Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên: Cách chức BGH có đủ sức răn đe?

Thứ Ba, 02/04/2019, 08:01 [GMT+7]

 Việc xem xét cách chức toàn bộ ban giám hiệu sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong giám sát bạo lực học đường.
 
Việc một nhóm 5 học sinh lớp 9 đang theo học tại trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) lao vào lột quần áo, đánh, đấm, đạp vào đầu, ngực và mặt bạn học đang khiến dư luận phẫn nộ.

Điều đáng nói là chuyện nữ sinh này bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng đã xảy ra từ lâu, trong thời gian dài nhưng chưa từng có sự can ngăn của các bạn cùng lớp.
 

1
Trường THCS Phù Ủng - nơi diễn ra vụ nữ sinh bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng (Ảnh: VTC News)


Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trực tiếp làm việc với trường THCS Phù Ủng về việc nữ sinh bị đánh hội đồng phải nhập viện. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xem xét quy trình cách chức toàn bộ Ban giám hiệu; yêu cầu kỷ luật cô giáo chủ nhiệm, hội đồng sư phạm trường THCS Phù Ủng.

Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh về vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, vụ một học sinh nữ ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp lột quần áo đánh hội đồng rồi đưa lên mạng xã hội đang khiến dư luận rất quan tâm. Ông nhìn nhận về vụ việc này như thế nào?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Sau khi xem xong đoạn clip, tôi tin rằng không chỉ tôi mà tất cả những người có lương tri đều chung một cảm xúc. Phẫn nộ đối với những người đã đánh, đạp, đấm, đá, giật tóc, lột quần lột áo nữ sinh lớp 9 và xót xa đối với nạn nhân. Chắc chắn rằng biến cố đó sẽ mãi đeo đẳng nữ sinh này suốt cả cuộc đời, nó ám ảnh cô bé khiến cô bé không bao giờ có thể quên.
 

1
Hình ảnh nữ sinh bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng (Ảnh cắt từ clip)


Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên những sự việc kiểu như thế này được đưa ra công luận. Thậm chí những hình ảnh đó còn xuất hiện khá nhiều, khá liên tục. Vậy tại sao tình trạng này vẫn không thể chấm dứt, hoặc ít nhất là bị hạn chế?

Ở thời điểm này, có thể nói là muộn để các ngành, các cấp, nhà trường, gia đình, xã hội cùng chung tay vào cuộc tìm giải pháp giải quyết tình trạng này. Nhưng muộn còn hơn không. Muộn nhưng vẫn là cơ hội để ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Có thể nâng cao trách nhiệm trong ngăn chặn bạo lực học đường

PV: Quan điểm của ông về cách xử lý của tỉnh Hưng Yên đối với vụ việc này như thế nào. Sau vụ việc này, liệu cách xử lý đó có thể ngăn chặn được bạo lực học đường?

Luật sư Giang Hồng Thanh: Được biết đến thời điểm hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi "xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ".
 

1
Luật sư Giang Hồng Thanh


Tất nhiên, việc cách chức cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ vào các quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Bộ luật Lao động và các Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn điều kiện, quy trình kỷ luật bằng hình thức cách chức chứ không thể muốn là làm.
 
Việc cách chức cán bộ, công chức, viên chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên không phải là biện pháp hiệu quả ngay tức thì để ngăn chặn bạo lực học đường. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra, nó sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của giáo viên, người đứng đầu nhà trường trong việc kiểm tra, giám sát tình trạng bạo lực học đường. Kết hợp việc xử lý kỷ luật đối với giáo viên nếu để xảy ra tình trạng bạo lực học đường nhiều lần với các giải pháp đồng bộ khác, tôi tin rằng tình trạng này sẽ dần dần được hạn chế.

PV: Theo quan điểm của ông, những học sinh tham gia vào việc lột quần áo, đánh nữ sinh phải đối diện với hình phạt nào?
 
Luật sư Giang Hồng Thanh: Hành vi mà những học sinh đã thực hiện đối với nữ sinh lớp 9 có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 và "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật này.
 

1
Nữ sinh bị bạn đánh ở Hưng Yên đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)


Tuy nhiên, do những học sinh này đang ở lứa tuổi dưới 16 nên họ sẽ không bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác".

Đối với tội "Cố ý gây thương tích", nhóm học sinh này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như nữ sinh lớp 9 có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên. Mức hình phạt đối với nhóm học sinh đó được quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:

“Điều 134: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 của Điều này".

PV: Xin cảm ơn ông!/.

 

 

Theo Bích Lan/VOV

.