 3 nội dung rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện có tác động tới nhà giáo; chuẩn chức danh nhà giáo phù hợp với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo, thực hiện nhiệm vụ cùng các chế độ, chính sách cần thiết; về chính sách, pháp luật đối với trẻ mẫu giáo cần đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp tối đa theo quy định; quan tâm đến chế độ bữa ăn cho trẻ, đặc biệt ở các địa bàn vùng sâu vùng xa… Từ các ý kiến trao đổi, Ủy ban tổng hợp, nghiên cứu để phản biện, thẩm tra, xây dựng Luật Nhà giáo và Đề án phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non từ 3 đến 4 tuổi.

 

Thuý Hằng - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.