Nhiều câu hỏi phía sau chuyện thủ khoa Sư phạm về nuôi lợn
Câu chuyện về thủ khoa đại học Sư phạm Hà Nội 2 về nhà nuôi lợn sau khi ra trường đã khiến các chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi về ngành giáo dục.
Với con số hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường mỗi năm, việc thủ khoa cất bằng đi làm những công việc phổ thông đã trở thành vấn đề không mới. Thế nhưng chuyện về cô thủ khoa đầu ra trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 Bùi Thị Hà không xin được việc, về nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn lại được bàn tán rôm rả những ngày qua trên các diễn đàn...
Chuyện về thủ khoa Bùi Thị Hà gây xôn xao dư luận. (Ảnh: NVCC) |
Đọc bức tâm thư của Hà gửi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang, nhiều người không khỏi xúc động, đồng cảm với hoàn cảnh của Hà. Gia đình khó khăn, cố gắng học hành thành tài, nhưng đến khi ra trường vẫn chưa xin được vào biên chế. Cô giáo trẻ tương lai chia sẻ lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm, hứa khi có đợt tuyển dụng sẽ báo để thi. Nhưng qua một thời gian chờ đợi, đến nay em vẫn không biết phải chờ đợi đến khi nào.
Khi được hỏi tại sao không chọn những ngành khác, Hà tâm sự, em học sư phạm và ước mơ trở thành nhà giáo chứ không muốn đơn thuần làm công việc 8 tiếng 1 ngày.
Theo dõi câu chuyện của thủ khoa Bùi Thị Hà, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đánh giá cao tinh thần muốn cống hiến vì quê hương của cô thủ khoa trẻ. “Nếu bạn Hà về Hà Nội, tôi sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn là người có tài thực sự. Ngược lại, trong nền kinh tế thị trường, sẽ không có một trường dân lập nào nhận một người không có năng lực vào làm việc".
TS Tùng Lâm cho rằng, hiện nay không chỉ ngành sư phạm, mà nhiều cơ quan Nhà nước cũng đang dôi dư nhân sự, nhưng vẫn rất thiếu những người thực tài. Ông Lâm băn khoăn rằng, trong chuyện thủ khoa về nuôi lợn, có lẽ tỉnh Hà Giang vẫn chưa thực sự mặn mà, mạnh dạn sử dụng người tài.
"Phía tỉnh nói rằng vì chưa có chỉ tiêu biên chế, nên chưa tổ chức thi tuyển, thế nhưng khi số sinh viên thủ khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay, tại sao tỉnh không cho cơ hội để em được thử việc, nếu có khả năng xuất chúng như danh hiệu thủ khoa thật, có thể tuyển thẳng, còn nếu không đáp ứng được yêu cầu, có thể loại luôn. Hà cớ gì cứ để họ chờ đợi, hy vọng nhưng lại không có gì chắc chắn", TS Lâm cho hay.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, biên chế Nhà nước thực chất không phải là điều gì hấp dẫn, nhưng nhiều người vẫn chưa thoát ra được khỏi định kiến này.
Nhìn vào câu chuyện thủ khoa về nuôi lợn vì không xin được việc, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thực trạng chính sách tuyển dụng với nghề giáo hiện nay vẫn có quá nhiều điểm tiêu cực. Xã hội hiện nay vẫn tồn lại những quy luật ngầm, rằng anh muốn có một “chân” trong ngành sư phạm, phải mất một khoản tiền lên đến vài trăm triệu. Cũng bởi vậy mà nhiều sinh viên sư phạm ra trường túi không đủ nặng thì đành ngậm ngùi chịu cảnh thất nghiệp, hoặc làm trái ngành trái nghề.
Ở góc độ khác, câu chuyện này còn cho thấy những kẽ hở quy hoạch của Bộ giáo dục và Đào tạo đối với ngành sư phạm. “Hiện chúng ta có quy hoạch thật, nhưng quy hoạch này vẫn chưa thực hiện đến nơi đến chốn, xảy ra tình trạng cung vượt cầu, khi lực lượng cũ vẫn còn, thì lượng mới đã ra ồ ạt, gây dư thừa. Do đó, địa phương cũng có hứa hẹn, nhưng khi chưa có chỉ tiêu, thì khó có thể tuyển thêm là chuyện có lý”, ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, việc đào tạo ngành sư phạm hiện nay đang khiến người học gần như chỉ có một con đường để lựa chọn. Nếu không làm thầy, rất khó có thể làm những công việc khác. Trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động, các trường cũng cần thay đổi cách đào tạo sao cho bắt kịp, phù hợp với những thay đổi, để nếu cánh cửa ngành sư phạm có hẹp, các cử nhân vẫn có đủ khả năng chọn hướng đi mới.
Nếu giỏi, không nhất thiết vào Nhà nước?
Xưa nay, nhiều người vẫn có quan niệm “Cầm vàng còn sợ vàng rơi, vào được biên chế đời đời ấm no”, bởi vậy, làm việc suốt đời trong các cơ quan Nhà nước đã thành niềm mơ ước. Tuy nhiên, ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ đã thoát ra khỏi lối mòn suy nghĩ đó, chọn cho mình những con đường rộng mở hơn.
