Tinh thần dạy thêm học thêm "bất diệt"

Thứ Sáu, 22/09/2017, 16:05 [GMT+7]

Hà Nội đã cẩm việc dạy thêm, học thêm nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức, công khai có, lén lút trá hình có.
 
1.001 kiểu dạy thêm

Mới vào đầu năm học, phụ huynh có con theo học tại Trường THCS Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội đã nhận được thông báo học thêm do trường tổ chức. Thông báo ghi cụ thể số môn học thêm và số tiền một tiết học.

Nếu học sinh đăng ký 4 môn chính: Toán, Văn, Lý, Hóa với thời lượng 3 buổi/tuần thì số tiền phải đóng là hơn 300.000 đồng/tháng. Số tiền này trở thành gánh nặng đối với không ít người dân, bởi tuy ở Thủ đô nhưng đa số là dân lao động nghèo.

Anh T.V.L (xin được giấu tên), một phụ huynh có con đang học lớp 7 ở trường THCS Thịnh Quang than thở: “Tôi về mất sức, còn vợ thì chỉ ở nhà bán hàng tạp hóa nên thu nhập thấp. Nhưng dù khó khăn tôi vẫn phải cố để cho con theo học 1-2 môn bởi không đi học thêm thì không được”.

1
Phòng học đồng thời là cửa hàng tạp hóa, phòng ngủ (ảnh 1+2).


Không công khai như trường Thịnh Quang, việc dạy thêm, học thêm ở một số trường khác diễn ra âm thầm nhưng không kém phần sôi động. Có nơi địa điểm dạy thêm, học thêm nằm trong một con ngõ nhỏ, ẩm thấp và chật chội. Trong vai người có nhu cầu thuê phòng dạy thêm, phóng viên được giới thiệu những căn phòng ở phố Núi Trúc chật chội chỉ 12-15m2 với cầu thang tối đen và hẹp chỉ đủ một người đi.

Do thiết kế ban đầu các phòng này chỉ là phòng ngủ nên ánh sáng và không khí lưu thông không đủ chuẩn của phòng học. Ngoài ra, một số phòng học ở đây có đến hai chức năng, vừa là phòng học vừa là cửa hàng bán tạp hóa, hoặc phòng khách...  Tuy diện tích chật chội nhưng các giáo viên tận dụng tối đa bằng cách bố trí mỗi bàn 3 học sinh, mỗi buổi học có đến 25-30 học sinh nhồi nhét vào một phòng.

1
 Lịch học tiếng Anh liên kết được bố trí vào giờ học chính gây khó cho phụ huynh


Bác H. chủ một gia đình chuyên cho các giáo viên thuê phòng cho biết, ở đây có nhiều nhà cho thuê phòng. Giáo viên thường thuê theo 2 ca, sáng và chiều. Ca sáng dành cho học sinh học chính khóa ở trường buổi chiều, còn ca chiều dành cho học sinh học chính khóa buổi sáng. Tuy chỉ mới bắt đầu năm học nhưng nhà bác H đã hết sạch phòng ca chiều, ca sáng chỉ còn 2 phòng.

Theo một số học sinh đang theo học tại đây, một tuần học 2 buổi, mỗi buổi 2 môn và học phí 1 môn là 300.000 đồng/tháng. Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền phòng mà các giáo viên này phải trả là 90.000 đồng/buổi (gồm 2 ca).

Khổ vì “tự nguyện”

Mở lớp dạy thêm tại trường dễ bị kiểm soát gắt gao, nhiều trường đã tìm đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa để “liên kết”. Theo tìm hiểu của phóng viên, các trường THCS Dịch Vọng, Lê Ngọc Hân, Ngô Sỹ Liên, Trần Phú, Ngô Thì Nhậm... đều “liên kết” với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa để tổ chức dạy thêm.

Việc “liên kết” này được gắn dưới mác “tự nguyện”, học sinh được giáo viên chủ nhiệm phát cho một bản đăng ký học thêm tự nguyện và yêu cầu phụ huynh ký vào, sau đó nộp lại cho giáo viên.

Chị L.A.M (xin được giấu tên) có con học tại một trường ở quận Đống Đa cho biết, vào đầu năm học chị thấy con mang về một bản đăng ký học thêm ở trung tâm và yêu cầu phải có chữ ký của phụ huynh.

