Thi THPT Quốc gia: Phương án nào phù hợp?
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tính đến các phương án của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án phù hợp đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị nhiều phương án, sau đó tùy vào tình hình thực tế để quyết định phương án phù hợp. |
Ý kiến trái chiều về bỏ thi
Với tình trạng nghỉ học kéo dài hơn 2 tháng nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tính đến các phương án của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.
Trước đó, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội) đã đề xuất bỏ môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT Quốc gia. Theo thầy Khang, nếu phải nghỉ học tới tháng 5, nghĩa là 4 tháng của học kỳ II, thì việc bỏ môn thi không phải giải pháp tối ưu và cũng không nên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nữa mà nên xét tốt nghiệp THPT như xét tốt nghiệp THCS; trường xét và lập danh sách học sinh (HS) tốt nghiệp THPT trình Sở GD-ĐT để xem xét, quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng.
Lãnh đạo một hệ thống giáo dục ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Bộ không nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia trong trung tuần tháng 8 mà nên giao cho địa phương tự tổ chức xét tốt nghiệp hoặc tổ chức thi. Thời gian các địa phương cho HS học trong mùa dịch Covid-19 có khác nhau. Điều kiện học trực tuyến giữa các địa phương cũng không thể đồng đều như nhau. Trong khi đó, thời điểm thi vào trung tuần tháng 8 là mùa mưa lũ ở nhiều địa phương, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi. Ngoài ra, trong những năm qua tỷ lệ HS rớt tốt nghiệp rất thấp.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Ở một số nước bỏ kỳ thi THPT Quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, còn ở ta bệnh thành tích nặng, để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. Vì thế ta vẫn nên giữ kỳ thi THPT Quốc gia, chỉ bỏ thi khi mà hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của bậc phổ thông tốt. Tuy nhiên, nếu năm nay nghỉ học kéo quá dài không thể tổ chức thi được thì Bộ cần lên phương án công nhận tốt nghiệp THPT như thế nào?”.
Còn thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu bỏ thi THPT là trái với luật, vì vậy cần phải có phương án điều chỉnh thi phù hợp với tình hình hiện nay. Nếu không thi mà chỉ xét tốt nghiệp thì hầu như HS nào cũng qua. “Bỏ thi thì HS thích, thầy cô cũng thích nhưng việc dạy và học sẽ không đảm bảo chất lượng, nên quan điểm của tôi là vẫn thi nhưng phải giới hạn lại kiến thức, giảm độ khó của đề thi” - thầy Bình bày tỏ.
Một vị lãnh đạo của trường đại học (ĐH) ở Hà Nội cho rằng, năm nay không thể bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, hình thức thi, môn thi thì nên giữ ổn định như năm 2019, để tránh xáo trộn.
Cần lên nhiều phương án
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có các phương án khác nhau về thi THPT Quốc gia năm nay, để ứng phó với việc HS phải nghỉ học quá dài vì dịch bệnh Covid -19.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, không biết lúc nào HS đến trường thì nên đưa ra các phương án: Thi hay không thi tốt nghiệp? Nếu thi thì thi 3 môn hay 5 môn? Không thi thì xét tốt nghiệp thế nào?. Các phương án đều phải được đưa ra, nhưng trong thời điểm này chưa nên chốt phương án cụ thể nào đó, vì nếu đưa ra phương án bỏ thi sẽ dẫn tới tình trạng HS không chịu học hành. Trước mắt Bộ phải chuẩn bị nhiều phương án, sau đó tùy vào tình hình thực tế để quyết định phương án cụ thể.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc hội, khẳng định: “Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp Quốc gia hay cấp tỉnh, hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ Luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp Quốc gia. Nếu không thi ở cấp Quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện”.
Nắm bắt được tình hình này, một số trường ĐH đã chủ động điều chỉnh phương thức tuyển sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đầu tiên tổ chức tuyển sinh ĐH chính quy, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia và xét tuyển thẳng... PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, kỳ thi riêng do trường tổ chức sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng và năng lực phù hợp theo học trình độ ĐH chính quy, nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng giảng dạy của trường. Nhà trường dự kiến thời gian tổ chức kỳ thi riêng này trong khoảng từ ngày 20/7 đến 26/7/2020. Như vậy, năm nay, trường sẽ có 4 phương thức tuyển sinh cho khoảng 6.800 chỉ tiêu…
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ (3 học kỳ hoặc 5 học kỳ của cấp THPT), trong đó có xét học bạ nhưng không tính kết quả học kỳ II lớp 12. Trường ĐH Hoa Sen đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2020 bằng phương thức xét học bạ. Với phương thức này, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển có nhiều sự lựa chọn. Thí sinh có thể chọn phương án không tính điểm học kỳ II năm lớp 12, mà chỉ cần có điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 từ 6 điểm trở lên... Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển học bạ với tổng điểm trung bình 3 học kỳ (năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên...
Về phương án tuyển sinh của các trường ĐH, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, theo Luật Giáo dục ĐH quy định việc tuyển sinh là quyền của các trường ĐH. Các trường có thể tổ chức thi hoặc chỉ dựa vào xét tuyển, hoặc kết hợp thi và xét tuyển... Những năm trước đây, các trường ĐH cũng đã từng tổ chức kỳ thi riêng và năm nay ĐH Bách Khoa lại tiên phong trong việc tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, với những trường không có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, hoặc xét học bạ…
“Thi tốt nghiệp là kỳ thi kết thúc một giai đoạn học tập, trong Luật Giáo dục và trong khoa học không quy định hình thức thi của kỳ thi này. Vì thế, tùy thuộc vào hoàn cảnh hiện nay, có thể xem xét điều chỉnh hình thức thi cho phù hợp với thực tiễn, có thể phân cấp cho các địa phương để hình thức thi có thể chấp nhận được với điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương đó” PGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam). |
Link: https://vov.vn/xa-hoi/thi-thpt-quoc-gia-phuong-an-nao-phu-hop-1034885.vov
Theo Hoàng Dũng/VOV