Theo Ths Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Y dược Pasteur, với tấm bằng thủ khoa và năng lực thực sự, Bùi Thị Hà hoàn toàn có thể tìm những cơ hội bên ngoài khối trường công lập. “Nếu có khả năng tương xứng với danh hiệu thủ khoa, chúng tôi có thể mời em về làm với mức lương từ 7-8 triệu đồng/ tháng”.
Song nói về những xôn xao trong nhiều ngày qua, TS Khanh băn khoăn rằng nếu thực sự giỏi, thủ khoa không cần nhất thiết vào các cơ quan Nhà nước. “Mục đích cuối cùng khi đi làm là có một công việc có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, nếu so sánh, mức lương trong Nhà nước của một sinh viên mới gia trường, Hà cũng chỉ có thể nhận được khoảng 2,7 triệu/ tháng khi đã trừ các chi phí bảo hiểm. Trong khi đó, ở các đơn vị ngoài công lập, mức lương có thể gấp 3-4 lần, đương nhiên, ở các trường tư thục, đòi hỏi em phải có khả năng thực sự, chịu được sự cạnh tranh và áp lực hơn”.
Cũng có thể khởi nghiệp từ chăn lợn
Chuyện thủ khoa làm trái ngành trái nghề, hay không xin được việc đã trở thành câu chuyện không mới trong những năm gần đây. Tháng 8 năm ngoái, câu chuyện của thủ khoa Trường ĐH Thương mại năm 2013 Đồng Thị Ngân cũng làm xôn xao dư luận. Ngân tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tài chính ngân hàng, là một trong số hơn 100 thủ khoa được vinh danh. Thế nhưng suốt 3 năm sau khi ra trường, Ngân vẫn không xin được việc phù hợp với chuyên ngành, đành phải chấp nhận đi làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống.
Trước đó, năm 2013, dư luận cũng từng bàn tán sôi nổi về trường hợp của La Văn Ngọ, thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Giao thông vận tải phải chật vật đủ nghề từ phát tờ rơi tới chạy bàn để kiểm sống trước khi được lãnh đạo Bộ GTVT quyết định nhận vào Viện KHCN Giao thông vận tải.
Thế nhưng câu chuyện của Hà vẫn gây nhiều chú ý, thậm chí tranh cãi. Có lẽ, mấu chốt nằm ở chỗ “thủ khoa về nuôi lợn”. Nuôi lợn không có gì là xấu, thậm chí gần đây có nhiều gương thanh niên cầm bằng đại học về quê làm nông nghiệp thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm, trở thành ông chủ, bà chủ đã khiến dư luận phần nào thay đổi suy nghĩ sinh viên ra trường phải thoát ly khỏi đồng ruộng.
TS Tùng Lâm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong các bạn trẻ, ông cho rằng, thủ khoa Bùi Thị Hà hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ việc chăn nuôi như bao thanh niên khác, chứ không nhất thiết đi theo một con đường duy nhất.
Nhưng việc em đạt danh hiệu thủ khoa, lại khiến người đời không khỏi tiếc nuối. Song thực tế, thủ khoa giỏi về các kiến thức uyên bác trên giảng đường, nhưng chưa chắc đã giỏi các kiến thức trường đời.
Từ những kinh nghiệm có thực trong quá trình làm công tác tuyển dụng, quản lý, Ths Lê Hồng Khanh, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Y dược Pasteur cho biết, không ít lần ông phỏng vấn các sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH danh tiếng, nhưng rất thiếu những kỹ năng cơ bản khi đi xin việc. Muộn giờ, trả lời ngô nghê, thậm chí không viết nổi một CV đạt chuẩn khi đi xin việc vẫn là những lỗi thường gặp của không ít “ngôi sao” được đăng trên bảng vàng của các trường đại học.
Những dẫn chứng trên có lẽ không mấy ngạc nhiên, khi chất lượng giáo dục đại học hiện nay đang trong cảnh “thượng vàng hạ cám”.
Thủ khoa thất nghiệp về nhà nuôi lợn, lỗi do đâu? Tại anh tại ả, hay tại cả đôi bên? Phải chăng bên cạnh việc nhìn vào những bất cập của ngành sư phạm, cơ chế quản lý của Nhà nước, các thủ khoa cũng cần nhìn nhận lại chính mình. Đặt chiếc mũ thủ khoa xuống, bước ra đời để hiểu rõ mình đang ở đâu, mình có gì và mình cần gì?
Những tranh cãi về chuyện của thủ khoa Bùi Thị Hà có lẽ cũng sẽ trôi qua như những vấn đề trước đây. Song các chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc các trường CĐ, ĐH, nơi trao đi danh hiệu thủ khoa cũng cần một lần nữa nhìn lại để thúc đẩy những giá trị đích thực, học thật làm thật, lập nghiệp sáng tạo, chứ không chỉ là hư danh./.
Theo VOV