Gian lận điểm thi 2018: Nếu địa phương không làm ra lẽ, tôi đề nghị Bộ Công an vào cuộc!

Thứ Hai, 03/06/2019, 15:18 [GMT+7]

Tôi nghĩ sự việc đã rõ như "ban ngày" rồi. Cái chúng ta cần là phải làm rõ người nhận tiền, người đưa tiền để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
 

1
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)


Sáng nay, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã có những phát biểu hết sức mạnh mẽ và thẳng thắn về vấn đề gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018.

"Ngành giáo dục đã nhiều vấn đề lắm rồi từ bạo hành, bạo lực trên học đường tới gian lận thi cử. Gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang phải nói là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục thời gian qua", đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, trước đó nhiều đại biểu đã đặt vấn đề đây là hành vi tham nhũng trong thi cử, làm mất cơ hội cho những em, những cháu đủ điểm không được vào học.

"Tôi đề nghị phải xử lý nghiêm minh, nghiêm trị những ai đưa và nhận hối lộ trong thi cử", đại biểu Hòa cho biết.

Nếu địa phương không làm cho ra lẽ, Bộ Công an cần vào cuộc

"Tôi rất tin tưởng cơ quan chức năng tại địa phương, đặc biệt là lực lượng điều tra, khối tư pháp nhưng nếu tình hình diễn biến giữa người nhận và người đưa hối lộ không điều tra ra được thì cần Bộ Công an phải vào cuộc. Tôi tin chắc rằng sự việc sẽ được làm sáng tỏ", đại biểu Hòa khẳng định.
 
Hiện vụ gian lận điểm thi ở Sơn La trở nên phức tạp khi 8 bị can khai được nhờ "nâng điểm thi", song những người liên quan thì nói chỉ "nhờ xem điểm thi" hoặc phủ nhận dính líu. Thậm chí có trường hợp cả số tiền tỉ chi ra để nâng điểm thì đến giờ cũng không ai nhận là của mình.

Căn cứ tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Sơn La đã triệu tập, xác minh với 18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là cha mẹ, người thân của 44 thí sinh trong danh sách được nâng điểm.

Tuy nhiên còn có mâu thuẫn giữa lời khai của các bị can với một số đối tượng trung gian hay giữa người trung gian này với người trung gian khác về một số nội dung như có chuyển thông tin cá nhân thí sinh hay không chuyển, nhờ nâng điểm hay nhờ "xem điểm thi", đưa tiền hay không đưa tiền.

"Theo tôi nghĩ sự việc nó rõ như ban ngày rồi, chỉ có cái là chúng ta cần làm rõ nhân chứng, người nhận, người đưa cụ thể rõ ràng ra làm sao để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Tôi biết họ sẽ quyết tâm, quyết liệt để chối quanh co vì tội đưa hối lộ tội ngang như người nhận hối lộ chứ ko phải đơn giản. Với lại số tiền rất lớn, cũng như ảnh hương lớn đến nhiều người đưa hối lộ", ông Hòa cho biết.

Kết thúc phần trả lời, đại biểu của Cần Thơ một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết vào cuộc của Bộ Công an.

"Tôi nghĩ rằng một vụ án rất nghiêm trọng, nếu công an địa phương không làm cho ra lẽ thì tôi đề nghị Bộ Công an vào cuộc", ông Hòa khẳng định.
 

1
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư tỉnh Sơn La


Trước đó vào ngày 31/3, trao đổi với phóng viên tại hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư tỉnh Sơn La, cho biết tỉnh đang giao các cơ quan xem xét, xử lý tập thể, cá nhân liên quan đến vụ nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018.

"Quan điểm của tỉnh không có vùng cấm, tôn trọng sự thật và xử lý nghiêm minh trên cơ sở kết luận điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó", ông Quỳnh cho biết.

Cũng theo ông Quỳnh, Ban tổ chức Tỉnh ủy đang làm việc với các chi bộ có cán bộ, đảng viên liên quan, kêu gọi sự tự giác nhận lỗi nếu có.

"Tôi từng phát biểu trong một cuộc họp rằng không ai gắp điểm bỏ vào tay con mình, nhận đi để được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu không khi phát hiện ra, trách nhiệm sẽ nặng nề hơn", Phó Bí thư tỉnh Sơn La cho biết thêm.

 

 

Theo VTV

.