Lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là hợp lý?

Thứ Năm, 05/10/2017, 15:01 [GMT+7]

Các ý kiến cho rằng, nếu lùi 1 năm sẽ có thêm thời gian cho địa phương và Bộ GD-ĐT trong việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới.
 
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 3/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lùi thời gian 1 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Sau đó, Chính phủ sẽ có báo cáo trình Quốc hội về việc giãn tiến độ hay thực hiện theo tiến độ do Quốc hội quyết định.

Các ý kiến của chuyên gia, giáo viên các trường đồng tình và cho rằng, nếu lùi 1 năm sẽ có thêm thời gian cho cả địa phương và Bộ Giáo dục- Đào tạo trong việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới.
 

1
Việc lùi 1 năm thực hiện chương trình mới và sách giáo khoa mới sẽ giúp Bộ GD-ĐT và các địa phương có thời gian chuẩn bị


Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lùi thời gian thực hiện chương trình thêm 1 năm là để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc biên soạn, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Nếu được Quốc hội thông qua thì chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm học 2019 - 2020 thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nêu ý kiến: “Các địa phương phản ánh là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đầy đủ. Tôi cho rằng phải hết sức tôn trọng đánh giá của địa phương để họ làm tốt. Còn về phía Bộ Giáo dục- Đào tạo, với các chương trình sách giáo khoa nếu được thêm thời gian thì chắc chắn làm sẽ kỹ hơn, tốt hơn”.

Hiện nay, đa số các trường đang gấp rút hoàn thiện điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Các giáo viên sẽ được tích lũy kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học mới, đảm bảo sự thành công khi thực hiện.

Ông Bùi Văn Đường - Hiệu trưởng Trường THPT Công nghiệp, tỉnh Hòa Bình, cho rằng: “Nếu thực hiện chương trình mới thì nhà trường có phần khó khăn, như cơ sở vật chất cần phải cải tạo, nâng cấp nhiều. Đội ngũ giáo viên cơ bản đã đủ theo cơ số của các bộ môn, theo đầu lớp, đảm bảo trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Tuy nhiên, nếu áp dụng cho chương trình mới thì đòi hỏi phải có thời gian cho giáo viên, cán bộ quản lý tiếp cận dần”.

Nếu theo lộ trình cũ, từ nay đến thời điểm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là từ năm học 2018-2019 chỉ còn 11 tháng.

Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, cần có thời gian để thẩm định chất lượng sách giáo khoa mới và tổ chức dạy thí điểm, thực nghiệm theo chương trình này.

Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Phú cho hay, hoãn hay là cứ tiếp tục thực hiện thì phải căn cứ vào việc hiện nay chuẩn bị đến đâu. Chương trình mới phải biên soạn sách giáo khoa mới, phải thẩm định sách giáo khoa mới, và tổ chức thử nghiệm chương trình, bên cạnh đó cùng phải tập huấn giáo viên.

“Tại thời điểm này chỉ còn có 11 tháng, điều đó là không thể. Tôi thấy việc hoãn này là nên làm”, Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Phú nêu quan điểm.

Cùng với việc lùi thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới 1 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất điều chỉnh lộ trình thực hiện so với Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Trong phương án mới, năm đầu tiên (năm học 2019-2020) sẽ triển khai chương trình mới ở lớp 1, trong khi đó sẽ tiến hành thực nghiệm ở các lớp khác.

Năm thứ hai, triển khai lớp 2, lớp 6. Năm thứ ba sẽ là lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm thứ tư là lớp 4, lớp 8 lớp 11. Năm cuối là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn nên triển khai sau một bước thì hợp lý hơn./

 

Theo VOV

.