Nghi vấn sao chép Luận án tiến sĩ tại Đại học Kinh tế Quốc dân
Một luận án tiến sĩ sao chép gần 13 trang từ một bài báo của nước ngoài lại được Hội đồng đánh giá luận án cho qua?
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường tại Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân vào 16h30 ngày 27 tháng 01 năm 2017, với đề tài luận án “Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại SaPa, Lào Cai”;
Chuyên ngành: Quản lý Kinh tế (KTDL); Mã số: 62.34.04.10
Tuy nhiên, sau 8 tháng bảo vệ, vẫn còn nhiều nghi ngờ về sự mờ ám trong trích dẫn tài liệu tham khảo, số liệu… cũng như việc sai phạm trong quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ đối với Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.
TS Đồng Xuân Đảm – Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế (ĐHKTQuốc dân) - Ủy viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp trường nghi ngờ có “chất dịch” hoặc chuyển ngữ ở nội dung của mục 2.3 (từ trang 31 đến trang 41) trong luận án, sao chép của tài liệu số 138 (có bản gốc kèm theo: Zomorrodian và cộng sự, (2013) “Quantitative models for participation evaluation in community development: A theoretical review”, World Applied Sciences Journal, No 25(2). NCS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã sử dụng gần như nguyên bản bài báo của các tác giả trên mà không có sự đồng ý của tác giả gốc bài báo.
Theo video clip tại buổi bảo vệ, TS Đồng Xuân Đảm - Ủy viên hội đồng, đã công khai cho biết, ông nhận được tới 2 cuốn luận án và một bản sửa của trang thứ 3 của NCS Mỹ Hạnh. Ai là người “vạch đường” cho NCS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tiếp xúc, liên hệ hoặc gặp gỡ các thành viên Hội đồng để đổi cuốn luận án? Bởi theo qui chế, việc này bị nghiêm cấm.
Trao đổi với VOV.VN sáng 31/8 về vấn đề này, TS Đồng Xuân Đảm cho rằng: “Đây là vấn đề quan trọng, vì trong qui chế đào tạo TS của ĐHKT Quốc dân, ngay cả khi tác giả Nghiên cứu sinh là đồng tác giả và là nghiên cứu chính cùng với những người khác trong cùng 1 công trình nghiên cứu công bố mà sử dụng nghiên cứu đó thì đều phải có sự đồng ý bằng văn bản. Tôi là người đã làm nghiên cứu ở nước ngoài thì tôi biết đây là vấn đề nghiêm trọng, vì mình đã sử dụng giống hệt cả thứ tự hình vẽ trong đó. Tôi đề nghị Hội đồng phải thảo luận kỹ việc này. Nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài như thế là không đạt. Còn các vấn đề khác như sai lệch về mẫu, không thống nhất giữa trình bày và nội dung thì tôi cũng đã nêu ra Hội đồng để yêu cầu NCS phải chỉnh sửa. Còn sau đó, NCS có chỉnh sửa hay không thì chỉ Chủ tịch và thư ký Hội đồng nắm được việc đó”.
Vì sao một luận án TS có quá nhiều vấn đề như vậy mà vẫn được thông qua? TS Đảm cho biết, ông bỏ phiếu tán thành với Hội đồng nhưng ghi rõ “Bảo lưu giá trị những nhận xét”.
Ngoài ra, TS Đồng Xuân Đảm cũng phản ứng về việc bản Tổng hợp ý kiến nhận xét của Hội đồng và nhận xét tóm tắt, Thư ký Hội đồng là PGS.TS Phạm Trương Hoàng chưa tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng một cách trung thực và khách quan.
“Tôi nhận được 1 cuốn đầu tiên do Viện đào tạo Sau đại học chuyển đến. Tất cả nhận xét của tôi dựa trên cuốn đầu tiên. Sau khi thấy 13 trang giống với một bài báo nước ngoài, tôi có trao đổi với Chủ tịch Hội đồng. Sau đó, NCS cũng có trao đổi lại và mang một cuốn khác đến cho tôi, nhưng tôi có nói rằng, tất cả những nhận xét của tôi đều dựa trên cuốn ban đầu. Nguyên tắc của tôi là gần như không tiếp xúc với NCS. Còn các ủy viên khác thì tôi không biết họ có dùng các cuốn khác nhau hay không, nhưng NCS mang cho tôi cuốn thứ 2 và phần sửa của trang thứ 3 nhưng tôi không thay đổi nhận xét”.
TS Đảm khẳng định: “Bản nhận xét của tôi là dựa trên cuốn đầu tiên và tôi đã gửi cho Viện Đào tạo sau Đại học một cách độc lập. Đối với tôi, việc có 13 trang giống với nước ngoài là không ổn. Bởi theo qui định của nước ngoài, tác giả không được trích dẫn quá 3 câu, và phải đặt vào ngoặc kép. Người ta có 13 trang thì chúng ta không thể đưa 13 trang vào ngoặc kép được, về mặt học thuật không ai chấp nhận như vậy”.
13 trang luận án “có vấn đề” đó đóng vai trò như thế nào trong luận án tiến sĩ này? TS Đồng Xuân Đảm khẳng định: “Đó là khung lý thuyết rất quan trọng. Nếu chúng ta thay đổi 13 trang đó thì khung lý thuyết hoàn toàn phải thay đổi. Trong luận văn, khung lý thuyết đóng vai trò rất quan trọng.
Những trường hợp như thế này, nếu ở nước ngoài thì bị đánh trượt ngay lập tức, không có khả năng cứu vãn, vì bản thân NCS chưa đạt tiêu chuẩn quan trọng nhất là đạo đức trong nghiên cứu. Với nhà khoa học, vấn đề quan trọng nhất là đạo đức, rồi mới đến kiến thức của mình có đóng góp cho thế giới khoa học hay không” – TS Đảm nói.
Đáng lưu ý, ngay trong buổi bảo vệ luận án, NCS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cũng đã công khai thừa nhận việc có sao chép bài báo của nước ngoài đưa vào công trình nghiên cứu của mình.
Trao đổi qua điện thoại, PGS.TS Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện đào tạo sau đại học cho biết, mọi thủ tục liên quan đến luận án của NCS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã hoàn tất, chỉ còn chờ Bộ Giáo dục-Đào tạo cấp bằng!?
Chủ tịch, thư ký Hội đồng 2 cấp đều là người cũ?
Nhiều người còn thắc mắc, vì sao danh sách Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cho luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh có Chủ tịch Hội đồng và thư ký Hội đồng cấp cơ sở cũng là Chủ tịch và thư ký Hội đồng cấp trường, đó là PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân và PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa quản trị khách sạn và Du lịch. Và vì sao, ngày bảo vệ luận án 24/01/2017 không có trong lịch công tác tuần của trường ĐH KTQD (nhằm ngày 27 tháng Chạp), ngày bảo vệ được đăng trên báo Nhân dân cũng không trùng với ngày bảo vệ thực tế.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh hiện đang là Phó trưởng bộ môn khoa quản trị khách sạn và du lịch tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nếu được Bộ Giáo dục-Đào tạo cấp bằng Tiến sĩ thì sau này sẽ bổ sung vào lực lượng những người đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho nước nhà. Bộ GD&ĐT cũng như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cần xem xét thận trọng, khách quan trường hợp này./.
Theo VOV.VN