 “Sau khi xem qua, tôi tưởng là tờ rơi quảng cáo của trung tâm nên bảo con là không tham gia bởi không biết trung tâm này ở đâu, chất lượng thế nào. Nhưng cháu bảo cô giáo chủ nhiệm nói nếu bạn nào muốn đi học thêm chương trình của trường bố mẹ phải ký vào bản đăng ký học thêm này và mang nộp lại cho cô”.

Do “núp bóng” các trung tâm tổ chức dạy thêm, học thêm nên giáo viên chính là người đang dạy các môn ở trường các em đang theo học. Trong khi đó, theo quy định về dạy thêm, học thêm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa”.

1
Phiếu đăng ký học thêm tự nguyện


Em N.V.A (xin được giấu tên), học sinh lớp 7 ở trường Lê Ngọc Hân cho biết, em học thêm 3 môn Văn, Toán, Anh ở trung tâm, giáo viên ở đây đang dạy Văn, Toán, Anh ở trường. Đây là chương trình tổ chức học thêm của nhà trường và nhà trường chỉ thuê địa điểm của trung tâm thôi. Tiền học hằng tháng đều đóng cho cô giáo chủ nhiệm.

Một phụ huynh trường THCS Trần Phú chia sẻ: “Nói là tự nguyện nhưng chúng tôi chỉ biết “cắn răng” cho con theo học. Vì giáo viên dạy ở trung tâm này đồng thời là giáo viên dạy học chính khóa trong trường. Nếu không cho con theo học, sợ rằng cháu bị giáo viên phân biệt đối xử”.

Ngoài ra, tìm hiểu thực trạng việc “núp bóng” dạy thêm qua các trung tâm, phóng viên rất kinh ngạc khi có trung tâm hiện đang “liên kết” với rất nhiều trường học nhưng lại treo biển công ty hoặc là cơ sở xoa bóp, bấm huyệt(!)…

Liên kết ngoại ngữ giá nào cũng có

Theo quy định của ngành giáo dục, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng từ lớp 3 mới có ở chương trình học chính thức. Tuy nhiên, ngay từ khi vào lớp 1, các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được học ngoại ngữ với danh nghĩa dạy tiếng Anh liên kết. Ngoài chương trình ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo được giảng dạy từ lớp 3 có khoảng 10 chương trình khác đang được triển khai.

Có thể nhắc đến một số tên tiêu biểu như: Chương trình Family&Friends; BME - KIDs; Our Discovery Island của Language Link; E - Connect; Phonics Learning Box-UK; E-Study, Eduplay, DynEd, Victoria, Dream Houses… Có chương trình cả giáo viên nước ngoài và người Việt cùng giảng dạy nhưng có chương trình chỉ có giáo viên người Việt.

Qua tìm hiểu từ phụ huynh và giáo viên có thể thấy, mỗi chương trình có mức học phí khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Cụ thể, Chương trình BME - KIDs với mức học phí khoảng 140.000 đồng/tháng, Language Link với giáo trình “Our Discovery Island”, có mức học phí khá đắt, 5.775.000 đồng/học sinh/năm.

Ngoài ra còn phải kể đến các chương trình ngoại ngữ khác như Phonics Learning Box-UK, E-Study, Eduplay, DynEd, Victoria, Dream Houses... với các mức học phí dao động từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/tháng. Thậm chí, cùng một trung tâm, một chương trình nhưng dạy ở mỗi nơi lại có mức học phí khác nhau. Cùng một trường, một khối nhưng có 2 mức học phí khác nhau.

Điều đáng nói, mặc dù chương trình liên kết ngoại ngữ chỉ là học thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thực tế gần 100% học sinh tham gia. Bởi lịch học tiếng Anh được các trường bố trí vào giữa buổi, học sinh nào không học ra ngoài hoặc phụ huynh phải đón về sau đó lại đưa đến lớp khi kết thúc tiết học tiếng Anh.

Điều này dẫn đến việc phụ huynh bị đưa vào thế bí, nếu không cho con học giữa buổi phải đến đón con về rồi sau đó lại đưa đến trường để tiếp tục học những môn khác.

Thế mới thấy có rất nhiều lý do, cách thức để các trường học ở Thủ đô duy trì việc dạy thêm học thêm, đến mức có người nói rằng tinh thần dạy thêm học thêm là “bất diệt”./.

 

Theo VOV
 

.