Đề xuất tách thi đại học và thi tốt nghiệp THPT
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách riêng thi đại học và thi tốt nghiệp để các trường đại học tự chủ phương thức tuyển sinh.
Đến thời điểm này, các trường đại học trong cả nước đã tổ chức cho thí sinh mới trúng tuyển năm 2017 nhập học. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đảm bảo yêu cầu xét tuyển cho các trường đại học, cao đẳng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên tách riêng thi đại học và thi tốt nghiệp để các trường đại học tự chủ phương thức tuyển sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách riêng kỳ thi đại học và thi tốt nghiệp. |
Năm 2017 là năm thứ ba Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức phân loại và đều nằm trong chương trình lớp 12.
Với đề thi được đánh giá dễ, hình thức thi trắc nghiệm khách quan, cả nước có tới hơn 4.000 điểm 10, gấp hơn 60 lần so với năm ngoái. Tỷ lệ học sinh đạt điểm 8 trở lên tăng mạnh. Đây là lý do khiến điểm chuẩn nhiều trường tốp trên như công an, quân đội, y khoa, kinh tế tăng cao. Vì nhiều thí sinh điểm cao, lại được cộng điểm nên các trường này phải đề ra nhiều tiêu chí phụ. Thậm chí thí sinh 29,25 điểm vẫn trượt nguyện vọng một do không đáp ứng tiêu chí phụ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi các trường đại học thực hiện tự chủ thì việc tổ chức thi và tuyển sinh như hiện nay cần xem xét lại.
Việc tuyển sinh của các trường đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học và có quyền đưa ra phương thức tuyển sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo. Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng nên rất khó trong khâu ra đề thi để đảm bảo được cả 2 mục đích này. Vì vậy, về lâu dài, kỳ thi THPT quốc gia giao cho các địa phương tổ chức, còn các trường đại học tập trung vào việc tuyển sinh. Trường đại học có xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT hay không, thì tùy thuộc vào độ tin cậy của kỳ thi này.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng: "Tôi nghĩ về lâu dài nên đưa kỳ thi xét tốt nghiệp về địa phương, các trường khi đó có thể có những kỳ thi không giống trước đây, có thể cũng là trắc nghiệm, có thể cũng là bộ câu hỏi do các trường soạn, tham khảo như Đại học Quốc gia Hà Nội trước đây. Nếu cùng một kỳ thi 2 mục đích sẽ khó cho việc ra đề".
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khẳng định, năm 2018 sẽ giữ ổn định phương thức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh để kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng những năm tới tạo thuận lợi hơn cho cả các trường và thí sinh./.
Theo VOV