"Nhập khẩu" giáo dục nước ngoài vào Việt Nam nên cẩn trọng
Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng “nhập khẩu” chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan.
Mới đây, nhiều báo chí đưa thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét về khả năng “nhập khẩu” chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan. Dù đây mới chỉ là ý tưởng, đang trong quá trình xem xét của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của ý tưởng này, vì Việt Nam đã có nhiều bài học trong việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục của các nước tiên tiến mà gần đây nhất là thất bại của Chương trình Trường học mới (VNEN) là ví dụ cụ thể.
Cuối tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến làm việc tại Bắc Âu (gồm Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển), nhằm xúc tiến việc hợp tác trong giáo dục. Trong chuyến làm việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã hội đàm, trao đổi với với Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Phần Lan về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan; thúc đẩy các hoạt động hợp tác, dự án về khởi nghiệp...
Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với sinh viên nước ngoài nhân chuyến thăm Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch - Ảnh: Đào Ngọc Tước |
Theo một số chuyên gia, việc “nhập khẩu” giáo dục Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Phần Lan vừa hoàn tất quá trình đổi mới giáo dục phổ thông kéo dài trong 50 năm, nên có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm, bước đi cụ thể, thực tế và hiệu quả của mình.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ủng hộ chủ chương này, nhưng theo ông, chương trình từ nước ngoài phải được chuyển hóa cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đặc biệt là phải tính toán đến năng lực của giáo viên. Thất bại của mô hình Trường học mới (VNEN) là một ví dụ điển hình cho bài học không tính toán đến các điều kiện khi triển khai.
Ông Lâm nói: "Tôi nghĩ dứt khoát phải chuyển hóa thành chương trình Việt Nam, không chỉ phù hợp với văn hóa của người Việt nhưng quan trọng trong giáo dục là phù hợp với ông thầy. Năng lực trình độ ông thầy của chúng ta đến đâu, cái gì người ta làm được, nhưng ông thầy của chúng ta không làm được, thì chúng ta cũng phải thiết kế lại, làm sao cho phù hợp. Ví dụ VNEN không phải là một chương trình tồi, nhưng chúng ta đã áp dụng một cách nguyên xi máy móc và chúng ta đã thất bại, đặc biệt chúng ta không chú ý đến điều kiện của ông thầy, điều kiện của Việt Nam mà chúng ta cứ làm theo kịch bản của người ta".
Ở mỗi quốc gia, giáo dục luôn song hành, phát triển trên nền tảng văn hóa, kinh tế, xã hội. Vì vậy, bất cứ đổi mới giáo dục nào, dù là nhỏ nhất cũng phải dựa trên các yếu tố này. Ở Phần Lan, học sinh học rất nhẹ nhàng, không bị áp lực thi cử, điểm số, hay bằng cấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phụ huynh, học sinh, thậm chí cả giáo viên còn chạy theo thành tích, điểm số, bằng cấp mà quên đi ý nghĩa thực chất của việc học là vui vẻ, tăng hiểu biết, kỹ năng và phẩm chất con người. Vì vậy, việc thay đổi chương trình phải đi liền với thay đổi năng lực nhận thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh và cả xã hội.
Theo Tiến sỹ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội, trong giáo dục thì không nên nhập khẩu nguyên khối chương trình của các quốc gia khác mà phải thiết kế lại dựa trên đặc điểm xã hội của chính Việt Nam: Người Việt Nam sẽ khác người Phần Lan, khác cả về chiều cao, cân nặng, tính cách, quan điểm xã hội cũng như là truyền thống. Do vậy nếu như chúng ta nhập khẩu thì chắc chắn sẽ xảy ra nhiều chuyện. Tuy nhiên, nếu như Bộ Giáo dục – Đào tạo có thể đưa các chuyên gia đến đó học hỏi và viết những chương trình phù hợp với Việt Nam, sau đó tập huấn kỹ càng cho giáo viên và phụ huynh thì chắc chắn là chúng ta sẽ thành công. Có nghĩa là không nên nhập khẩu cái gì gọi là nguyên khối mà chúng ta cần phải dựa trên những đặc điểm xã hội học của chính đất nước của chúng ta.
Cùng chung quan điểm này, PGS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, chương trình giáo dục không chỉ là dạy cái gì, mà còn liên quan đến việc ai dạy, ai học, dạy học như thế nào, các điều kiện để dạy chương trình đó... Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nhập khẩu y nguyên một chương trình giáo dục của nước ngoài về Việt Nam vì các điều kiện ở mỗi quốc gia là khác nhau. Giả thiết nếu điều này xảy ra thì cũng khó thực hiện được.
"Tôi nghĩ là đặt ra giả thiết thì mình cứ đặt thôi chứ còn là hoàn toàn thách thức và không thể làm được. Ví dụ, đối với Phần Lan, giáo viên phần lớn có trình độ Thạc sỹ, giáo viên được quyền tự chủ rất cao, dạy ít mà học được nhiều, môi trường văn hóa, môi trường chính trị, đặc điểm của ngành kinh tế, công nghiệp rất khác của mình, làm sao mình làm được. Tôi nghĩ là Bộ dại gì mà nhập khẩu, vì có chương trình rồi nhưng việc thực hiện chương trình thì vô cùng phức tạp. Một là ai dạy, ai học, dạy như thế nào, rồi thì quỹ thời gian, tài chính, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm rồi mình còn đảm bảo tính bình đẳng các cơ hội tiếp cận chương trình đó" - PGS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Trước những băn khoăn của chuyên gia về thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo “nhập khẩu” chương trình giáo dục phổ thông của Phần Lan, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ không có chuyện Việt Nam nhập khẩu “nguyên xi” giáo dục của Phần Lan hay bất kỳ nước nào về Việt Nam mà sẽ có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến theo hướng có chọn lọc, phù hợp với điều kiện triển khai của Việt Nam./.
Theo VOV