Đằng sau câu chuyện thủ khoa ở nhà nuôi lợn và giáo viên bỏ biên chế
Đằng sau câu chuyện thủ khoa ở nhà nuôi lợn và giáo viên bỏ biên chế là những bất cập trong thi tuyển công chức và tăng lương cho giáo viên.
Câu chuyện nữ Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội 2 Bùi Thị Hà (quê ở tỉnh Hà Giang) ở nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn 1 năm nay để chờ kỳ thi vào biên chế ngành Giáo dục của tỉnh đã trở thành chủ đề gây tranh luận trong tuần.
Trong khi một thủ khoa trẻ tuổi mòn mỏi chờ đợi để được thi vào biên chế của tỉnh thì cũng trong tuần này, một giáo viên ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại quyết định viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục sau 7 năm công tác, với lý do gia đình ở xa, lương thấp và đã tìm được nghề mới.
“Trong chán, ngoài thèm”- câu chuyện của hai người khiến chúng ta không khỏi nghĩ đến những bất cập trong thi tuyển công chức và tăng lương cho giáo viên.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các địa phương có thể không đặc cách đối với các thủ khoa vào ngành Sư phạm. Họ có quyền kiểm tra kiến thức, kỹ năng của sinh viên các trường sư phạm trước khi tuyển dụng, bởi vì hiện nay vẫn có sinh viên tốt nghiệp loại Khá, Giỏi nhưng không có kỹ năng dạy học.
Nữ thủ khoa Bùi Thị Hà tại Lễ tôn vinh thủ khoa năm 2016 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: NVCC) |
Điều quan trọng ở tuyển dụng biên chế ngành giáo dục là chúng ta phải khắc phục, kiểm soát được tình trạng tiêu cực trong thi cử, tuyển chọn được đúng người giỏi cả về chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Bởi thực tế, việc thi tuyển công chức giáo viên vẫn còn tình trạng “người thân quen”, “con ông cháu cha” hoặc phải mất nhiều tiền thì mới đỗ được.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục có thể giao cho các trường học thực hiện vì họ sẽ biết thừa-thiếu bao nhiêu người để có cách tuyển dụng hợp lý và chọn được người giỏi vào trường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giáo dục vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc tuyển dụng để tránh những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
Song song với kiểm soát nguồn tuyển sinh giáo viên biên chế hàng năm thì ngành Giáo dục phải quy hoạch lại các các trường sư phạm để đào tạo chất lượng hơn. Theo đó, nên giảm bớt hoặc tập hợp các trường sư phạm lại, chỉ còn lại những trường lớn mạnh về tài chính, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Ở tất cả các tỉnh, thành chỉ còn lại một vài trường trọng điểm, chứ không phổ cập như hiện nay.
Những trường sư phạm có chất lượng yếu kém thì nên được sáp nhập lại để thành trường có chất lượng tốt hơn. Các trường cao đẳng sư phạm sẽ trở thành một phân hiệu của trường lớn.
Ngoài ra, cần xem xét lại việc đào tạo sinh viên sao cho “cung” không vượt quá “cầu” để sao cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm có việc làm như vào các trường quân đội, công an.
Hiện nay, các trường sư phạm đang thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên. Tuy nhiên, việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Do đó, tổng mức đầu tư ngân sách dành cho mỗi trường sư phạm không giảm. Vì vậy, các trường nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên hơn là kinh phí đó nên đầu tư dàn trải.
Giả sử hiện ngân sách dành cho trường ĐH Sư phạm Hà Nội mỗi năm là 100 tỷ đồng cho 2.000 chỉ tiêu sinh viên đại học chính quy thì nên tính toán tăng suất đầu tư trên từng sinh viên. Như vậy, tổng mức đầu tư không giảm nhưng kinh phí đó chỉ dành cho 1.000 chỉ tiêu. Đó cũng là giải pháp vừa giúp nâng chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi, vừa làm giảm chỉ tiêu một cách thực chất.
Giáo viên bỏ biên chế vì lương thấp không phải hiếm
Trường hợp như một giáo viên ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lại quyết định viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục sau 7 năm công tác, với lý do gia đình ở xa, lương thấp và đã tìm được nghề mới không phải là trường hợp cá biệt mà đến nay, nhiều giáo viên đã vào biên chế cũng xin ra không giảng dạy vì những lý do trên.
GS.TS Đinh Quang Báo nhìn nhận, Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI khẳng định, lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Tuy nhiên, hiện nay, lương nhà giáo xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhà giáo, trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy định về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên cho nhà giáo…
Tuy nhiên, việc thực hiện các với các quy định chung về thang bảng lương như các ngành nghề khác, mức lương của một bộ phận nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống nói chung.
Kinh phí Nhà nước dành cho giáo dục đã là 20% ngân sách, rất khó tăng thêm để trả lương cho giáo viên vì còn nhiều ngành khác cũng phải đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể tăng lương cho giáo viên từ nguồn đóng học phí của học sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nên tăng học phí ở cấp học đại trà từ Tiểu học đến THPT vì hiện nay, mức sống của người dân còn rất khó khăn. Chúng ta chỉ tăng học phí ở các trường đại học ngoài ngành Sư phạm và các trường dạy nghề.
“Còn đối với các trường sư phạm không nên tăng học phí vì thực tế hiện nay, nhiều học sinh đã quá “thờ ơ” thi vào các trường sư phạm, mà nay tăng thêm học phí thì sẽ càng khiến cho thí sinh ngày càng quay lưng với ngành nghề này. Tăng được lương giáo viên nhưng ít người đăng ký học ngành Sư phạm thì có ích gì”- GS.TS Đinh Quang Báo bày tỏ.
Để cải thiện mức lương cho giảng viên để họ có thể đủ sống, chúng ta phải có chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực cho ngành Sư phạm trong tương lai. Theo đó, Bộ GD-ĐT phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên theo cơ cấu giáo viên của các ngành, môn học, vùng miền khác nhau, trình độ giáo viên phải đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu và tạo điều kiện việc làm cho họ sau khi tốt nghiệp./.
Theo VOV