Vì sao mô hình VNEN lại gặp nhiều trở ngại ở Việt Nam?

Thứ Ba, 03/10/2017, 08:27 [GMT+7]

Vì sao một mô hình giáo dục có tính quốc tế, với triết lý giáo dục được ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, lại gặp nhiều trở ngại ở Việt Nam?.
 


Từ bao đời nay, hình ảnh lớp học truyền thống với thầy cô giáo đứng trên bục giảng, tất cả học sinh cùng nhìn về một hướng, trật tự, chăm chú và có phần thụ động lắng nghe bài giảng, đã in hằn trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt Nam. Với lối dạy học thiên về truyền thụ kiến thức, người thầy sẽ luôn là trung tâm của lớp học, là hiện thân của chân lý, là người luôn luôn đúng.

Nhưng từ 4 năm nay, một hình ảnh khác đang bắt đầu xuất hiện trong các lớp học ở Việt Nam. Học sinh ngồi học theo từng nhóm. Phần thảo luận chiếm thời lượng lớn trong giờ học. Giáo viên không chỉ đứng trên bục giảng mà còn đến từng nhóm để hướng dẫn, giám sát và dạy học trò. Các chủ đề được giáo viên đưa ra để các em cùng tìm hiểu, sau đó thảo luận, tìm ra lời giải và thuyết trình trước lớp. Sự phản biện, tranh luận đã bắt đầu xuất hiện, phá vỡ phương pháp giáo dục truyền thống thầy đọc trò chép.

Cách thức tổ chức lớp học này nằm trong mô hình mới gọi là VNEN. Một mô hình dạy học được Bộ GD&ĐT bắt đầu thí điểm từ năm 2011 để chuẩn bị cho đổi mới giáo dục phổ thông. Từ 48 lớp học được thí điểm, sau 4 năm thực hiện, trường học mới VNEN đã được triển khai tại 5.000 trường trên cả nước, 2/3 trong số này là do địa phương tự nguyện mở rộng chứ không phải nằm trong diện dự án được hỗ trợ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mô hình trường học mới VNEN đã đem lại nhiều kết quả khả quan, giúp nâng cao chất lượng thầy - trò, nhà trường thông qua học tập tích cực và hợp tác. Quan trọng hơn, nó góp phần thay đổi nguyên lý giáo dục, từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh, đưa học sinh trở thành trung tâm của hoạt động dạy và học. Nhưng, sau một thời gian triển khai, từ năm học này, một số tỉnh, thành đã quyết định dừng áp dụng VNEN. 

 

Theo VTV

.