Đổi mới giáo dục phổ thông: Sức ỳ lớn từ giáo viên?

Chủ Nhật, 01/10/2017, 15:59 [GMT+7]

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên có ảnh hưởng lớn tới đổi mới giáo dục phổ thông.
 
Những băn khoăn, lo lắng về chất lượng giáo dục phổ thông lại làm nóng dư luận. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã thẳng thắn cho rằng, chất lượng đội ngũ giáo viên là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những “yếu kém” của giáo dục phổ thông.

Đổi mới gặp trở ngại lớn từ giáo viên

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên có ảnh hưởng lớn tới đổi mới giáo dục phổ thông. Ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (tỉnh Khánh Hòa) nhận định, hiện nay, đổi mới giáo dục gặp trở ngại lớn nhất đến từ giáo viên.

“Rất nhiều giáo viên không thích đổi mới VNEN vì ảnh hưởng tới việc dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức tập huấn, đổi mới không chính quy, đại khái chủ nghĩa lan rộng đã không tạo ra ảnh hưởng gì mới, bởi chính những con người cần phải đổi mới. Bộ GD-ĐT có hình dung ra hết những ảnh hưởng này không?” - ông Sum nêu vấn đề.

Bà Hoàng Thị Tuyết, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự sáng tạo, đổi mới của giáo viên đang bị “đè bẹp” bởi chính những đồng nghiệp của mình. “Những em mới về trường và muốn sáng tạo bao giờ cũng bị tổn thương vì những người đồng nghiệp trong trường không chấp nhận sáng tạo. Sáng tạo luôn phải qua một quy trình, phải thông qua tổ trưởng, khối trưởng nên nhiều người tặc lưỡi: Nhiêu khê quá, khỏi sáng tạo, cứ như cũ mà làm”.
 

1
Đội ngũ giáo viên ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục


Chính vì thế, giải phóng sức ì trong sáng tạo của giáo viên đang trở thành bài toán khó của các trường. Ths. Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, xác định dừng lại và hài lòng có nghĩa là tụt hậu. Vì thế, trường đã tổ chức đồng thời nhiều hoạt động đào tạo tại chỗ nhằm hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực bản thân, vượt qua các thách thức của yêu cầu đổi mới giáo dục và các yêu cầu dạy học hướng tới phát triển năng lực học sinh.

Đứng ở góc độ khác, ông Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên thẳng thắn chỉ ra, các trường sư phạm chưa chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm của mình. Và để tăng sức hút cho ngành sư phạm cần có chính sách từ đầu ra, đãi ngộ đối với sinh viên sau tốt nghiệp. Vấn đề này gắn liền với quá trình tuyển dụng, đánh giá, sa thải. Hiện nay, sức hút cạnh tranh của ngành sư phạm còn yếu do không được bổ nhiệm vị trí công tác sau tốt nghiệp. Vì thế, trong khi các trường tư tuyển được giáo viên rất xuất sắc thì trường công không tuyển được.

Nhiều lần bật khóc vì... lương

Nêu ra nhiều “nghịch lý” trong việc đào tạo, sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông tại Việt Nam, ông Trần Trung Ninh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, trong khi giáo viên luôn được khẳng định có vai trò quan trọng trong dạy học, đổi mới chương trình và chất lượng giáo dục thì tiền lương của giáo viên thấp, không đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo. Ông Ninh dẫn chứng lại kết quả đề tài khoa học cấp Nhà nước do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, cho thấy, mức thu nhập bình quân của giáo viên từ lương và phụ cấp trong khoảng từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học chỉ nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng. “Trong lần đổi mới căn bản và toàn diện lần này, vấn đề lương giáo viên không được giải quyết thỏa đáng thì dù chương trình và sách giáo khoa có hiện đại và ưu việt cũng sẽ thất bại…” - ông Ninh nhấn mạnh.

Từng nhiều năm giảng dạy ngành giáo dục tiểu học trong trường sư phạm, bà Hoàng Thị Tuyết (Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, đã nhiều lần bật khóc cùng cựu sinh viên khi nghe tâm sự làm nhiều mà lương thấp vì không có thâm niên, muốn đi học lên cao hơn thì trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp. Đặc biệt khi năm ngoái, chủ trương giáo viên tiểu học dù tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ đều phải nhận lương khởi điểm theo mức trung cấp hệ số 1,86 khiến nhiều thầy cô dạy công lập nuốt nước mắt. Như vậy, phải 6 năm sau, họ mới được nhận lương đúng với bậc học của mình. Bà Tuyết cho rằng đây là yếu tố làm giảm động lực của giáo viên, đặc biệt là những người dạy giỏi.

Có không ít ý kiến cho rằng, tâm lý xã hội hiện nay đang đè nặng lên giáo viên, lên ngành giáo dục. Bên cạnh đó đồng lương ít ỏi, không đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế của nhà giáo và nghề dạy học. Hệ quả là thời gian gần đây nhiều giáo viên xin dời biên chế hoặc “chạy sô” dạy thêm chủ yếu để có thêm nguồn thu nhập đảm bảo kinh tế của gia đình.

Là trường hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, Ths. Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: “Có rất nhiều yếu tố cần đáp ứng để đội ngũ giáo viên giỏi gắn bó lâu dài với nhà trường như: Chế độ đãi ngộ, chính sách biên chế, môi trường làm việc, điều kiện để phát triển nghề nghiệp, các yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Đặc biệt, câu chuyện về “biên chế” và “hợp đồng” luôn được nhà trường quan tâm, giải quyết, giúp giáo viên yên tâm công tác. Việc mời chào của các trường dân lập, việc thi tuyển công chức của các trường công trong địa bàn Hà Nội có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của đội ngũ giáo viên giỏi của nhà trường. Đồng thời, trường luôn tạo tâm lý được làm việc, được cống hiến và được ghi nhận vì có giá trị, để xóa tan áp lực “biên chế” của hầu hết giáo viên giỏi đang làm việc tại trường./.

 

Theo VOV

.