Thí sinh hơn 29 điểm trượt ĐH: Chuyên gia giáo dục đưa ra giải pháp

Thứ Tư, 02/08/2017, 14:17 [GMT+7]

Trước việc thí sinh đạt trên 29 điểm vẫn trượt ĐH, có chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự điều chỉnh hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên.
 
Các trường ĐH vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển vào từng ngành của trường. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là năm nay, điểm chuẩn của nhiều trường tăng đột biến, có ngành tăng từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái.

Với mức điểm chuẩn cao như năm nay, một số thí sinh điểm thi rất cao (lên đến trên 29 điểm) nhưng vẫn không đỗ ĐH. Điển hình là trường hợp thí sinh ở Hà Nội có tổng số điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh là 29,15 điểm nhưng vẫn không đỗ vào ĐH Y Hà Nội.

Trường hợp thứ 2 ở TP HCM, thí sinh được 29,35 điểm nhưng cũng không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa – ĐH Y dược TP HCM.

Cả hai thí sinh trượt nguyện vọng 1 đều không được cộng điểm ưu tiên và không đạt được tiêu chí phụ do trường ĐH đưa ra.
 

1
Điểm chuẩn vào ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm nay lấy 29,25 điểm nên có thí sinh trên 29 điểm vẫn không đỗ (ảnh minh họa)


Cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên

Trước thực tế trên, GS.TSKH Hà Huy Khoái, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư về ngành Toán học nhận định, xét tuyển vào ĐH là nhằm tuyển chọn người có năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo để đào tạo lâu dài.

Trước đây, khi kỳ thi ĐH được tách riêng so với kỳ thi Tốt nghiệp THPT, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ, thì việc cộng 2 điểm ưu tiên chẳng hạn là cộng thêm 15,4% số điểm.

Còn hiện nay, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia “2 trong 1”. Kỳ thi này có 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Thực chất học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp THPT thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm học lớp 12 là đủ.

Để đỗ đại học thì cần khoảng 15-18 diểm.  Như vậy, chỉ tranh nhau “suất ĐH” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3 đến 6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.

Theo GS.TSKH Hà Huy Khoái, cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên. Chẳng hạn nếu như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0,9 điểm là cùng.

Theo GS.TSKH Hà Huy Khoái, một khi học sinh ở vùng khó khăn có trình độ quá thấp so với “đề thi chung” thì việc cộng điểm ít có ý nghĩa. Vì vậy, công bằng cho thí sinh theo nghĩa, người có tư chất ngang nhau thì được tạo điều kiện học ngang nhau.

Vì vậy, trong tổng số chỉ tiêu vào ĐH nên dành 50% để lấy theo số điểm, từ cao xuống thấp. Còn lại 50% chỉ tiêu được chia đều theo tỷ lệ học sinh các tỉnh. Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó (do điều kiện vùng miền) thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.

Làm như vậy các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt thòi, mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay.

Các trường ĐH tốp trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh

Trước việc thí sinh đạt điểm thi cao vẫn trượt ĐH, PGS Văn Như Cương nêu quan điểm, những kỳ thi ĐH năm trước, thí sinh đạt 25 điểm trở lên đều được đánh giá là giỏi.
 

1
Có chuyên gia giáo dục cho rằng, cần sự điều chỉnh hợp lý về việc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH (ảnh minh họa)


Năm nay, do đề thi không tính toán kỹ nên có quá nhiều em đạt điểm cao. Điều này khiến cho trường tốp trên khó khăn trong xét tuyển, mà bản thân các em dù điểm cao 28, 29, 30 điểm vẫn không đỗ đúng ngành yêu thích. Học sinh năm nay không hề giỏi hơn năm ngoái mà điểm cao là do thay đổi cách thức ra đề thi, cách tổ chức thi...

Kết quả thi THPT Quốc gia năm nay cao “ngất ngưởng” càng chứng tỏ không cần tổ chức một kỳ thi “2 trong 1” rầm rộ như hiện nay. Theo PGS Văn Như Cương, đã đến lúc Bộ GD-ĐT giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương, đề thi có thể do Bộ cung cấp.

Nếu cứ tổ chức thi như hiện nay thì các trường ĐH tốp trên sẽ không dễ dàng chọn lựa đúng thí sinh mà phải đưa ra các tiêu chí phụ. Các trường cần có quyền tự chủ trong tuyển sinh để chọn người xứng đáng và đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Trong khi tiêu chí “đầu ra” các trường khác nhau nhưng “đầu vào” thí sinh lại cùng làm đề giống nhau là bất hợp lý. Vì thế, Bộ GD-ĐT nên để các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh theo mục tiêu đào tạo, bảo đảm chất lượng “đầu vào”, đỡ gây mệt mỏi, căng thẳng cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng./.

 

Theo VOV

.