Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1: Sẽ điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, các tác giả sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của giáo viên, phụ huynh, học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp.
Những ngày gần đây, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nhận được nhiều phản ánh về việc sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, một số bài học chưa có tính giáo dục cao, chương trình còn nặng, quá tải với học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, kiêm Chủ biên chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cho biết, không chỉ riêng bộ sách Cánh Diều, mà tất cả các bộ sách khác đều sớm đưa việc đặt câu, đọc từ vào cho học sinh làm quen. Nhưng vào tháng đầu tiên, khi học sinh chưa biết nhiều chữ, các tác giả phải vận dụng những từ các em đã biết để tạo ra câu văn và các bài tập đọc.
1 |
GS Nguyễn Minh Thuyết lấy ví dụ, như từ “chả” - bị nhiều người phản đối khi đưa vào SGK, tuy nhiên, đây là một từ trong khẩu ngữ của miền Bắc, diễn tả ý phủ định như từ “không”, hoặc “chẳng”. Nhưng không thể dùng từ “không”, hoặc từ “chẳng” vì học sinh thời điểm này chưa học vần “ông’, vần “ăng”.
Hay từ “nhá cỏ”, ‘nhai cỏ” đều có nghĩa giống nhau. Từ “nhá” không phải từ địa phương, mà là từ phổ thông, có thể dùng như từ “nhai”. Các tác giả khi viết sách không dùng vần “ai” do học sinh chưa được học vần này.
Hay trong sách giáo khoa có các từ như “ba, má”, là phương ngữ Nam Bộ, tuy nhiên GS Thuyết cho rằng, sách giáo khoa dùng cho học sinh cả nước, do đó cũng cần tạo ra 2 tuyến nhân vật, để học sinh biết được từ “bố mẹ” ở miền Bắc sẽ tương đương với “ba má” ở miền Nam và ngược lại.
“Những từ này không còn xa lạ trong cuộc sống, trẻ cũng cần phải mở rộng vốn từ”, GS Thuyết nói.
Về việc một số ý kiến cho rằng các bài tập đọc chưa có tính giáo dục, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 cho biết, những ý kiến trên mạng chỉ trích hầu hết đều chỉ lấy 1 phần của câu chuyện để nhận định rằng không có tính giáo dục: “Có những văn bản quá dài, phải cắt làm 2 bài, ý nghĩa giáo dục toát lên từ toàn bộ câu chuyện, không thể cắt 1 nửa rồi cho rằng không có tính giáo dục. Khi tiếp cận, phải đánh giá toàn bộ bài đọc đó. Như chuyện 2 con ngựa, có người chỉ cắt 1 nửa đưa lên mạng, thắc mắc tại sao xui trẻ con lười lao động. Nhưng phải đọc hết bài 2 mới hiểu được ý nghĩa.
Hay có câu chuyện nguyên tác là ve và kiến, nhưng trong sách lại là ve và gà. Nhiều người cho rằng sách viết không đúng. Nhưng đây là những bài phỏng theo, tức dựa vào ý chính của văn bản và có sựa chỉnh sửa cho phù hợp. Chúng tôi trung thành với diễn biến của truyện, nhưng vì học sinh chưa học đến vần “iên”, nên chưa thể đọc kiến, mà đổi thành ve và gà. Cốt truyện và ý nghĩa giáo dục vẫn giữa nguyên”, GS Thuyết lý giải.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, năm học 2020-2021 là một năm đặc biệt, khi học sinh không còn học trước khai giảng, đồng thời phải ngưng đến trường trong nhiều tháng do dịch Covid-19, học sinh lớp 1 cũng không có nhiều thời gian để rèn những nề nếp, kỹ năng hay làm quen với mặt chữ, mặt số trước khi chính thức vào năm học, do đó nhiều phụ huynh có thể cảm thấy con học vất cả hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong thời gian áp dụng sách mới, cũng đã nhận được một số phản hồi, thắc mắc của giáo viên và cũng đã giải đáp. Trong đó, có nhiều ý kiến góp ý rằng bài đọc dài.
“Trong quá trình tập huấn, chúng tôi đã lưu ý việc dạy học phải có sự phân hóa, ở những nơi học sinh hiểu nhanh, thầy cô có thể dạy trong chương trình như sách giáo viên, chia thành 2 tiết. Những nơi học sinh tiếp thu chậm hơn, có thể chia bài học thành 3 tiết, lấy thêm giờ từ 88 tiết dự trữ dành cho ôn tập, tự đọc sách báo, hay sáng tạo”, GS Thuyết nói.
Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 cho biết, chương trình sách giáo khoa mới năm 2002 khi mới đưa vào áp dụng cũng gặp những ồn ào, đánh giá không hiệu quả, nhưng sau khi áp dụng lại phù hợp.
GS Thuyết khẳng định, những người viết sách luôn lắng nghe, trân trọng những ý kiến góp ý.
“Đưa một sản phẩm ra ngoài thị trường, nếu thấy có những điểm chưa hợp lý, mình phải xem xét điều chỉnh, nếu đúng. Kể cả những người đi đường, họ thấy có vấn đề, góp ý, mình cũng nên lắng nghe”, GS Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc điều chỉnh sản phẩm sau thời gian sử dụng là bình thường, các tác giả sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của giáo viên, phụ huynh, học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp.
Không riêng SGK, cả Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì chưa phù hợp vẫn phải điều chỉnh./.
Link: https://vov.vn/xa-hoi/chu-bien-sgk-tieng-viet-lop-1-se-dieu-chinh-nhung-noi-dung-chua-phu-hop-785447.vov
Theo Nguyễn Trang/VOV